Tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về phát triển du lịch
Sáng 2-6, Đoàn giám sát Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh làm việc với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) về công tác quản lý nhà nước về phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2018-2022. Đồng chí Đào Xuân Yên, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh chủ trì buổi làm việc.
Theo báo cáo của Sở VH,TT&DL, giai đoạn 2018-2022, công tác quản lý nhà nước về phát triển du lịch của tỉnh được tăng cường; hiệu lực, hiệu quả từng bước được nâng cao. Giai đoạn này, toàn tỉnh đón được gần 40 triệu lượt khách, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 9,5%/năm; tổng thu du lịch đạt 60.591 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 20,2%/năm. Sự phát triển không ngừng của ngành du lịch Thanh Hóa đã đóng góp trực tiếp vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Trong những năm qua, công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch và đầu tư phát triển du lịch tiếp tục được triển khai, thực hiện có hiệu quả, đáp ứng nhu cầu phát triển. Tính đến hết năm 2022, trên địa bàn tỉnh đã có 45 quy hoạch phát triển du lịch được phê duyệt, trong đó có 4 quy hoạch do Sở VH,TT&DL làm chủ đầu tư.
Về đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, giai đoạn 2018 - 2022, tỉnh đã và đang triển khai hơn 25 dự án đầu tư cơ sở hạ tầng với tổng mức đầu tư là 5.971 tỷ đồng (ngân sách Trung ương dự kiến hỗ trợ 1.192 tỷ đồng). Trong đó, nguồn vốn ngân sách Nhà nước tập trung ưu tiên đầu tư các tuyến trung tâm và kết nối đến các khu, điểm du lịch có tiềm năng, làm đòn bẩy thu hút các dự án kinh doanh du lịch, các dự án trọng điểm.
Cũng trong những năm gần đây, các sản phẩm du lịch ở Thanh Hóa được hình thành rõ nét, đặc biệt sản phẩm du lịch biển có nhiều chuyển biến tích cực, được thị trường khách du lịch đón nhận và đánh giá cao; sản phẩm du lịch sinh thái cộng đồng bước đầu có triển vọng phát triển tốt, thu hút ngày càng đông khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế; sản phẩm du lịch đường thủy dần được hoàn thiện và mở rộng quy mô, chất lượng; du lịch văn hóa, lễ hội trở thành điểm nhấn quan trọng của du lịch Thanh Hóa; sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn đang từng bước được hình thành, góp phần làm phong phú sản phẩm, tăng thêm sự lựa chọn cho du khách khi tìm hiểu, trải nghiệm kinh tế - xã hội, khám phá vẻ đẹp của quê hương, con người, văn hóa xứ Thanh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo của Sở VH,TT&DL và ý kiến phát biểu của các thành viên đoàn giám sát cũng đã chỉ ra một số tồn tại, hạn chế như: Hầu hết các dự án chậm tiến độ so với quy định, cá biệt có những dự án kéo dài trong nhiều năm; chưa có nhiều dự án đầu tư vào các khu vực trung du và miền núi để khai thác hết tiềm năng, lợi thế du lịch của tỉnh; một số khu du lịch trọng điểm, hệ thống xử lý nước thải hiện đã quá tải so với thực tế phát sinh nước thải hàng ngày, đặc biệt vào các tháng cao điểm mùa du lịch; thiếu những sản phẩm du lịch cao cấp phục vụ khách quốc tế và khách có khả năng chi trả cao; chất lượng nguồn nhân lực vẫn còn hạn chế…
Đồng thời các thành viên đoàn giám sát đề nghị Sở VH,TT&DL làm rõ một số nội dung như: Kết quả triển khai thực hiện Kế hoạch số 233/KH-UBND ngày 3-11-2021 của UBND tỉnh về việc thực hiện Quyết định số 623/QĐ-TU ngày 23-7-2021 của Tỉnh ủy; quan điểm của Sở VH,TT&DL giải quyết một số nơi vi phạm xây dựng cơ sở lưu trú du lịch; thực trạng và giải pháp một số công trình chậm tiến độ do Sở VH,TTDL và một số địa phương làm chủ đầu tư.
Giải trình, làm rõ các ý kiến của đoàn giám sát, đồng chí Phạm Nguyên Hồng, Giám đốc Sở VH,TT&DL đã đề nghị lãnh đạo các phòng chuyên môn của Sở VH,TT&DL trả lời cụ thể. Đồng thời nhấn mạnh, các ý kiến góp ý tại buổi làm việc là cơ sở quan trọng để Sở VH,TT&DL thực hiện tốt hơn nữa công tác quản lý nhà nước về phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Đào Xuân Yên, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh ghi nhận đánh giá cao sự chủ động, tích cực, sáng tạo trong công tác tham mưu và triển khai thực hiện của Sở VH,TT&DL. Đồng thời nhấn mạnh, du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và đã được xác định là một ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Đối với những hạn chế, tồn tại đã nêu trong báo cáo, qua giám sát thực tế tại các huyện và các ý kiến của các đại biểu tại buổi làm việc, đề nghị Sở VH,TT&DL nghiên cứu, cụ thể hóa bằng các nhiệm vụ của ngành và những tham mưu, đề xuất với tỉnh cũng như các địa phương để phát huy kết quả đạt được, khắc phục khó khăn, phát triển du lịch tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của tỉnh. Qua đó góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, đưa du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, một trong những trọng điểm du lịch của quốc gia.
Cùng với 5 nhóm giải pháp đã đề ra trong báo cáo, đồng chí Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh đề nghị Sở VH,TT&DL cần tập trung triển khai một số nội dung sau: Tập trung tham mưu cho tỉnh, cùng với các địa phương làm tốt công tác quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch phát triển du lịch tại các khu, điểm du lịch trọng điểm. Nâng cao chất lượng các quy hoạch và công tác quản lý quy hoạch, triển khai tốt các quy hoạch đã được phê duyệt. Tiếp tục duy trì bảo đảm các điều kiện an toàn điểm đến và an toàn cho du khách. Phát triển sản phẩm du lịch có thế mạnh, đặc trưng của tỉnh. Chú trọng thực hiện đa dạng hóa các hoạt động truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch theo hướng chuyên nghiệp. Tập trung đẩy mạnh hoạt động kích cầu, phục hồi du lịch nhằm đảm bảo đạt các chỉ tiêu mà Chương trình du lịch giai đoạn 2021-2025 đã đề ra. Phát triển nguồn nhân lực du lịch đáp ứng yêu cầu về số lượng và chất lượng. Tích cực triển khai chương trình chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và phát triển du lịch. Đặc biệt, cần tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động du lịch, quyết tâm xây dựng môi trường văn hóa, văn minh trong du lịch.
Đối với những kiến nghị, đề xuất của Sở VH,TT&DL, Ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh tiếp thu để tổng hợp, báo cáo Thường trực HĐND và HĐND tỉnh cũng như gửi các cấp xem xét, giải quyết theo thẩm quyền .
Trước đó Đoàn đã giám sát trực tiếp công tác quản lý Nhà nước về phát triển du lịch tại một số huyện gồm: Vĩnh Lộc, Lang Chánh, Quảng Xương và Hoằng Hóa.