Xây dựng lối sống mới cho sinh viên
Nhằm xây dựng lối sống mới cho thanh niên Việt Nam, trước hết chúng ta phải xác định rõ ràng tiêu chí mà thanh niên cần hướng tới thực hiện hàng ngày trong cuộc sống.
Một là, xây dựng thái độ đúng mực trong tình bạn, tình yêu cho sinh viên, thói quen, ứng xử văn hóa đạo đức trong lối sống thể hiện qua tình bạn trong sáng, chân thành; tình yêu đúng đắn, cao đẹp chính là điểm tựa, là nguồn sức mạnh tinh thần giúp cho sinh viên vươn lên trong cuộc sống, giúp họ gắn bó với tập thể, luôn có ý thức hướng tới tập thể, quan tâm giúp đỡ nhau, nhờ đó hình thành lối sống mới, tiến bộ trong mỗi con người.
Ngoài ra, cần chú ý xây dựng và duy trì thói quen tốt trong sinh hoạt hàng ngày cho sinh viên như thói quen đọc sách, thưởng thức nghệ thuật, chơi thể thao,... để có lối sống lành mạnh.
Hai là, xây dựng lối sống vì cộng đồng, tinh thần trách nhiệm, lương tâm trong sáng, lòng nhân ái bao dung cho sinh viên. Xây dựng lối sống có lý tưởng, ước mơ, hoài bão lớn lao vì ngày mai lập thân lập nghiệp, có nghị lực và tự tin trong cuộc sống, niềm tin vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc, có trách nhiệm với bản thân, gia đình, những người xung quanh và với xã hội; lòng nhân ái, bao dung thể hiện ở tình yêu thương và quý trọng con người, sẵn sàng giúp đỡ người khác;…
Ba là, xây dựng lối sống văn minh, có văn hóa trong ứng xử, nghiêm chỉnh thực hiện pháp luật, tôn trọng kỷ cương phép nước, có ý thức bảo vệ môi trường sinh thái, dám đứng lên bảo vệ cái đúng, cái thiện; phải nỗ lực trong học tập, trong nghiên cứu để hiểu, biết ứng xử có văn hóa trong mọi quan hệ xã hội như biết sống vì người khác, kính trọng thầy cô, yêu thương gia đình, sống thân thiện, thấy được nghĩa vụ lớn lao đối với xã hội.
Bốn là, xây dựng lối sống mới cho sinh viên, trước hết là có tình yêu gia đình, làng xóm, quê hương, đất nước, ý chí vươn lên đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu. Từ tình yêu thương này sẽ có lòng quyết tâm giữ gìn giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc; quyết tâm đạt tới mục tiêu xây dựng cuộc sống bình đẳng, ấm no, hạnh phúc. Điều này đòi hỏi sinh viên phải có thái độ học tập, lao động nghiêm túc, phải gắn liền với sự sáng tạo, dựa trên tri thức khoa học, các quy luật tự nhiên - xã hội để có sự vận dụng vào trong mọi hoạt động của đời sống.
Nhận thức về vấn đề xây dựng lối sống mới cho sinh viên năm nhất Trường Đại học Kinh tế Công nghiệp Long An
Trong bài này, chúng tôi đã khảo sát 225 phiếu, thu được 200 phiếu và rút ra một số kết luận sau:
Từ bảng 1 ta thấy phiếu chọn Rất cần thiết chiếm 62% cao hơn; chọn Cần thiết chiếm 30%; chọn Phân vân chiếm 2%; chọn Không cần thiết chiếm 6%, đã cho thấy nhu cầu cần thiết phải xây dựng lối sống mới cho sinh viên trong giai đoan hiện nay là một yêu cầu tất yếu.
Qua số liệu trên chúng ta thấy rằng, sinh viên đã có nhận thức về vấn đề xây dựng lối sống mới. Sinh viên cho rằng cần phải có khát vọng làm giàu cho bản thân, cho xã hội và đất nước bởi lẽ nó gắn liền với ý chí tự lực, tự cường, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, sánh vai với các cường quốc năm châu. Bên cạnh đó cũng cần phải có một lý tưởng sống tốt đẹp để làm động lực cho bản thân trau dồi, phấn đấu để ngày càng hoàn thiện bản thân.
Các giải pháp nhằm xây dựng lối sống mới cho sinh viên
Về phía sinh viên
Thanh niên, sinh viên là lớp người trẻ, khỏe, có nhiệt huyết, có năng lực tư duy, nhạy bén với cái mới. Chính vì vậy, sinh viên cần ý thức hơn nữa việc tự học tập, tự tu dưỡng đạo đức, lối sống nhằm phát triển toàn diện về trí tuệ, đạo đức, thể chất, thẩm mỹ, lao động và trang bị cho mình lối sống mới để thích nghi với những thay đổi của xã hội trong thời kỳ cách mạng công nghệ hiện nay.
Cái tôi và sự hiểu biết tỷ lệ nghịch với nhau. Hiểu biết càng nhiều cái tôi càng nhỏ. Hiểu biết càng ít cái tôi càng lớn. Do đó, bên cạnh việc tiếp thu, lĩnh hội nền văn minh, tiến bộ làm hành trang cho lập thân, lập nghiệp, góp phần xây dựng xã hội chủ nghĩa là điều cần thiết thì còn phải trau dồi lý tưởng cách mạng, lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc. Ước mơ, hoài bão riêng của mỗi sinh viên phải hướng tới mục tiêu chung của dân tộc và nhân loại, luôn mong muốn để đóng góp cho việc xây dựng nước nhà, cho cả cộng đồng và xã hội.
Sinh viên phải tu dưỡng, rèn luyện để có cả đức và tài. Bởi lẽ, hiện nay, nhiều cá nhân có biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống, dễ thấy nhất là con người bị lôi kéo vào những ham muốn cá nhân làm những việc trái pháp luật. Người có tài mà không có đức, không đặt lợi ích quốc gia, dân tộc trên lợi ích cá nhân sẽ là nguy cơ gây ra những hậu quả khôn lường, nghiêm trọng. Ngoài ra, việc nâng cao thể chất cũng rất quan trọng, sinh viên phải biết yêu thương bản thân mình.
Nét đẹp ở nhân cách của mỗi con người thể hiện qua từng lời nói, cử chỉ, hành động, cách đối nhân xử thế trong các mối quan hệ giao tiếp xã hội. Do vậy, mỗi sinh viên không chỉ học tập, lĩnh hội tri thức, rèn luyện thể lực, còn phải không ngừng học hỏi thế giới xung quanh để tự trang bị cho mình các kỹ năng cần thiết, giúp ích trong việc hình thành nhân cách cũng như có bản lĩnh để vượt qua những cạm bẫy trong xã hội.
Về phía gia đình
Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện “đức - trí - thể - mỹ” phù hợp với đặc điểm tâm lý lứa tuổi thông qua các hoạt động học tập, văn hóa, khoa học, nghệ thuật, nâng cao, bồi dưỡng tri thức góp phần rèn luyện, thúc đẩy con người phát triển toàn diện; lòng nhân ái, bao dung; cần đấu tranh, đẩy lùi cái xấu, những hành vi tiêu cực trong xã hội giúp cho thế hệ trẻ có ý thức, trách nhiệm với cộng đồng, xã hội, biết yêu thương đồng loại; sống có lý tưởng, có bản lĩnh, biết làm chủ và biết bảo vệ cộng đồng, môi trường và thiên nhiên.
Về phía nhà trường và xã hội
Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh: Có vai trò cực kỳ quan trọng trong đời sống con người, làm cho văn hóa trở thành nhân tố tích cực thúc đẩy con người hoàn thiện nhân cách; dám đấu tranh loại bỏ những yếu tố bảo thủ, lạc hậu trong nhà trường, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo mà trước hết là việc xây dựng văn hóa học đường. Giáo dục sinh viên có tinh thần quốc tế trong sáng.
Phát huy vai trò nêu gương trong xây dựng lối sống mới: Mỗi cán bộ, giảng viên phải là tấm gương sáng về đạo đức từ lối sống, cách cư xử, cách làm việc. Kịp thời động viên, tuyền truyền về những tấm gương người tốt, việc tốt; tiếp tục phát huy phong trào “Sinh viên 5 tốt”, khen thưởng, khích lệ những sinh viên có thành tích học tập tốt, rèn luyện tốt hay có nhiều đóng góp trong các hoạt động tình nguyện;...
Kết hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc xây dựng lối sống mới cho sinh viên bởi lẽ gia đình là nơi lưu giữ các giá trị truyền thống tốt đẹp, là nơi mà tình yêu quê hương, đất nước, yêu thương con người được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác giúp hình thành nhân cách ban đầu. Do đó, trong gia đình, ông bà, cha mẹ phải thật sự mẫu mực, là những tấm gương sáng cho con cháu noi theo.
Phát huy tốt vai trò của Đoàn Thanh niên trong công tác xây dựng lối sống mới: Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cần phải phát huy vai trò xung kích trong thực hiện mục tiêu bồi dưỡng thanh niên Việt Nam phát triển toàn diện về nhân cách, phẩm chất, sức khỏe và năng lực tư duy sáng tạo qua các cuộc thi tìm hiểu về lịch sử Đảng,… để giúp sinh viên trở thành những công dân tốt, nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu công cuộc hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Con người là nhân tố quan trọng nhất quyết định đến sự nghiệp thắng lợi toàn cầu hóa, công cuộc đổi mới và hội nhập của đất nước mà trên hết đó chính là thế hệ thanh niên Việt Nam – những chủ nhân tương lai của đất nước. Do đó, cần nâng cao nhận thức nhiều hơn nữa ở thanh niên việc giữ gìn, kế thừa những giá trị văn hóa truyền thống: Lòng yêu nước, tinh thần hiếu học, truyền thống đoàn kết, nhân ái, bao dung, đức tính cần cù, tiết kiệm, lối ứng xử thân thiện, hài hòa với tự nhiên,… để phát triển toàn diện, phụng sự đất nước, phục vụ nhân dân, trở thành những nông dân có học thức, công nhân lành nghề. Giáo dục cần phải xác lập “quyền của mình” bảo vệ giáo viên, giúp giáo viên phòng, chống được những cạm bẫy./.
ThS. Hà Nhật Quang - ThS. Đoàn Thanh Hòa
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/xay-dung-loi-song-moi-cho-sinh-vien-a187535.html