Tăng cường hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Hiểu biết, nắm vững, cập nhật kịp thời các quy định, kiến thức về pháp lý là một trong những điều kiện quan trọng quyết định sự thành công của doanh nghiệp (DN). Thực tế, với các DN lớn, bộ phận pháp lý luôn được DN quan tâm, tuyển dụng và thường xuyên đào tạo bài bản. Tuy nhiên, với các DN nhỏ và vừa, quy mô, lĩnh vực, hiệu quả hoạt động của DN hiện tại khó để các đơn vị này bố trí một lực lượng phụ trách pháp lý riêng.
Một buổi hội thảo về phòng ngừa rủi ro pháp lý cho doanh nghiệp do Hiệp hội Doanh nghiệp TP Thanh Hóa tổ chức.
Luật sư Trịnh Ngọc Ninh, Giám đốc Công ty Luật hợp danh Hoàng Gia, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh, cho biết: Hiện nay, DN đang đầu tư sản xuất, kinh doanh cần cập nhật một số bộ luật mới ban hành, liên quan đến các thủ tục từ đất đai, môi trường, phòng chống cháy nổ, một số nét mới trong quy định của Luật Thuế, bảo hiểm xã hội... Bên cạnh đó, trong bối cảnh thị trường hiện nay, các DN tham gia trên thương trường đều làm việc trên cơ sở hợp đồng. Do đó, việc hiểu biết các căn cứ pháp luật để xây dựng, thương thảo các hợp đồng kinh tế chặt chẽ, tính pháp lý cao và tiên lượng các rủi ro trong quá trình đàm phán, thực hiện hợp đồng ký kết cũng là một yếu tố rất quan trọng.
Thực tế cho thấy, qua công tác thông tin tuyên truyền, nhận thức về tầm quan trọng của hiểu biết pháp lý đối với DN đã được nâng lên trong thời gian gần đây. Nhiều DN cũng có sự chủ động cập nhật, tìm hiểu kiến thức pháp lý qua các kênh như truyền thông, các công cụ internet. Tuy nhiên, khi đi vào giải quyết các vấn đề cụ thể trong chính hoạt động của DN, một kênh để có thể tư vấn cụ thể mới thực sự cần thiết. Chị Lê Thị Bích, Giám đốc Công ty Tư vấn xây dựng và an ninh Trần Gia, chia sẻ: Hiểu biết rõ ràng, chắc chắn về kiến thức pháp lý sẽ giúp DN yên tâm, chủ động và tập trung trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, với điều kiện DN quy mô nhỏ nên hiện tại, chúng tôi chưa đủ điều kiện để tuyển dụng nhân viên phụ trách pháp lý. Trong bối cảnh hiện nay, một chính sách đào tạo, hỗ trợ pháp lý cho các DN nhỏ là thực sự cần thiết.
Ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh cho biết: Rủi ro pháp lý hiện đang là vấn đề các DN đang phải đối diện trong bối cảnh nền kinh tế chuyển đổi và hệ thống pháp luật còn nhiều bất cập, chồng chéo và thường xuyên bổ sung, sửa đổi như hiện nay. Tuy nhiên, phần lớn các DN trên địa bàn tỉnh là DN nhỏ và vừa. Nhiều DN đi lên từ quy mô hộ cá thể nên nhận thức và sự đầu tư kiến thức pháp luật còn hạn chế. Trong bối cảnh đó, với vai trò là tổ chức tập hợp, Hiệp hội DN tỉnh cũng đã quan tâm, tổ chức các hội thảo, hội nghị bàn và thảo luận kiến thức về tầm quan trọng của nhận thức pháp lý, ý thức pháp luật và tuân thủ pháp luật đối với DN. Song để trang bị một cách đầy đủ, toàn diện, phòng chống rủi ro pháp lý và tăng cường năng lực cạnh tranh cho DN, góp phần nâng cao công tác quản lý Nhà nước bằng pháp luật, rất cần sự quan tâm, triển khai các chương trình hỗ trợ pháp lý bài bản hơn cho DN.
Hiện nay, tỉnh Thanh Hóa đang thực hiện nhiều chương trình, đề án hỗ trợ phát triển DN. Trong thời gian tới, để cơ chế hỗ trợ thiết thực hơn cho DN, bên cạnh các chương trình đào tạo về kỹ năng khởi nghiệp, quản trị kinh doanh, cần chú trọng hơn tới việc xây dựng các kế hoạch, chương trình đào tạo, hỗ trợ về kiến thức pháp lý. Bên cạnh đó, tỉnh và các ngành liên quan cần sớm triển khai các nội dung hỗ trợ DN theo quy định của Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa năm 2017; Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24-6-2019 về hỗ trợ pháp lý cho DN nhỏ và vừa; Thông tư số 06/2019/TT-BKHĐT ngày 29-3-2019 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn quy chế tổ chức và hoạt động của mạng lưới tư vấn viên, hỗ trợ tư vấn cho DN nhỏ và vừa thông qua mạng lưới tư vấn viên nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho DN phát triển.
Tỉnh cũng cần giao và giám sát các cơ quan liên quan tiếp tục cập nhật thường xuyên các văn bản quy phạm pháp luật do địa phương ban hành; các văn bản chỉ đạo, điều hành của cơ quan hành chính Nhà nước trên địa bàn tỉnh có liên quan đến hoạt động của DN; giới thiệu các điều ước quốc tế về thương mại mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia. Cung cấp thông tin về chương trình hỗ trợ pháp lý cho DN trên cổng/trang thông tin điện tử của các cơ quan, địa phương; cập nhật đầy đủ các thủ tục hành chính lên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính. Tăng cường giới thiệu các văn bản quy phạm pháp luật, tài liệu liên quan đến hoạt động của DN; đổi mới hoạt động giải đáp và tư vấn pháp luật cho DN; triển khai hoạt động thiết lập mạng lưới tư vấn pháp luật cho DN nhỏ và vừa, kịp thời giải đáp các vướng mắc của DN về những quy định của pháp luật kinh doanh. Tiếp nhận, tổng hợp vướng mắc, kiến nghị của DN liên quan đến quy định của pháp luật để sửa đổi, bổ sung, thay thế theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định.