Tăng cường giáo dục học sinh về tác hại của thực phẩm '3 không'

Các nhà trường, gia đình nên tăng cường tuyên truyền cho học sinh kiến thức về an toàn thực phẩm, tác hại của thực phẩm '3 không': không nguồn gốc, xuất xứ, hạn sử dụng để hạn chế tình trạng học sinh mua thực phẩm từ quán hàng không bảo đảm an toàn.

Vào tháng 9, sau khi uống loại nước ngọt được bán ở cổng trường, 2 nhóm gồm 30 học sinh ở Trường Phổ thông dân tộc bán trú và Trung học Cơ sở Cốc Pàng, huyện Bảo Lạc, Cao Bằng đều xuất hiện triệu chứng ngộ độc như đau đầu, đau bụng, buồn nôn kèm theo tiêu chảy. Một số em có biểu hiện nặng.

Cũng tại Cao Bằng, sáng 7/9, trong giờ ra chơi, 25 học sinh Trường Tiểu học Việt Chu (xã Thống Nhất, huyện Hạ Lang) đã ra ngoài cổng trường mua kẹo, thạch si rô dừa, kẹo ngậm hương vị sữa chua và dâu tây để ăn. Sau đó các em bị đau bụng, buồn nôn, mệt mỏi, nghi bị ngộ độc.Nhận được thông tin, cán bộ y tế nhà trường và phụ huynh học sinh nhanh chóng đưa các em đến Trung tâm Y tế huyện Hạ Lang.

Trước đó, tại Quảng Nam hay Bình Phước cũng từng xảy ra vụ việc các nhóm học sinh có biểu hiện ngộ độc sau khi ăn thực phẩm mua ở cổng trường.

Những vụ việc này lại một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng mất an toàn, vệ sinh thực phẩm từ những hàng quán bán rong xung quanh khu vực cổng trường.

Tại Hà Nội, TP.HCM hay nhiều địa phương hiện nay, tình trạng những gánh hàng rong, xe đẩy, điểm bán hàng cố định có bày bán các món ăn vặt quanh khu vực các cổng trường học rất phổ biến. Các món ăn vặt rất đa dạng từ thịt xiên nướng, xúc xích, viên tôm, viên bò, viên gà, viên cá, viên phô mai, bánh tráng, bánh ngô, khoai chiên… đến các loại đồ uống đóng chai, kem, kẹo mút, kẹo viên có màu xanh, đỏ...

Các loại thực phẩm này có giá rất rẻ, được bảo quản, chế biến ngay bên lề đường trong điều kiện nắng nóng, khói bụi, đông người qua lại. Đặc biệt, dù không ít nguyên liệu thực phẩm "3 không": nguồn gốc, xuất xứ, hạn sử dụng nhưng vẫn lôi cuốn được học sinh, trở thành mối lo của những bậc phụ huynh, thầy cô giáo.

Để hạn chế tình trạng học sinh mua thực phẩm từ các quán hàng không bảo đảm an toàn, một số trường học trên địa bàn Hà Nội đã có quy định cấm ăn quà trước cổng trường, phổ biến đến học sinh và các bậc phụ huynh ngay từ đầu năm học, đồng thời thực hiện việc đóng cổng trường giờ ra chơi. Các nhà trường cũng tăng cường tuyên truyền cho học sinh kiến thức về an toàn thực phẩm, nói không với các thực phẩm "bẩn".

Tiêu hủy thực phẩm không đảm bảo an toàn được bán trước cổng trường học ở xã Diễn Lâm, huyện Diễn Châu, Nghệ An. Ảnh: CTV

Tiêu hủy thực phẩm không đảm bảo an toàn được bán trước cổng trường học ở xã Diễn Lâm, huyện Diễn Châu, Nghệ An. Ảnh: CTV

Cơ quan chức năng và chính quyền nhiều địa phương cũng phối hợp kiểm tra, xử lý các điểm bán đồ ăn vặt tại cổng trường. Tuy nhiên, việc ngăn chặn, dẹp bỏ những hàng quán ăn vặt trước cổng trường vẫn nan giải.

Theo các chuyên gia của Viện Dinh dưỡng quốc gia, những thực phẩm không rõ nguồn gốc, không được bảo quản, chế biến theo tiêu chuẩn dễ gây ra các vấn đề ngộ độc tức thời như: Đau bụng, tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa... Điều lo ngại hơn, những thực phẩm “3 không” này còn tác động âm thầm khi trẻ ăn, uống, tiếp xúc trong một thời gian dài và ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa trong cơ thể, dễ gây ra các bệnh về tim mạch, đái tháo đường, béo phì…

Đặc biệt, các chất hóa học, thuốc trừ sâu, chất tăng trọng… còn tồn dư trong các loại thực phẩm không nguồn gốc sẽ từ từ ngấm vào cơ thể, sau đó tích tụ lại gây bệnh ung thư.

Các chuyên gia cho rằng trong gia đình và nhà trường, cha mẹ, thầy cô cần quan tâm giáo dục con em/học sinh mình về những tác hại của thực phẩm “3 không” và lợi ích của thực phẩm lành mạnh, an toàn, dinh dưỡng hợp lý đối với sức khỏe. Nhà trường cũng nên kiểm soát, tạo cuộc vận động và xây dựng phong trào vệ sinh, an toàn thực phẩm, học sinh toàn trường không ăn quà vặt không rõ nguồn gốc.

Trong Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025 nêu rõ chỉ tiêu về tổ chức bữa ăn học đường, bảo đảm dinh dưỡng hợp lý trong trường học, theo đó 100% trường học tổ chức các hoạt động giáo dục dinh dưỡng hợp lý, thực phẩm lành mạnh, an toàn cho học sinh thông qua các giờ học chính khóa, hoạt động ngoại khóa.

Về tuyên truyền, giáo dục sức khỏe học đường trong trường học, 100% học sinh được tuyên truyền, giáo dục về sức khỏe và nâng cao kiến thức phòng, chống bệnh, tật học đường, bệnh không lây nhiễm và sức khỏe tâm thần; được giáo dục về dinh dưỡng hợp lý, thực phẩm lành mạnh, an toàn.

Minh An

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/giao-duc-hoc-sinh-ve-tac-hai-cua-thuc-pham-3-khong-2199204.html