Tăng cường hỗ trợ giới thiệu, kết nối doanh nghiệp, hợp tác xã tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm OCOP
Bên cạnh việc sản xuất sản phẩm OCOP, thực phẩm an toàn, đảm bảo chất lượng, các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) cũng rất cần sự hỗ trợ tích cực từ ban ngành, đoàn thể địa phương trong việc giới thiệu, kết nối thị trường để có sự phát triển bền vững hơn.
Mạnh dạn áp dụng công nghệ, sản xuất hàng hóa an toàn
Trên địa bàn tỉnh Hà Nam, những năm qua, nhiều HTX đã có những cách làm hay, mô hình hiệu quả trong thực hiện các phong trào thi đua thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Trên cương vị phó giám đốc trung tâm nông nghiệp thành phố Phủ Lý (Hà Nam), chị Nguyễn Thị Phương Liên ấp ủ ước mơ về một HTX nông sản an toàn, sản xuất rau quả sạch, hạn chế phân vô cơ và thuốc trừ sâu, tăng cường sử dụng phân hữu cơ và các chế phẩm sinh học giảm thiểu tác động xấu đến môi trường đồng thời tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng an tâm sử dụng.
Năm 2016 chị Liên đã mạnh dạn thuê lại và cải tạo 5 ha đất ruộng thuê của các xã viên tại xã Thi Sơn- Huyện Kim Bảng để sản xuất rau củ quả an toàn. Năm 2017 gia đình chị Liên tiếp tục đầu tư thêm 100 m2 nhà kính để chủ động trong khâu sản xuất cây giống. Sản xuất cây con dùng giá thể và gieo trên khay xốp nên chất lượng cây con tốt, độ đồng đều cao. Sản xuất trong nhà lưới, ngoài trời áp dụng quy trình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn GlobalGap và VietGap. Chị đã mạnh dạn áp dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến nhất như dùng màng vải không dệt của Nhật, màng phủ nilon, tưới phun mưa, hệ thống ống tưới phun toàn bộ diện tích.
Năm 2022 chị Liên tiếp tục đầu tư thêm gần 2.000m2 nhà kính để chủ động trong khâu sản xuất những cây trồng trái vụ. Sau khi nhà sơ chế đi vào hoạt động, sản phẩm của HTX được sơ chế, đóng gói bài bản, đảm bảo, đã đem đến sự hài lòng cho người tiêu dùng. Trên mỗi sản phẩm đều được dán tem nhãn mác giúp cho việc truy suất nguồn gốc sản phẩm được dễ dàng, khách hàng yên tâm hơn khi lựa chọn sản phẩm. Do quá trình sản xuất chị Liên đã áp dụng nghiêm ngặt quy trình sản xuất an toàn nên chất lượng nông sản được nâng cao và an toàn cho người sử dụng. Sản phẩm của HTX luôn tươi ngon được sơ chế đảm bảo an toàn nên người tiêu dùng đánh giá rất cao.
Đến thời điểm này, HTX đang giải quyết việc làm cho trên 10 lao động tại địa phương với thu nhập bình quân 5- 6 triệu đồng/tháng. Bằng sự tâm huyết, tích cực của người phụ nữ dám nghĩ dám làm, năng động sáng tạo, sự ủng hộ cao của chồng và gia đình nên có thể khẳng định đến thời điểm này mô hình HTX Nông sản an toàn Liên Hiệp của chị Liên đã đáp ứng được thị trường tiêu thụ. Bên cạnh đó, từ những chủ trương chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp sạch của tỉnh Hà Nam, HTX cũng nhận được rất nhiều sự quan tâm giúp đỡ của các cơ quan chuyên môn, giúp HTX ngày càng phát triển bền vững.
Cầu nối hỗ trợ hàng hóa sản xuất trong nước
Nhìn rộng trên phạm vi toàn tỉnh, Sở Công Thương tỉnh Hà Nam cho biết, Sở đã tổ chức, triển khai nhiều các hoạt động xúc tiến thương mại sôi động, thiết thực góp phần hỗ trợ cho các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, liên doanh, liên kết, mở rộng thị trường tiêu thụ và thúc đẩy các quan hệ thương mại.
Cụ thể, trong giai đoạn 2021-2023, Sở Công Thương đã hỗ trợ cho khoảng 650 lượt các doanh nghiệp, cơ sở tham gia khoảng 70 hội chợ, triển lãm thương mại tại các tỉnh, thành phố để tạo cơ hội cho các đơn vị, doanh nghiệp của tỉnh tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại: quảng bá, giới thiệu thương hiệu, sản phẩm, doanh nghiệp, tìm kiếm cơ hội, thị trường... nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm của địa phương như: Hà Nội, Quảng Ninh, Thái Bình, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Cao Bằng, Tuyên Quang, Hòa Bình, Ninh Bình, Thái Nguyên, Bắc Ninh…
Nhằm hỗ trợ giới thiệu, kết nối tới các doanh nghiệp, nhà phân phối trên địa bàn để tìm hiểu thông tin và ký kết hợp tác tiêu thụ sản phẩm OCOP của tỉnh, Sở Công Thương có văn bản gửi đến Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trong cả nước hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm OCOP tỉnh Hà Nam. Trên cơ sở đó, Sở Công Thương các thành phố Hải Phòng, Bắc Kạn, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tuyên Quang, Lào Cai… cũng đã xây dựng kế hoạch yêu cầu các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ đầu mối, doanh nghiệp, cửa hàng Winmart+, các điểm bán hàng OCOP, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố, Trung tâm xúc tiến thương mại tỉnh, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh… hỗ trợ giới thiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP tỉnh Hà Nam.
Tại Hội nghị Kết nối cung cầu hàng Việt Nam tại thị trường trong nước trên địa bàn tỉnh Hà Nam năm 2023, ông Phan Văn Chinh, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, cho biết: Hội nghị kết nối cung cầu hàng Việt Nam tại tỉnh Hà Nam năm 2023 được tổ chức góp phần quan trọng thúc đẩy kết nối tiêu thụ sản phẩm, tăng cường hoạt động liên kết trong chuỗi cung ứng hàng Việt Nam, hỗ trợ gắn kết bền vững giữa doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp phân phối. Đây là điều kiện hết sức thuận lợi cho doanh nghiệp Hà Nam cũng như doanh nghiệp của các tỉnh, thành phố tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Đồng thời ông Phan Văn Chinh đề nghị lãnh đạo các đơn vị phân phối tập trung nghiên cứu khả năng cung cấp các sản phẩm của tỉnh, của đơn vị sản xuất để liên kết tạo nguồn cung cho hoạt động kinh doanh, từng bước liên kết với các đơn vị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi để gia tăng giá trị nông sản.
Các đơn vị sản xuất trong tỉnh cần quan tâm nghiên cứu thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, bao bì, từng bước nâng cao tính chuyên nghiệp trong sản xuất và cung ứng dịch vụ. Lãnh đạo Sở công thương các tỉnh, thành phố tiếp tục giới thiệu, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp liên kết sản xuất, chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của tỉnh.