Tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao năng lực ứng phó với thiên tai
Ứng phó với rủi ro thiên tai và sự cố đòi hỏi phải có giải pháp toàn diện, căn cơ và cần nguồn lực rất lớn. Nhận thức được điều này, trong thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, trực tiếp là Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (TT) đã tăng cường hợp tác quốc tế, kêu gọi các nguồn lực từ các bạn bè quốc tế, các tổ chức phi Chính phủ cho công tác này. Các nguồn lực quốc tế huy động được đã và đang sử dụng hiệu quả trong công tác nâng cao năng lực ứng phó với TT và biến đổi khí hậu (BĐKH) cho các cộng đồng dễ bị tổn thương.

Ngài Ito Naoki, Đại sứ Nhật Bản và bà Silvia Danailov, Trưởng Đại diện UNICEF trao tặng tượng trưng thiết bị nước sạch, vệ sinh và phòng tư vấn học đường tại xã Kim Cúc, huyện Bảo Lộc, tỉnh Cao Bằng. Ảnh: UNICEF
Tăng cường hợp tác
Hằng năm, Việt Nam phải đối mặt với hàng chục loại hình TT như bão, lũ, hạn hán, sạt lở đất..., gây thiệt hại lớn về người, tài sản và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển bền vững của đất nước, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Điều này được minh chứng rõ ràng khi cơn bão Yagi đổ bộ vào miền Bắc Việt Nam tháng 9/2024. Sức tàn phá khủng khiếp của bão Yagi đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hơn 3,6 triệu người tại 26 tỉnh, thành của Việt Nam. Theo thống kê, bão Yagi đã làm 320 người chết, gần 2.000 người bị thương, 25 người mất tích. Bão Yagi còn gây tác động lên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, kinh tế, an ninh lương thực và dinh dưỡng, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch vệ sinh môi trường...
Trong bối cảnh BĐKH diễn ra nhanh và khó lường, mức độ nghiêm trọng của TT không ngừng tăng lên, Chính phủ Việt Nam đã và đang triển khai nhiều chiến lược, chương trình hành động, dự án cụ thể nhằm tăng cường năng lực ứng phó với TT và thích ứng với BĐKH; trong đó có việc tăng cường hợp tác, huy động nguồn lực từ quốc tế. Trong nỗ lực chung, tháng 10/2019, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đã thành lập Đối tác giảm nhẹ rủi ro TT có 27 thành viên, trong đó có 23 tổ chức quốc tế. Thành viên của Đối tác giảm nhẹ rủi ro TT là các cơ quan chịu trách nhiệm xây dựng, thực hiện và giám sát các chính sách cấp quốc gia và toàn cầu về phòng, chống TT.
Hoạt động của Đối tác giảm nhẹ rủi ro TT đã phát huy hiệu quả trên thực tế, nhất là khi bão Yagi tàn phá miền Bắc nước ta, thể hiện ở các cam kết hỗ trợ và sự vào cuộc nhanh chóng của cộng đồng quốc tế từ các Đại sứ quán, cơ quan chính phủ nước ngoài, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ và rất nhiều đối tác khác. Các cơ quan quốc tế đã cùng hành động, hỗ trợ khẩn cấp để khắc phục hậu quả. Theo thông tin từ Cục Quản lý đê điều và Phòng chống TT, sau bão Yagi, trong giai đoạn đầu, các tổ chức quốc tế và các nước cứu trợ tiền và hàng trị giá trên 22 triệu USD giúp Việt Nam khắc phục hậu quả bão Yagi.
Những món quà thiết thực từ cộng đồng quốc tế
Hợp tác quốc tế trong ứng phó với TT không chỉ là những hoạt động hỗ trợ khẩn cấp, mà còn là các dự án mang tính dài hơi để giúp Việt Nam tăng cường sự chuẩn bị, có các giải pháp tăng cường chống chịu nhằm ứng phó với các TT liên quan đến khí hậu trong tương lai, nhất là ở khu vực có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Ví dụ cụ thể là việc khởi công xây dựng ngôi nhà tránh trú dành cho cộng đồng tại bản Chồi, xã Đình Bình, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng vào ngày 9/4. Công trình này là một phần trong khoản viện trợ quốc tế khẩn cấp khắc phục hậu quả TT tại một số tỉnh miền Bắc bị thiệt hại nghiêm trọng bởi bão Yagi và lũ lụt do Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) phối hợp với Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống TT thực hiện với sự tài trợ từ Chính phủ Nhật Bản.
Nhà tránh trú cộng đồng tại bản Chồi có tổng diện tích gần 200m2 với đầy đủ các hạng mục công trình phụ trợ như nhà tắm, hội trường, nhà kho, khu vệ sinh, bồn chứa nước, hệ thống điện có khả năng đảm bảo tránh trú cho 150 người khi có TT hoặc tình huống khẩn cấp. Đây được đánh giá là công trình mang ý nghĩa thiết thực trong nỗ lực ứng phó với TT và thích ứng với BĐKH tại các khu vực dễ bị tổn thương.

Công trình đập SABO đầu tiên giúp phòng lũ quét được xây dựng tại bản Piệng, xã Nậm Păm, huyện Mường La, tỉnh Sơn La. Ảnh: Ngọc Hà
Mới đây, ngày 16/4, đập SABO đầu tiên của Việt Nam được khánh thành tại bản Piệng, xã Nậm Păm, huyện Mường La, tỉnh Sơn La. Đập này được xây dựng trong phạm vi Dự án hợp tác kỹ thuật về nâng cao năng lực giảm thiểu rủi ro lũ quét và sạt lở đất ở khu vực miền núi phía Bắc, được đồng tổ chức bởi Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống TT, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Sơn La, Văn phòng Việt Nam của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA). Đập được xây dựng từ tháng 9/2024, sau mùa mưa ở tỉnh Sơn La, theo tiêu chuẩn Nhật Bản. Ông Kobayashi Yosuke, Trưởng đại diện JICA chia sẻ: “Đập SABO là một trong những giải pháp công trình hiệu quả nhất giúp giảm nhẹ rủi ro TT sạt lở, lũ quét. Công trình đập SABO này có thể thu giữ trầm tích của dòng lũ bùn đá, gỗ trôi và phòng ngừa thiệt hại ở khu vực hạ lưu, không chỉ cho khu vực dân cư địa phương gần đập, mà còn cả thị trấn Ít Ong".
Bà Lê Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Sơn La cho biết: Lưu vực suối Nậm Păm có địa hình chia cắt rất phức tạp, độ dốc sườn lưu vực lớn hơn 25 độ và lượng mưa lớn. Lưu vực này có đặc điểm thạch học là các đất đá bở rời, độ dính kết yếu, thường xuyên xảy ra lũ quét và sạt lở đất. Đêm 2/8, rạng sáng ngày 3/8/2017, tại đây đã xảy trận lũ quét khiến 7 người chết, 3 người mất tích, 10 người bị thương; gây ra thiệt hại lớn về tài sản của Nhà nước và người dân tại đây. Việc xây dựng đập SABO tại đây sẽ góp phần bảo vệ 28 hộ dân, 1 trường mầm non, 1 nhà văn hóa ở phía bờ trái hạ lưu đập.
Bà Lê Thị Thu Hằng cho biết thêm, Sơn La thường xuyên phải đối mặt với những diễn biến phức tạp của thời tiết, đặc biệt là tình trạng lũ quét, sạt lở đất, gây ra nhiều thiệt hại về người và tài sản. Trong bối cảnh đó, việc xây dựng các công trình phòng chống TT, giảm thiểu rủi ro là một nhiệm vụ cấp bách và luôn được tỉnh đặc biệt quan tâm. Do vậy, việc thực hiện Dự án nâng cao năng lực giảm thiểu rủi ro lũ quét và sạt lở đất ở khu vực miền núi phía Bắc, sử dụng vốn ODA không hoàn lại do Chính phủ Nhật Bản tài trợ, trong đó có việc xây dựng thí điểm giải pháp công trình (đập SABO) có ý nghĩa vô cùng quan trọng, đánh dấu một bước tiến mới trong công tác phòng chống TT, bảo vệ cuộc sống và tài sản của nhân dân tỉnh Sơn La.
Được biết, cùng với việc hỗ trợ Sơn La, sau bão Yagi, nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn của tỉnh Yên Bái và để hỗ trợ các hoạt động giảm thiểu rủi ro TT trong tương lai, JICA đã cấp bổ sung hơn 6,3 triệu yên cho ngân sách của dự án để đánh giá thiệt hại và lập bản đồ cảnh báo rủi ro sạt lở lũ quét tại thành phố Yên Bái dựa trên ảnh vệ tinh và kết quả khảo sát thực địa.
Những hoạt động thiết thực trên từ các Đối tác giảm nhẹ rủi ro TT đã và đang phát huy hiệu quả trên thực tế. Cùng với các giải pháp công trình phòng chống TT, các lớp tập huấn nâng cao năng lực ứng phó với TT cho cộng đồng sẽ giúp Việt Nam tăng cường khả năng chống chịu TT trong tương lai, giảm nhẹ thiệt hại và rủi ro cho người dân.