Tăng cường hợp tác, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm công tác giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Chính hiệp Trung Quốc
Tại Hội nghị trao đổi kinh nghiệm công tác giữa Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam với Chính hiệp Toàn quốc Trung Quốc và Mặt trận Tổ quốc - Chính hiệp các tỉnh khu tự trị biên giới hai nước diễn ra vào chiều 28/11, các đại biểu đã tập trung trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong các lĩnh vực công tác, đề xuất giải pháp đổi mới trong tập hợp, lắng nghe ý kiến, kiến nghị của nhân dân để phản ánh, kiến nghị tới Đảng, Nhà nước của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Chính hiệp Trung Quốc.
Các đại biểu cũng tập trung trao đổi kinh nghiệm công tác của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Chính hiệp Trung Quốc các tỉnh, huyện, xã có chung đường biên giới phối hợp trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân vùng biên giới Việt Nam - Trung Quốc hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển; Kinh nghiệm và các giải pháp đổi mới trong phương thức Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chính hiệp Trung quốc và các đoàn thể nhân dân tham gia xây dựng đảng, xây dựng chính quyền, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tham luận về phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam trong công tác giám sát, phản biện xã hội, bà Nguyễn Quỳnh Liên, Trưởng Ban Dân chủ, Giám sát và Phản biện xã hội UBTƯ MTTQ Việt Nam cho biết, công tác giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân đã được MTTQ Việt Nam các cấp tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí của mình trong hệ thống chính trị, là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.
Đề xuất một số giải pháp trong thời gian tới, bà Nguyễn Quỳnh Liên cho rằng các cấp ủy, tổ chức Đảng cần quán triệt, tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về hoạt động tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước nhằm bảo đảm sự thống nhất trong nhận thức và hành động; Mặt trận tiếp tục quan tâm thực hiện việc tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân, kịp thời phản ánh đến các cơ quan Đảng, Nhà nước; Theo dõi, giám sát, đôn đốc việc xử lý, giải quyết các ý kiến, kiến nghị, đáp ứng yêu cầu cấp thiết, chính đáng của nhân dân.
"Cần tiếp tục kiện toàn, củng cố tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức MTTQ Việt Nam các cấp có đủ trình độ, năng lực, bản lĩnh, có nghiệp vụ chuyên môn vững vàng để thực hiện hoạt động giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền", bà Nguyễn Quỳnh Liên nêu ý kiến.
Ông Kim Học Phong, Ủy viên Ủy ban Xã hội và Pháp chế Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc cho biết, Chính hiệp Trung Quốc nhận thức sâu sắc rằng cần hội tụ, quảng bá nhận thức, lấy hiệp thương để hội tụ nhận thức chung, lấy nhận thức chung để củng cố đoàn kết, tăng cường dẫn dắt chính trị, tư tưởng để tạo đồng thuận vào các hoạt động liên quan đến đề xuất, đề án, thị sát, khảo sát và điều tra, nghiên cứu, từ đó có nhiều đóng góp tích cực về mặt thành quả nghiên cứu, đi sâu.
Cũng theo ông Kim Học Phong, mỗi tháng Chính hiệp sẽ tổ chức thông báo về các vấn đề mà quần chúng nhân dân quan tâm để lắng nghe ý kiến, phản ánh bức xúc của quần chúng nhân dân, tìm hiểu tình hình, trao đổi tư tưởng, thiết lập cơ chế báo cáo viên để phổ biến kiến thức liên quan đến Chính hiệp; biến chủ trương của Đảng chuyển hóa thành nhận thức chung của xã hội để truyền tải tới nhân dân, tạo dựng nền tảng chính trị và nền tảng xã hội thực chất để Đảng dẫn dắt nhân dân quản trị nhà nước.
Chia sẻ kinh nghiệm và giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng và phát huy vai trò của công tác giám sát, phản biện xã hội tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp tỉnh Quảng Ninh, ông Nguyễn Văn Hồi, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh nhấn mạnh, giám sát, phản biện xã hội là một trong những chức năng, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của MTTQ Việt Nam. Nhận thức rõ điều đó, thời gian qua Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều đổi mới về tư duy và cách làm với mục tiêu cao nhất là để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị ở địa phương.
Trong đó phải kể tới việc MTTQ các cấp trong tỉnh đã chú trọng công tác giám sát, phản biện xã hội theo các chuyên đề, nhất là các chuyên đề và lĩnh vực mà cấp ủy, chính quyền, đặc biệt người dân địa phương quan tâm như: Công tác cải cách hành chính, đất đai, tài nguyên, môi trường, công tác giải phóng mặt bằng, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực… Bên cạnh đó, thường xuyên chú trọng việc cập nhật, nắm bắt tình hình nhân dân; các ý kiến, kiến nghị của cử tri, coi đây là yếu tố đầu vào, là cơ sở quan trọng để xác định, lựa chọn các chuyên đề giám sát, phản biện xã hội hàng năm.
Đặc biệt chú trọng đến việc cập nhật, theo dõi kết quả thực hiện các kiến nghị sau giám sát cũng như kết quả giải trình, tiếp thu, không tiếp thu của các cơ quan chức năng sau phản biện xã hội của MTTQ tỉnh. Tiếp tục chủ động, kịp thời phát hiện những bất cập, vướng mắc, khó khăn nảy sinh từ thực tiễn, đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật cho phù hợp.
“Mặt trận tỉnh luôn chủ động phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành chức năng căn cứ kế hoạch giám sát, phản biện xã hội hàng năm của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh để thảo luận, thống nhất đối tượng, phạm vi, mốc thời gian và đặc biệt là mục tiêu hướng tới sau giám sát, phản biện cho mỗi chuyên đề và lĩnh vực cụ thể. Từ đó tiến hành nghiên cứu hồ sơ, tài liệu, kết hợp với khảo sát thực tế theo hướng chuyên sâu là những giải pháp căn cốt, quan trọng để nâng cao chất lượng, hiệu quả các cuộc giám sát, phản biện.”, ông Nguyễn Văn Hồi nói.
Ông Lý Văn Siêu, Chủ tịch Chính hiệp Đông Hưng cho biết trong quá trình giao lưu tiếp xúc thường xuyên, hai địa phương là tỉnh Đông Hưng (Trung Quốc) và thành phố Móng Cái (Quảng Ninh, Việt Nam) đã thiết lập 24 cơ chế giao lưu về lĩnh vực văn hóa, thể dục, thể thao, giáo dục, y tế, ... Để có được điều này, hai bên đều đi sâu quán triệt thực hiện những nhận thức chung quan trọng của lãnh đạo hai tỉnh, cùng nhau viết nên trang sử mới, vừa là đồng chí, vừa là anh em.
Hai bên đã thiết lập cơ chế giao lưu thường xuyên, lãnh đạo hai bên đều chuẩn bị chu đáo về nội dung và phương thức trao đổi, xây dựng phương án công tác, bảo đảm hiệu quả để Chính hiệp Đông Hưng và MTTQ thành phố Móng Cái duy trì trao đổi, giao lưu mật thiết. Hai bên đã tôn trọng lẫn nhau, chọn những chủ đề, lĩnh vực hai bên cùng quan tâm để giao lưu, trao đổi. Đây cũng là thuận lợi quan trọng để hai bên duy trì mối quan hệ hợp tác.
Nêu một số kiến nghị, ông Lý Văn Siêu cho rằng, Chính hiệp Trung Quốc và MTTQ Việt Nam tăng cường giao lưu hợp tác trong lĩnh vực văn hóa lịch sử. Tình hữu nghị Trung Quốc - Việt Nam có bề dày lịch sử lâu đời, tài liệu cách mạng lịch sử của hai bên rất phong phú, nên ông Lý Văn Siêu đề xuất hai bên tăng cường hợp tác về lĩnh vực chuyên môn, cùng nhau khai thác tài liệu, câu chuyện lịch sử, cùng nhau thúc đẩy, xây dựng bảo tàng kỷ niệm tình hữu nghị cách mạng hai bên. Đồng thời cùng nhau nghiên cứu đề xuất xây dựng vành đai du lịch, cửa khẩu biên giới, khu biên giới hai bên phong cảnh tươi đẹp, điều kiện độc đáo để xây dựng vành đai du lịch xuyên biên giới. Cùng nhau đề nghị chính quyền hai bên kiến nghị UNESCO đưa di sản phi vật thể của dân tộc Kinh vào di sản phi vật thể thế giới.