Tăng cường hợp tác văn hóa trong khu vực châu Á vì sự phát triển bền vững
Các ý kiến chuyên gia cho thấy công nghiệp văn hóa, ngoại giao văn hóa và khởi nghiệp với văn hóa ngày càng được quan tâm mạnh mẽ tại các quốc gia với nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ.
Ngày 19/12, Hội nghị “Diễn đàn chiến lược và hợp tác văn hóa châu Á: VICAS-Zuni: Vai trò của giáo dục đại học” do nhóm nghệ thuật Zuni Icosahedron (Hong Kong, Trung Quốc) và Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam (VICAS) đồng tổ chức đã khai mạc tại Hà Nội.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam cho rằng phát triển văn hóa đặc biệt là giáo dục và đào tạo nghệ thuật tại Việt Nam đang có những bước tiến bền vững hơn.
"Hội nghị nhằm tăng cường sự gắn kết nghệ thuật và văn hóa giữa Hong Kong (Trung Quốc) và các nước trong khu vực châu Á bằng cách thúc đẩy hợp tác giữa các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý văn hóa, người sáng tạo và thực hành nghệ thuật..., từ đó tạo ra nền tảng vững chắc cho sự hợp tác và phát triển bền vững trong khu vực, thông qua chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận các chính sách và xây dựng quan hệ đối tác chiến lược," bà Phương cho biết.
Theo Tiến sỹ Danny Yung, người sáng lập Zuni Icosahedron, sự gặp gỡ giữa VICAS và Zuni sẽ đem lại hiệu ứng tích cực. Diễn đàn không chỉ giúp hiểu biết chung trong giáo dục và đào tạo nghệ thuật, mà còn đặt ra kế hoạch cụ thể để có sự hợp tác lâu dài trong tương lai.
Hội nghị diễn ra đến hết ngày 20/12 với 4 phiên thảo luận: Phát triển khởi nghiệp văn hóa và kết nối mạng lưới; Phát triển chiến lược nguồn nhân lực văn hóa nghệ thuật; Hướng tới mạng lưới chiến lược văn hóa và nghệ thuật toàn ASEAN; và Lên kế hoạch cho các bước tiếp theo.
Các ý kiến tại hội nghị cho thấy công nghiệp văn hóa, ngoại giao văn hóa và khởi nghiệp với văn hóa ngày càng được quan tâm mạnh mẽ tại các quốc gia. Nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ cũng đã ra đời để thúc đẩy quá trình này. Đặc biệt, sự phát triển của công nghệ số đã tạo ra những đột phá mới, mở ra không gian sáng tạo và kết nối vô hạn cho các nghệ sỹ và doanh nghiệp văn hóa.
Tuy nhiên, cũng có nhiều thách thức đặt ra, như: sự cân bằng giữa kinh doanh, lợi nhuận và giá trị văn hóa nghệ thuật, tiếp cận nguồn tài nguyên văn hóa và xây dựng chiến lược để đạt hiệu quả cao nhất, phát triển nguồn nhân lực văn hóa nghệ thuật...
Hội nghị có sự tham gia của nhiều diễn giả, chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý văn hóa và giáo dục, người sáng tạo và thực hành nghệ thuật thành danh trong khu vực châu Á và Việt Nam, nhằm thảo luận các vấn đề nổi bật hiện nay liên quan tới chủ đề giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực văn hóa và nghệ thuật ở khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam./.
Được thành lập năm 1982 tại Hong Kong (Trung Quốc), Zuni Icosahedron là một trong chín nhóm nghệ thuật biểu diễn chuyên nghiệp nhận tài trợ của chính quyền sở tại. Bên cạnh việc phát triển thành một công ty sân khấu thử nghiệm quốc tế, từ năm 1987, Zuni Icosahedron tham gia vào mảng giáo dục nghệ thuật, phê bình nghệ thuật, nghiên cứu chính sách văn hóa và trao đổi văn hóa quốc tế.
Nhân dịp này, Zuni Icosahedron đem tới Hà Nội một đêm kịch thể nghiệm vào tối 18/12, tại Nhà hát Lớn Hà Nội mang tên “Cuộc gặp gỡ của các vị thần-Cái chết của các vị tướng” do đạo diễn Danny Yung dàn dựng từ năm 2005, lấy cảm hứng từ trích đoạn hai tác phẩm sân khấu truyền thống nổi tiếng của Trung Quốc. Đạo diễn đã mời các nghệ nhân sân khấu truyền thống tham gia, kết hợp với các yếu tố nghệ thuật thị giác đương đại và công nghệ trình diễn đồ họa để tạo nên một vở diễn mang tính thể nghiệm cao.
Theo thời gian, đạo diễn tiếp tục biên tập, tái cấu trúc các phần trình diễn, khuyến khích các nghệ sĩ suy tưởng để đưa chất riêng của mình vào từng phân đoạn diễn, tái khám phá những truyền thuyết, cổ tích dưới góc nhìn đương đại, đồng thời thể hiện chúng sao cho tìm được sự đồng điệu từ khán giả. Vở diễn có sự tham gia của dàn diễn viên, sáng tác âm nhạc, thiết kế âm thanh, ánh sáng... đến từ nhiều quốc gia, tạo nên một “khí chất đương đại” đặc biệt.