Tăng cường giáo dục STEM trong chương trình giáo dục phổ thông mới
Trong Chương trình Giáo dục phổ thông mới, phương pháp giáo dục STEM khuyến khích học sinh học đi đôi với hành và được chú trọng áp dụng với các mức độ: Dạy học các môn khoa học theo phương thức giáo dục STEM; tổ chức các hoạt động trải nghiệm STEM; tổ chức hoạt động nghiên cứu khoa học, kỹ thuật. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Mới đây, chúng tôi được tham dự chương trình tổng kết hoạt động các câu lạc bộ học sinh của Trường Tiểu học Nam Tiến (Nam Trực) tổ chức. Với kịch bản được cải biên từ cốt truyện cổ tích thần thoại “Alice ở xứ sở thần tiên” được biểu diễn bằng tiếng Anh, chương trình là sự tổng hòa liên kết các tiết mục vũ nhạc, thời trang, võ thuật, các thí nghiệm khoa học, thể hiện năng lực nói tiếng Anh và các kỹ năng biểu diễn của học sinh. Ngoài ra, trường còn tổ chức các gian hàng với những nội dung thực hành cụ thể dành cho học sinh như: Vui cùng Robot, núi lửa phun trào, STEM sách, STEM tái chế..., thu hút đông đảo học sinh tham gia đã thực sự tạo nên không khí của ngày hội vui, bổ ích. Được biết Trường Tiểu học Nam Tiến hiện có 4 câu lạc bộ học sinh, trong đó có câu lạc bộ STEM với các hoạt động chủ đề STEM tái chế, STEM Robot và STEM sách. Tham gia các câu lạc bộ STEM nói riêng, các câu lạc bộ học sinh nói chung, các em được trau dồi, bổ sung, nâng cao các kiến thức đã học trong sách giáo khoa và phát triển các kỹ năng cũng như năng khiếu của bản thân thông qua các hoạt động. Do đó, đã góp phần thiết thực vào việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của học sinh khi các em sớm tiếp cận với các phương pháp giáo dục mới trên thế giới hiện nay.
Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân (thành phố Nam Định) cũng vừa tổ chức buổi tập huấn và giới thiệu chương trình giáo dục STEM đến toàn thể giáo viên. Ban giám hiệu nhà trường đã mời giảng viên Trường Cao đẳng Sư phạm Nam Định hướng dẫn toàn bộ nội dung buổi tập huấn. Nội dung tập huấn chú trọng những vấn đề gắn STEM vào trong từng bài học cụ thể, trước hết là ở các môn Toán học, Khoa học, Tự nhiên và Xã hội ở bậc tiểu học. Các giáo viên tham dự lớp bồi dưỡng đã hiểu rõ hơn về giáo dục STEM, cách thức xây dựng bài học STEM gắn với nội dung từng môn học trong chương trình giáo dục tiểu học, được giải đáp nhiều khúc mắc và gợi ý một số chủ đề STEM có thể xây dựng để đưa vào dạy học ngay trong thời gian tới.
Trong Chương trình Giáo dục phổ thông mới, phương pháp giáo dục STEM khuyến khích học sinh học đi đôi với hành và được chú trọng áp dụng với các mức độ: Dạy học các môn khoa học theo phương thức giáo dục STEM; tổ chức các hoạt động trải nghiệm STEM; tổ chức hoạt động nghiên cứu khoa học, kỹ thuật. Việc đưa giáo dục STEM vào trường học mang lại nhiều ý nghĩa, phù hợp với định hướng đổi mới giáo dục phổ thông, nhằm đảm bảo giáo dục toàn diện; nâng cao hứng thú học tập; kết nối trường học với cộng đồng; tăng khả năng phân luồng hướng nghiệp học sinh có thể lựa chọn các ngành nghề phù hợp khi tốt nghiệp phổ thông. Chương trình có đầy đủ các môn học STEM là: Toán học, Khoa học tự nhiên, Công nghệ, Tin học. Các chủ đề STEM trong chương trình môn học cũng được tích hợp ở giai đoạn giáo dục cơ bản như các môn Tự nhiên và Xã hội, Khoa học, Tin học và Công nghệ (ở tiểu học), môn Khoa học tự nhiên (ở trung học cơ sở). Từ năm học 2018-2019 giáo dục STEM được sự hưởng ứng mạnh mẽ của nhiều cơ sở giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh. Năm học 2018-2019, Sở Giáo dục và Đào tạo chọn 4 trường: Trung học cơ sở Nguyễn Hiền (Nam Trực); Trung học cơ sở Đào Sư Tích (Trực Ninh); Trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong; Trung học phổ thông Nguyễn Khuyến (thành phố Nam Định) để triển khai xây dựng và thực hiện giáo dục STEM. Sở Giáo dục và Đào tạo cũng khuyến khích các trường học trên địa bàn tỉnh xây dựng và thực hiện các chủ đề giáo dục STEM. Thực hiện chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo về xây dựng trường học kiến tạo nhằm tăng cường quyền tự chủ, khuyến khích sự sáng tạo của đội ngũ thầy, cô giáo và các em học sinh, trong những năm qua, Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành phố đã chỉ đạo các nhà trường tổ chức các hoạt động “điểm sáng” về STEM để giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, tạo cơ hội cho học sinh được trải nghiệm ở nhiều sân chơi khác nhau. Từ những “điểm sáng” STEM, đến nay, chương trình giáo dục STEM đã được triển khai ở hầu hết các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh. Các trường học triển khai STEM đều có thay đổi rõ rệt, đặc biệt là học sinh khu vực nông thôn. Nhờ STEM, các em khắc phục được sự e dè, nhút nhát, mạnh dạn hơn, chất lượng tiếp thu bài giảng tốt hơn, nắm vững kiến thức và tự tin trình bày trước đông người. Trong chương trình giáo dục phổ thông mới, sẽ có đầy đủ các môn học STEM; cải thiện rõ rệt vị trí của giáo dục tin học và giáo dục công nghệ; yêu cầu dạy học tích hợp và đổi mới phương pháp giáo dục phát triển năng lực vận dụng kiến thức liên môn giải quyết các vấn đề thực tiễn của học sinh. Từ năm học 2018-2019, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Ngày hội STEM. Một số đơn vị có dự án STEM tham dự Ngày hội STEM đạt chất lượng cao như các trường: Trung học phổ thông A Hải Hậu, Trung học phổ thông Nguyễn Khuyến, Trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong, Trung học phổ thông Tống Văn Trân; các Phòng Giáo dục và Đào tạo: Trực Ninh, thành phố Nam Định, Giao Thủy, Vụ Bản… Các dự án tiêu biểu xuất phát từ thực tiễn và có khả năng nhân rộng phục vụ việc học tập của học sinh như: Truyện tranh khoa học động vật: “Cuộc phiêu lưu kỳ thú của biệt đội BT 21” của Trường Trung học cơ sở Mỹ Hưng (Mỹ Lộc); “Mô hình thí nghiệm tác dụng của cơ hoành” của Trường Trung học cơ sở Trực Tuấn (Trực Ninh); “Chế tạo máy cẩu múc đồ chơi” của Trường Trung học cơ sở Xuân Phú (Xuân Trường); có cả các dự án được sử dụng trong đời sống như “Máy xông hơi mi ni gia đình” của Trường Trung học cơ sở Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng); “Máy cắt gạch men tự động” của Trường Trung học phổ thông A Nghĩa Hưng; “Thiết bị cho vật nuôi ăn bằng điều khiển từ xa” của Trường Trung học cơ sở Hải Xuân (Hải Hậu); “Chế tạo kính thiên văn khúc xạ 60F700” của Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong; “Thiết kế đèn trang trí theo các mô hình hình học không gian” của Trường Trung học phổ thông Trần Hưng Đạo.
Giáo dục STEM bước đầu hình thành kiến thức và kỹ năng STEM cho học sinh các nhà trường, góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện. Tuy nhiên, để việc đưa giáo dục STEM vào trường học đạt kết quả tốt hơn Sở Giáo dục và Đào tạo cần tuyên truyền rộng rãi mục đích, ý nghĩa của giáo dục STEM, kết nối hoạt động giáo dục STEM với các hoạt động dạy học, giáo dục đang triển khai tại các nhà trường đảm bảo tính đồng bộ, hiệu quả khi triển khai. Khai thác hiệu quả tiềm lực của đội ngũ giáo viên, đặc biệt là giáo viên có năng lực và kinh nghiệm hướng dẫn học sinh trong giáo dục STEM. Đưa nội dung hướng dẫn giáo dục STEM vào sinh hoạt của tổ, nhóm chuyên môn; phát triển câu lạc bộ STEM trong các nhà trường./.
Bài và ảnh: Minh Thuận