Tăng cường hỗ trợ dạy nghề và việc làm cho người khuyết tật

Sáng 20/6, tại Hội trường Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM, Hội thảo 'Hỗ trợ dạy nghề và việc làm cho Người khuyết tật tại Thành phố Hồ Chí Minh' đã diễn ra với sự có mặt của hơn 60 đại biểu đến từ các ban ngành, tổ chức và doanh nghiệp.

Đây là hoạt động đầu tiên của chuỗi hoạt động trong khuôn khổ dự án “Thúc đẩy môi trường thuận lợi cho thanh niên khuyết tật tiếp cận cơ hội việc làm bền vững” được tài trợ bởi Citi Foundation, được thực hiện bởi sự hợp tác giữa Tổ chức Cứu trợ Trẻ em (SC) và Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi TPHCM (HASPDO).

Chia sẻ tại Hội thảo, những bài tham luận của các chuyên gia đã nêu bật được thực trạng, khó khăn và đề xuất một số giải pháp trong việc dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật. Ngoài ra, các đại biểu là thanh niên khuyết tật cũng đóng góp ý kiến xoay quanh các vấn đề gặp phải trong quá trình học nghề và tìm kiếm việc làm. Hội thảo đã góp phần quan trọng trong việc kết nối các đại biểu để cùng nhau kiến tạo một mạng lưới hỗ trợ, làm việc và thúc đẩy việc dạy nghề và việc làm cho thanh niên khuyết tật trong dự án nói riêng và người khuyết tật nói chung.

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Chủ tịch Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi TPHCM chia sẻ: “Để có thể hỗ trợ tốt cho nguời khuyết tật trong việc học nghề và việc làm, không chỉ có nguồn lực của nhà nước mà đòi hỏi phải xã hội hóa, vận động nguồn lực của nhà tài trợ, các ban ngành, doanh nghiệp, mạnh thường quân, nhà hảo tâm. Đây là vấn đề cần thiết, lâu dài giúp người khuyết tật vươn lên làm chủ bản thân và hội nhập cộng đồng”.

Dự án “Thúc đẩy môi trường thuận lợi cho thanh niên khuyết tật tiếp cận cơ hội việc làm bền vững” sẽ tiếp cận và hỗ trợ 300 thanh niên khuyết tật có độ tuổi từ 16-24 tuổi tại TPHCM. Dự án thực hiện các hoạt động thúc đẩy làm tăng khả năng làm việc của nhóm thanh niên khuyết tật ở các cấp độ khác nhau. Các hoạt động cụ thể của dự án bao gồm: phát triển một cách có hệ thống các tài liệu nâng cao năng lực cho thanh niên khuyết tật phù hợp với nhu cầu thị trường lao động; hỗ trợ thanh niên khuyết tật xác định con đường nghề nghiệp và tiếp cận với các khóa đào tạo kỹ năng có chất lượng và được kết nối việc làm phù hợp với nhu cầu và khả năng; và tăng cường sự tham gia với các bên liên quan như thanh niên khuyết tật và gia đình, người sử dụng lao động, giáo dục nghề nghiệp, các tổ chức xã hội dân sự, các cơ quan chính phủ để mở rộng và tăng cường hợp tác và hỗ trợ việc làm cho thanh niên khuyết tật.

P.V

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/doi-song/ho-tro-day-nghe-va-viec-lam-cho-nguoi-khuyet-tat-tai-tphcm_148680.html