Tăng cường kết nối giữa các doanh nghiệp Hà Nội - Viêng Chăn
Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Thủ đô Viêng Chăn (Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào), sáng 24-11, Đoàn công tác của thành phố Hà Nội do Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền dẫn đầu đã tham dự hội nghị kết nối giao thương giữa doanh nghiệp Hà Nội - Viêng Chăn 2023.
Cùng tham dự hội nghị có đồng chí Phu vông - Vông Khăm sao, Phó Đô trưởng Thủ đô Viêng Chăn và đồng chí Nguyễn Bá Hùng, Đại sứ nước CHXHCN Việt Nam tại Lào; lãnh đạo một số sở, ngành Thủ đô Hà Nội và Thủ đô Viêng Chăn.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, Thủ đô Hà Nội có nhiều lợi thế để phát triển ngành nông sản, thực phẩm, hàng tiêu dùng, dệt may, thủ công mỹ nghệ, mỹ phẩm, sản phẩm thuộc chương trình OCOP, doanh nghiệp kinh doanh hệ thống phân phối.
Điểm qua kết quả “Hội nghị phát triển vùng nguyên liệu và kết nối tiêu thụ, sản phẩm Hà Nội - Viêng Chăn 2023” đã tổ chức tại Viêng Chăn vào tháng 4-2023, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội chia sẻ, đã có 13 biên bản ghi nhớ hợp tác đã được ký giữa doanh nghiệp Hà Nội với doanh nghiệp Lào về việc chuyển giao giống, kỹ thuật và phát triển vùng nguyên liệu, thu mua nguyên liệu, bao tiêu đầu ra sản phẩm, mở ra cơ hội, hợp tác kinh doanh cho doanh nghiệp của hai bên. Triển khai 13 biên bản ghi nhớ trên, các doanh nghiệp hiện nay rất chủ động, nhạy bén trong kinh doanh, đến nay có nhiều đơn hàng đã được ký kết.
“Hy vọng hội nghị ngày hôm nay sẽ tiếp tục mở ra cơ hội mới để doanh nghiệp hai Thủ đô tiếp xúc, trao đổi, liên kết và hợp tác với nhau, thúc đẩy tăng trưởng đầu tư, thương mại giữa hai bên. Qua đó mang lại lợi ích thiết thực cho hai đất nước, nhân dân hai nước, hai Thủ đô, góp phần giúp mỗi bên xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ấm no, hạnh phúc”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nhấn mạnh.
Tại hội nghị kết nối giao thương giữa doanh nghiệp Hà Nội - Viêng Chăn dịp này, có sự tham gia của một số doanh nghiệp đại diện các thành phần kinh tế của Lào trên các lĩnh vực liên quan đến thương mại, dịch vụ. Về phía Việt Nam cũng có đại diện của 16 doanh nghiệp là các giám đốc doanh nghiệp, chủ nhiệm hợp tác xã, chủ cơ sở sản xuất trên địa bàn thành phố. Hai bên đã trực tiếp chia sẻ kinh nghiệm, kết nối về các lĩnh vực như: Nông sản, thực phẩm; thủ công mỹ nghệ; hàng tiêu dùng (mỹ phẩm, dệt may); thiết bị nhà thông minh; giống gia súc…
Đặc biệt, thông qua hội nghị, đã có 9 biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) đã được ký giữa các doanh nghiệp Hà Nội và doanh nghiệp Lào trong việc trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, mở rộng thị trường, kết nối, hợp tác tiêu thụ sản phẩm và vận chuyển hàng hóa giữa hai nước. Trong đó, có 1 biên bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực hỗ trợ doanh nghiệp hai Thủ đô trong lĩnh vực liên quan có cơ hội trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ mở rộng thị trường, tìm kiếm nguồn nguyên liệu, chuyển giao công nghệ; 1 biên bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực vận chuyển logistics đường bộ; 7 biên bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực kết nối, hợp tác tiêu thụ sản phẩm.
Báo cáo tại hội nghị cho thấy, hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và Lào đang phát triển vượt bậc. Năm 2022, vốn đầu tư từ Việt Nam sang Lào đạt 180 triệu USD, tăng 52,5% so với năm 2021. Tính đến nay, Việt Nam đã đầu tư 214 dự án tại Lào với tổng số vốn 5,34 tỷ USD, đứng thứ 3 trong số các nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Lào.
Lào luôn duy trì vị trí thứ nhất trong số 79 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam. Các dự án của Việt Nam tại Lào đang phát huy hiệu quả trong nhiều lĩnh vực như thủy điện, cơ sở hạ tầng, hàng không, tài chính, ngân hàng, viễn thông, nông nghiệp…, đóng góp tích cực nhiều mặt cho kinh tế - xã hội của Lào. Lũy kế đến nay, tổng vốn FDI đăng ký của Lào vào thành phố Hà Nội là 10,5 triệu USD, trong đó có 5 dự án cấp mới với vốn đăng ký là 4,34 triệu USD; 4 lượt góp vốn, mua cổ phần với giá trị góp vốn 6,172 triệu USD.
Hợp tác thương mại giữa thành phố Hà Nội và Lào ngày càng khởi sắc. Tổng kim ngạch trao đổi thương mại hai chiều của Hà Nội và Lào năm 2022 đạt 411 triệu USD; 10 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của Hà Nội sang Lào đạt 95 triệu USD. Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Lào là khoáng sản; cơ kim khí; linh kiện điện tử - vi tính; hóa chất, xăng dầu, thực phẩm, thủy hải sản, hàng dệt may… Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu của Hà Nội từ Lào 10 tháng năm 2023 đạt 200 triệu USD. Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu từ thị trường Lào khoáng sản, nông sản các loại; phân bón các loại; thực phẩm, gỗ và nguyên liệu gỗ…
Đáng chú ý, bên cạnh hoạt động tại Hội chợ Thạt Luổng năm 2023, trước đó vào tối 23-11, Đoàn đại biểu Thủ đô Hà Nội đã tham dự khai mạc chính thức Năm du lịch quốc gia Lào 2024 với mong muốn mở rộng hợp tác du lịch trong tương lai. Với khẩu hiệu “Du lịch an toàn, tận hưởng văn hóa, lịch sử và thiên nhiên” cùng 75 hoạt động hấp dẫn trong “Năm du lịch quốc gia Lào 2024”, Lào kỳ vọng sẽ thu hút khoảng 2,7 triệu lượt khách quốc tế đến với nước này trong năm 2024, tạo doanh thu khoảng 400 triệu USD; khuyến khích sản xuất các sản phẩm cung ứng cho ngành du lịch, gia tăng giá trị kinh tế cho các sản phẩm hàng hóa trong nước…
Hội chợ Thạt Luổng diễn ra từ ngày 23-11 đến ngày 27-11 với quy mô 1.500 gian hàng của Lào và doanh nghiệp 4 nước: Việt Nam, Trung Quốc, Campuchia, Thái Lan. Tại hội chợ, Đoàn xúc tiến thương mại thành phố Hà Nội tổ chức Khu gian hàng “Hanoi - Vietnam” có diện tích 96m2 (tương đương 8 gian) quy tụ sản phẩm trưng bày của 16 doanh nghiệp Hà Nội trong các lĩnh vực: Nông sản, thực phẩm, hàng tiêu dùng, dệt may, thủ công mỹ nghệ, mỹ phẩm, sản phẩm thuộc chương trình OCOP, doanh nghiệp kinh doanh hệ thống phân phối và các lĩnh vực kinh doanh khác…