Tăng cường kết nối giao thương, xúc tiến đầu tư giữa TP HCM và các tỉnh duyên hải Trung bộ
Ngày 11/10, tại Bình Định diễn ra Hội nghị sơ kết 01 năm thực hiện Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP HCM và các tỉnh Vùng Duyên hải Trung bộ và triển khai Kế hoạch thực hiện giai đoạn 2024 - 2025 .
Hội nghị nhằm mục đích đánh giá đúng thực chất kết quả 01 năm phối hợp triển khai thực hiện Thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP HCM với các tỉnh vùng duyên hải Trung Bộ đã được ký kết vào ngày 15 tháng 4 năm 2023 tại tỉnh Khánh Hòa cũng như đúc kết những kinh nghiệm thực tiễn để tiếp tục cụ thể hóa các nội dung, chương trình của Thỏa thuận hợp tác trong giai đoạn 2024-2025.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Phạm Anh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, Vùng Duyên hải Trung bộ là địa bàn chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh; đặc biệt có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế biển. Tuy nhiên, quá trình hợp tác, phát triển vừa qua cũng cho thấy những tồn tại, điểm nghẽn trói buộc tiềm năng và ảnh hưởng đến quá trình phát triển của Vùng.
Trong đó có thể kể đến các hạn chế về quy mô thị trường và lưu thông hàng hóa. Vùng Duyên hải Trung bộ là vùng có quy mô và mật độ dân số khá thấp, khiến sức mua thị trường nội tỉnh không cao. Mặt khác, địa hình trải dài hàng trăm km làm ảnh hưởng đến việc lưu thông tiêu thụ sản phẩm trong Vùng và sức hút thị trường ngoại vùng thấp.
Ngoài ra, đặc điểm địa thế, địa hình đặc thù của Vùng Duyên hải Trung bộ trải dài liên tục với địa hình phức tạp, cùng với xuất phát điểm nền kinh tế của các địa phương thấp, tích lũy đầu tư nhỏ, nhất là chênh lệch vùng miền giữa phía Đông và phía Tây còn cao, kết nối hạ tầng giao thông trục Đông Tây còn nhiều khó khăn.
Đặc biệt, không có địa phương nào đủ sức đảm đương vai trò trung tâm kinh tế của Vùng cũng là rào cản lớn đối với không gian phát triển kinh tế - xã hội của Vùng
Theo đó, ông Phạm Anh Tuấn đề nghị UBND TP HCM quan tâm phối hợp, hỗ trợ Vùng Duyên hải Trung bộ trong việc tiếp tục tăng cường trao đổi kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ; quan tâm giới thiệu các doanh nghiệp lớn của TP HCM tham gia đầu tư tại các tỉnh vùng Duyên hải Trung bộ, tạo động lực đồng hành của chính quyền đối với doanh nghiệp trong hợp tác song phương và đa phương với các tỉnh.
Đồng thời, cấp ngành chức năng nghiên cứu, tổ chức các hội nghị xúc tiến chuyên đề, đẩy mạnh quảng bá, thu hút doanh nghiệp của TP HCM đầu tư vào các Khu Kinh tế, Khu Công nghiệp của vùng như: Khu kinh tế Nhơn Hội, Khu Công nghiệp Becamex VSIP Bình Định; Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi); Khu Kinh tế Nam Phú Yên; Khu kinh tế Vân Phong (Khánh Hòa); KCN Du Long, KCN Phước Nam (Ninh Thuận), KCN Hàm Kiệm I, KCN Hàm Kiệm II (Bình Thuận).
Tại Hội nghị, lãnh đạo các địa phương, các chuyên gia và các doanh nghiệp đã chia sẻ nhiều kết quả đạt được thông qua thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP HCM với các tỉnh vùng Duyên hải Trung bộ; khuyến nghị khả thi về các giải pháp đầu tư, các cơ chế, chính sách trong thu hút đầu tư nói chung và hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư nói riêng trong quá trình phát triển tại các địa phương.
Ông Dương Ngọc Hải - Phó Chủ tịch thường trực UBND TP HCM cho biết: Những ý kiến đóng góp đầy tâm huyết của cộng đồng doanh nghiệp và những ý kiến trao đổi, đề xuất của Lãnh đạo các địa phương về định hướng triển khai thực hiện Thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP HCM với các tỉnh vùng Duyên hải Trung Bộ trong thời gian tới đã gợi mở những nội dung, giải pháp hiệu quả cần tập trung triển khai sâu rộng để phát huy hiệu quả cao nhất chương trình hợp tác; đồng thời, cùng nhau đề ra các giải pháp khắc phục những hạn chế còn tồn tại trong quá trình triển khai Thỏa thuận hợp tác.
Qua đây, TP HCM cũng đề nghị lãnh đạo các địa phương tiếp tục quan tâm, đồng lòng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị của địa phương tăng cường phối hợp với các Sở ngành, đơn vị của TP HCM tập trung triển khai thực hiện tốt Chương trình hợp tác giai đoạn 2024 - 2025 với 11 sự kiện cấp vùng và 11 nội dung hợp tác song phương, tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm bao gồm: thúc đẩy hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch; hỗ trợ kết nối cung - cầu tiêu thụ hàng hóa giữa các địa phương, đẩy mạnh xuất khẩu; liên kết phát triển lĩnh vực du lịch; Hỗ trợ phát triển lĩnh vực y tế giáo dục và đào tạo.
Đồng thời, TP HCM đề nghị lãnh đạo các địa phương quan tâm tạo điều kiện, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp TP HCM và các tỉnh của Vùng vì đây là lực lượng triển khai hiệu quả liên kết nhất.
“Thời gian tới, TP HCM cũng mong muốn cộng đồng doanh nghiệp TP HCM và các địa phương trong Vùng tăng cường kết nối giao thương, xúc tiến đầu tư, tiêu thụ sản phẩm và hỗ trợ nhau về kinh nghiệm, công nghệ trong quản lý và sản xuất để cùng phát triển”, ông Dương Ngọc Hải nhấn mạnh.
Trong khuôn khổ Hội nghị sơ kết lần này, Tập đoàn Central Retail Việt Nam đã có buổi làm việc, gặp gỡ với Lãnh đạo UBND và các sở, ngành tỉnh Khánh Hòa và tỉnh Phú Yên để trao đổi, đề xuất đầu tư mỗi tỉnh 1 Trung tâm thương mại và tối thiểu 2 siêu thị tổng hợp và kết quả bước đầu đã rất thành công.
Công ty CP Thương mại Bách Hóa Xanh cũng đã gặp gỡ, làm việc với Sở Công Thương, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi, Phú Yên về đề xuất đầu tư mỗi tỉnh 20 Cửa hàng Bách Hóa Xanh và phối hợp xây dựng chuỗi cung ứng bền vững tại địa phương.
Dịp này, tỉnh Quảng Ngãi được chọn là đơn vị đăng cai tổ chức Hội nghị tổng kết Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP HCM và các tỉnh vùng duyên hải Trung Bộ năm 2025.