Tăng cường hợp tác phát triển Tây Nguyên và doanh nghiệp Hàn Quốc
Thời gian qua, các tỉnh Tây Nguyên như Lâm Đồng, Đắk Lắk, Gia Lai,.. đã thu hút lượng lớn các doanh nghiệp (DN), hiệp hội và địa phương Hàn Quốc tham gia kết nối đầu tư trong nhiều lĩnh vực, nhất là trong các lĩnh vực nông nghiệp.
Theo số liệu ghi nhận, lũy kế đến nay Lâm Đồng thu hút gần 13.000 tỷ đồng vốn đầu tư FDI, là tỉnh thành có số dự án đầu tư FDI nhiều nhất khu vực Tây Nguyên. Cụ thể, tỉnh có gần 100 dự án FDI còn hiệu lực hoạt động, quy mô diện tích sử dụng đất khoảng 2.247 ha. Trong đó, Hàn Quốc, với 16 dự án, là một trong những nước có nhiều dự án FDI vào tỉnh Lâm Đồng.
Báo cáo gần đây, hiện Hàn Quốc có vốn đầu tư trực tiếp tại tỉnh Lâm Đồng với tổng vốn đăng ký là trên 860,00 tỷ đồng; có 99 cá nhân, tổ chức kinh tế góp vốn, mua cổ phần trong 58 tổ chức kinh tế Việt Nam, với số vốn góp trên 205,0 tỷ đồng, chiếm 60,6% vốn điều lệ.
Các DN, địa phương Hàn Quốc hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp và dịch vụ. Điển hình vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S đã tiếp và làm việc với đoàn công tác Hiệp hội Doanh nhân và Đầu tư Việt Nam-Hàn Quốc (VKBIA) cùng DN, nhà đầu tư đến từ tỉnh Gyeonggi và tỉnh Jeollanam - Hàn Quốc để thúc đẩy hợp tác trong nhiều lĩnh vực như: xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch; tăng cường kết nối giao thương, xuất nhập khẩu hai chiều… Ngoài ra một số lĩnh vực khác về giao thông xanh, công nghiệp xe xanh, nông nghiệp, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp sinh thái, trao đổi hỗ trợ cây giống dâu tây, sâm và một số sản phẩm nông sản khác.
Thông qua buổi làm việc, hai bên thống nhất ký biên bản ghi nhớ hợp tác để hỗ trợ cho DN hội viên của hai bên trong thời gian tới. Đặc biệt, ngay sau ký kết, VKBIA cho ra mắt văn phòng Trung tâm hỗ trợ hợp tác Việt-Hàn, đặt trụ sở tại số 2A Trần Hưng Đạo, TP.Đà Lạt, Lâm Đồng nhằm hỗ trợ, kết nối DN, hợp tác 2 nước Việt - Hàn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S cho rằng, “Với tiềm năng, lợi thế tương đồng và điều kiện sẵn có của mỗi bên, chương trình hợp tác giữa tỉnh Lâm Đồng và các địa phương của Hàn Quốc sẽ tiếp tục được những kết quả như kỳ vọng, mở ra mối quan hệ hợp tác toàn diện, bền chặt, thân tình cho cả hai bên.”
Ngoài ra, trong 6 tháng đầu năm 2023, du khách Hàn Quốc đến tỉnh Lâm Đồng đạt hơn 120 ngàn lượt, chiếm 53% trong cơ cấu khách quốc tế của tỉnh Lâm Đồng. Tại buổi làm việc mới đây với Đoàn công tác của Hãng hàng không Jeju (JejuAir), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Phúc đã trao đổi, thống nhất việc mở chặng bay mới giữa Đà Lạt và Seoul.
Hy vọng đưa một lượng khách mới đến Đà Lạt, sẽ góp phần làm tăng số lượng khách du lịch quốc tế đến Đà Lạt so trước khi có đường bay từ Hàn Quốc. Chuyến bay dự kiến sẽ khởi động thực hiện vào tháng 12 sắp tới, nếu thuận lợi Hãng hàng không Jeju sẽ trở thành Hãng hàng không Hàn Quốc đầu tiên mở đường bay đến Lâm Đồng.
Cùng với Lâm Đồng, tỉnh Đắk Lắk cũng ghi nhận Hàn Quốc đứng thứ 3 trong số các quốc gia có số vốn đầu tư vào tỉnh, tập trung vào các lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ du lịch, công nghiệp chế biến.
Như vừa qua, đại diện thành phố Goyang, tỉnh Gyeonggi (Hàn Quốc) cũng đã làm việc với UBND tỉnh Đắk Lắk để tìm hiểu về triển vọng hợp tác. Tỉnh bạn đã đề xuất hợp tác với Đắk Lắk về chế biến, xuất nhập khẩu cà phê, tổ chức triển lãm, hội nghị giao thương quốc tế về các sản phẩm cà phê, công nghệ chế biến cà phê. Ngoài ra, lãnh đạo thành phố Goyang kỳ vọng, tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Gyeonggi có thể kết nối xây dựng tour du lịch và cùng kết hợp tổ chức quảng bá Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột với Lễ hội hoa của thành phố Goyang.
Về phía tỉnh, Đắk Lắk mong muốn tăng sản lượng xuất khẩu cà phê, tiêu, điều… sang thị trường Hàn Quốc. Cùng với đó là hợp tác, thu hút đầu tư tập trung vào các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến sản phẩm nông lâm thủy sản, năng lượng tái tạo, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp phục vụ nông nghiệp nông thôn, xây dựng các trung tâm thương mại,…
Cũng trong thời gian qua, tại tỉnh Jeollanam- Hàn Quốc, Đoàn công tác của tỉnh Đắk Lắk đã tham gia Hội nghị xúc tiến thương mại cấp quốc gia kết nối giao thương nông sản, thực phẩm Tây Nguyên giữa Việt Nam – Hàn Quốc. Cũng tại Hội nghị, các DN tỉnh Đắk Lắk–Đắk Nông và doanh nghiệp tỉnh Jeollanam- Hàn Quốc ký kết thỏa thuận hợp tác.
Ông Lưu Văn Khôi- Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk cho biết “Với thị trường Hàn Quốc, giá trị xuất khẩu của tỉnh Đắk Lắk năm 2022 đạt khoảng 15 triệu USD. Với tiềm năng, thế mạnh của hai bên, chúng ta còn rất nhiều dư địa để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai bên trên nhiều lĩnh vực, trong đó có kết nối giao thương trong lĩnh vực trao đổi hàng nông sản, thực phẩm.”
Nhắc đến đầu từ hợp tác với Hàn Quốc trong thời gian qua, tỉnh Gia Lai trong tháng 9 vừa qua cũng đã ghi nhận nhiều điểm tích cực. Tiêu biểu như tại Trung tâm thương mại tỉnh Jeonllabuk (TP. Jeonju, Hàn Quốc), tỉnh Gia Lai, chính quyền địa phương sở tại và Mạng lưới hợp tác Nông nghiệp quốc tế Hàn Quốc cùng phối hợp tổ chức “Diễn đàn hợp tác kết nối đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, du lịch tỉnh Gia Lai”.
Tại hội thảo, các cơ quan của tỉnh Gia Lai và các doanh nghiệp của Hàn Quốc đã ký kết 4 bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác, bao gồm: Sở Kế hoạch và Đầu tư và Công ty Hwang Mi Ro Corporation hợp tác về khảo sát, nghiên cứu lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp chế biến thực phẩm; Sở Kế hoạch và Đầu tư và Công ty LCM Energy Solution Inc hợp tác khảo sát, nghiên cứu lĩnh vực công nghiệp sản xuất; Sở Khoa học và Công nghệ và Hợp tác xã Nhân sâm Jeollabuk-do hợp tác nghiên cứu nâng cao chất lượng sâm Gia Lai và Hàn Quốc; Sở Ngoại vụ và Đại diện lãnh đạo Mạng lưới hợp tác Nông nghiệp quốc tế Hàn Quốc ký kết bản ghi nhớ về phối hợp triển khai các hoạt động kết nối, phát triển quan hệ hợp tác giữa địa phương Hàn Quốc với tỉnh Gia Lai.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Gia Lai, Châu Ngọc Tuấn nhấn mạnh: “Gia Lai luôn đón đợi các nhà đầu tư trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là về nông nghiệp và du lịch. Hiện nay, quan hệ giữa Việt Nam và Hàn Quốc được đánh giá là đang ở thời kỳ tốt đẹp nhất. Hàn Quốc cũng là một quốc gia thuộc định hướng ưu tiên thúc đẩy hợp tác của Gia Lai trong thời gian tới.”
Cùng với đó, tỉnh Đắk Nông trong thời gian qua cũng đẩy mạnh hợp tác phát triển với các doanh nghiệp Hàn Quốc. Trong tháng 10, 4 doanh nghiệp Đắk Nông kết nối giao thương tại Hàn Quốc tại Hội nghị xúc tiến thương mại kết nối giao thương nông sản, thực phẩm khu vực Tây Nguyên (Việt Nam) – Hàn Quốc. Hoạt động đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp các tỉnh Tây Nguyên nói chung và Đắk Nông nói riêng đẩy mạnh quảng bá sản phẩm hàng hóa, kết nối giao thương, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Ngoài ra, các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên còn xúc tiến giới thiệu quảng bá thế mạnh của mình với từng tỉnh của Hàn Quốc có nền nông nghiệp, công nghiệp tương tự. Qua đó đã giúp tăng số lượng doanh nghiệp, tổ chức đầu tư vào các địa phương.