Tăng cường giáo dục về an toàn thực phẩm đối với trẻ em
Việc tăng cường truyền thông, giáo dục về an toàn thực phẩm đối với học sinh được xem là điều cần thiết để đảm bảo sức khỏe cho bản thân trẻ cũng như của cả cộng đồng.
An toàn thực phẩm là vấn đề hệ trọng, vừa cấp bách vừa lâu dài vì ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của người dân. Thực tế, thời gian gần đây, thực trạng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập. Chính điều này đã dẫn đến những vụ ngộ độc thực phẩm ở nhiều tỉnh/thành trên cả nước.
Để thay đổi nhận thức, hành vi của người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng về đảm bảo an toàn thực phẩm, nhiều chuyên gia cho rằng cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, xác định trách nhiệm và hành động của các tổ chức, cá nhân. Bên cạnh đó, cần lồng ghép hơn nữa nội dung giáo dục, văn hóa an toàn thực phẩm vào chương trình giáo dục, kể cả mầm non và tiểu học.
Báo PNVN có cuộc trao đổi với cô Phạm Bảo Hạnh - Hiệu trưởng Trường Mầm non Tân Phong (Quận 7, TPHCM) - liên quan đến vấn đề này.
+ Hiện vấn đề an toàn thực phẩm tại nhà trường được phụ huynh, học sinh quan tâm thế nào, thưa cô?
Hiện nay, các bậc phụ huynh rất quan tâm đến việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong nhà trường. Do vậy, các đơn vị trường học luôn cố gắng thực hiện tốt nhất việc đảm bảo chất lượng bữa ăn của trẻ.
Đối với trường chúng tôi, hàng tháng nhà trường đều công khai thực đơn trên cổng thông tin và sổ liên liên lạc điện tử đến phụ huynh. Hàng ngày, nhà trường công khai bữa ăn của trẻ trong tủ trưng bày: các bữa sáng - bữa trưa và bữa xế.
Bên cạnh đó, nhà trường cũng thành lập tổ giám sát chất lượng bữa ăn bán trú bao gồm ban giám hiệu, các tổ trưởng và ban đại diện cha mẹ trẻ. Mỗi ngày, phó hiệu trưởng nhà trường sẽ công khai bữa ăn trong tổ giám sát, để tổ cùng nhà trường theo dõi chất lượng bữa ăn mỗi ngày.
+ Trong chương trình giáo dục, học sinh được tiếp cận với kiến thức về an toàn thực phẩm ra sao?
Trong kế hoạch giáo dục của các lớp mẫu giáo, giáo viên tổ chức các hoạt động giáo dục dinh dưỡng sức khỏe giúp các bé tìm hiểu về: thức ăn tốt - xấu, có lợi - gây hại, nên ăn những những thức ăn có lợi và tốt để bảo vệ cơ thể khỏe mạnh.
Giáo viên từng khối tổ chức cho trẻ tham gia những cuộc thi tìm hiểu về dinh dưỡng của thực phẩm thông qua nhiều hình thức như lựa chọn kết quả trắc nghiệm, trả lời đáp án đúng - sai, tìm hình ảnh nguồn thực phẩm tốt cho sức khỏe của trẻ…
+ Nhà trường có tổ chức các hoạt động khác liên quan đến an toàn thực phẩm cho học sinh không, thưa cô?
Hàng ngày vào các buổi ăn, các cô cấp dưỡng đều xuống thăm lớp và nắm tình hình bữa ăn của các con để rút kinh nghiệm trong công tác chế biến. Đồng thời, hỏi thăm xem các con thích và không thích món ăn nào để có sự điều chỉnh trong thực đơn cho phù hợp.
Bên cạnh đó, nhà trường cũng tổ chức các hoạt động ăn theo dạng buffet tự chọn theo nhu cầu của trẻ; ăn theo dạng bữa cơm gia đình để các bé hiểu được ý nghĩa quan trọng của những bữa ăn.
+ Cảm ơn cô đã chia sẻ!
Phụ huynh nghĩ gì về giáo dục an toàn thực phẩm cho trẻ?
Chị Trần Thị Hằng (ngụ quận 8, TPHCM) cho biết, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đã được tổ chức và cá nhân quan tâm. Tuy nhiên, ngộ độc thực phẩm vẫn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Đối với học sinh, ngoài lo lắng về bữa ăn bán trú, thì còn mối lo đối với các loại thức ăn, nước uống… không rõ nguồn gốc xuất xứ, thậm chí không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm được bán ngay trước cổng trường.
Do vậy, tôi cho rằng cần phải tăng cường giáo dục cho học sinh các cấp học về thực phẩm lành mạnh, an toàn; cách nhận biết và xử lý khi không may bị ngộ độc thực phẩm.
Chị Lê Thị Ngọc (ngụ tỉnh Đồng Nai) cho rằng, việc tăng cường tuyên truyền, giáo dục cho học sinh về an toàn thực phẩm là hết sức cần thiết. Ngoài chương trình trong sách giáo khoa thì nhà trường cần tích cực thông tin, giáo dục về an toàn vệ sinh thực phẩm cho học sinh thông qua các buổi học kỹ năng sống, ngoại khóa… để giúp các em có thể kiến thức, kỹ năng bảo vệ sức khỏe của chính bản thân cũng như của cả cộng đồng.