TĂNG CƯỜNG HOẠT ĐỘNG GIẢI TRÌNH TẠI HỘI ĐỒNG DÂN TỘC VÀ CÁC ỦY BAN CỦA QUỐC HỘI
Hoạt động giám sát thông qua hoạt động giải trình tại Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội có vai trò quan trọng trong hoạt động giám sát của Quốc hội. Vì vậy, ngay từ đầu năm 2023, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã yêu cầu Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội lựa chọn chủ đề giải trình thiết thực, sát với thực tế đang bức xúc, những vấn đề 'nóng' trong cuộc sống.
PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI TRẦN QUANG PHƯƠNG: CẦN THỐNG NHẤT QUY TRÌNH, CÁCH THỨC TIẾN HÀNH HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CHUYÊN ĐỀ
Tăng hoạt động giải trình tại Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội.
Hiến pháp năm 2013 đã hiến định “báo cáo, giải trình” thành một trong những hình thức giám sát của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội. Theo đó, Điều 77 Hiến pháp 2013 quy định: “Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội có quyền yêu cầu thành viên Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước và cá nhân hữu quan báo cáo, giải trình hoặc cung cấp tài liệu về những vấn đề cần thiết. Người được yêu cầu có trách nhiệm đáp ứng yêu cầu đó. 2. Các cơ quan nhà nước có trách nhiệm nghiên cứu và trả lời những kiến nghị của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội”.
Trình tự của hoạt động báo cáo, giải trình được quy định tại Luật Tổ chức Quốc hội (Điều 82) và Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân (HĐND) năm 2015 (Điều 43). Nghị quyết về chương trình hoạt động giám sát hàng năm của Quốc hội đều dành một điều quy định việc Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội căn cứ vào chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội xây dựng, triển khai thực hiện chương trình hoạt động giám sát của mình và tổ chức hoạt động giải trình tại Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc giao ban đầu năm 2023 của lãnh đạo Quốc hội với Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và lãnh đạo Văn phòng Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh, định hướng lâu dài là cần tăng hoạt động giải trình tại Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội. Bởi hoạt động chất vấn của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung vào những vấn đề lớn, phạm vi rộng, trong khi đó hoạt động giải trình tại Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban rất linh hoạt, khi phát sinh vấn đề nóng, nổi cộm có thể tổ chức điều trần, giải trình ngay.
Mặc dù kế hoạch giám sát năm 2023 của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội đã được ban hành, nhưng Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan của Quốc hội tiếp tục rà soát lại, bổ sung, chỉnh lý hoặc sửa đổi. Chủ tịch Quốc hội gợi ý về những vấn đề đang nổi lên hiện nay như thực trạng hoạt động đăng kiểm; khó khăn của thị trường bất động sản; khó khăn của thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp; vấn đề về vật tư, thiết bị y tế, phụ cấp cho cán bộ ngành y… Hoạt động giải trình tại Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội phải “có tấm, có món”, lựa chọn vấn đề đúng, trúng và có tác dụng lan tỏa. “Hội đồng Dân tộc, các cơ quan của Quốc hội lựa chọn chủ đề giải trình thiết thực, sát với thực tế đang bức xúc, những vấn đề “nóng” trong cuộc sống. Vấn đề nào cũng quan trọng, cần thiết những vấn đề chưa thực sự cấp bách để lại sau. Tình hình phát sinh mới thì phải có giải pháp mới. Đồng hành là đồng hành ở chỗ đó”, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu.
Hoàn thiện quy trình tổ chức hoạt động giải trình tại Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.
Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội, tại buổi làm việc với Tổng Thư ký Quốc hội, lãnh đạo Văn phòng Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đã yêu cầu Tổng Thư ký Quốc hội đôn đốc, đề nghị Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội đề xuất nội dung giải trình, chọn vấn đề trọng tâm, vấn đề nóng như chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại cuộc giao của lãnh đạo Quốc hội với các cơ quan của Quốc hội; nêu rõ lý do các cơ quan chưa có dự kiến tiến hành hoạt động giải trình trong năm 2023.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng đề nghị cần tổ chức một số hội thảo nghiên cứu quy trình hướng dẫn giải trình, giao Viện Nghiên cứu Lập pháp nghiên cứu về chuyên đề này, tham khảo kinh nghiệm của quốc tế, khuyến cáo áp dụng tại Việt Nam; nghiên cứu thêm đối tượng tham gia giải trình là Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố tại các phiên giải trình của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội.
Tổng hợp từ Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội về kế hoạch tổ chức hoạt động giải trình, Phó Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Thị Thúy Ngần cho biết, năm 2023 có 5 cơ quan của Quốc hội tổ chức 7 phiên giải trình, trong đó Ủy ban Pháp luật tổ chức 2 phiên; Ủy ban Tư pháp tổ chức 1 phiên; Ủy ban Kinh tế tổ chức 1 phiên; Ủy ban Tài chính, ngân sách tổ chức 1 phiên; Ủy ban Xã hội dự kiến tổ chức 1 đến 2 phiên giải trình.
Về xây dựng văn bản của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn hoạt động giải trình tại Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, đến thời điểm này Tổng Thư ký Quốc hội đã gửi văn bản đề nghị Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban báo cáo về kết quả tổ chức hoạt động giải trình trong nhiệm kỳ XIV và đề xuất quy trình tổ chức hoạt động giải trình (về tiêu chí lựa chọn vấn đề giải trình; trình tự, thủ tục lựa chọn vấn đề giải trình; công tác tổ chức phiên giải trình; trách nhiệm của cơ quan liên quan, người được yêu cầu giải trình; trách nhiệm phối hợp của Văn phòng Quốc hội; trình tự, thủ tục thông qua kết luận của Hội đồng, Ủy ban về vấn đề được giải trình; việc theo dõi, đôn đốc thực hiện kết luận giải trình…)
Năm 2023, Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội cũng sẽ tập trung thực hiện xây dựng văn bản của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn hoạt động giải trình tại Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội (dự kiến trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 6/2023).
Để thực hiện nhiệm vụ này, Tổng Thư ký Quốc hội đang chỉ đạo thực hiện quá trình tập hợp, tổng hợp tài liệu, nghiên cứu xây dựng dự thảo Nghị quyết hướng dẫn. Sau đó, căn cứ ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Quốc hội và dự thảo hướng dẫn được xây dựng từ ý kiến của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội gửi lại, Tổng Thư ký Quốc hội sẽ tham mưu tổ chức Hội thảo chuyên đề để xin ý kiến về dự thảo. Để đảm bảo sự thống nhất cao, Tổng Thư ký Quốc hội sẽ gửi xin ý kiến Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua.
Tiếp nối thành công của Hội nghị triển khai Nghị quyết số 560 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV về hướng dẫn hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật, ngay sau khi hướng dẫn về hoạt động giải trình được thông qua, Tổng Thư ký Quốc hội sẽ tham mưu Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị chuyên đề triển khai thực hiện hướng dẫn bảo đảm thống nhất, đồng bộ và chủ động của các cơ quan, đặc biệt là kịp thời tổ chức hoạt động giải trình về các vụ việc nổi cộm trong xã hội được cử tri và Nhân dân quan tâm./.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=73071