Tăng cường kết nối kinh tế với Thái Lan-Thúc đẩy APEC kết nối toàn diện
Chuyến thăm chính thức Thái Lan và tham dự APEC 2022 của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân và cấp cao Việt Nam đã thành công tốt đẹp, mở ra chương mới trong hợp tác Việt Nam-Thái Lan, đồng thời thể hiện Việt Nam luôn trách nhiệm cao, chủ động, tích cực thúc đẩy APEC kết nối toàn diện và đảm bảo công bằng, phát triển bền vững.
Chiều qua (19/11), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân cùng đoàn cấp cao Việt Nam đã về đến Việt Nam, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Thái Lan và dự APEC 2022.
Tuyên bố chung trong chuyến thăm chính thức Thái Lan được đánh giá mở ra chương mới trong hợp tác hai nước, hướng tới 10 năm Đối tác chiến lược tăng cường Việt Nam-Thái Lan vào năm 2023. Với APEC 2022, Việt Nam tiếp tục nêu ra nhiều đề xuất có tỉnh khả thi cao, thúc đẩy các nền kinh tế kết nối toàn diện, phục hồi kinh tế và phát triển bền vững, một bước đi quan trọng để thực hiện Kế hoạch Ao-tê-a-rô-a về Tầm nhìn APEC đến năm 2040 mà Việt Nam là một thành viên khởi sướng.
“Hết sức trọng thị”, đây là cụm từ dành đánh giá về nghi thức đón tiếp của nước chủ nhà Thái Lan, bởi dù đang bận rộn APEC 2022 nhưng Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha và Phu nhân, ra tận sân bay đón Chủ tịch nước, Phu nhân và Đoàn, một nghi thức đặc biệt, mang tính lịch sử trong quan hệ hai nước. Trong lễ đón tại sân bay, nước chủ nhà đã bắn 21 phát đại bác chào mừng. Lễ đón trang trọng cũng được tổ chức tại Tòa nhà Chính phủ Thái Lan.
Chưa đầy 48 giờ thăm chính thức Thái Lan, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có lịch trình làm việc dày đặc với gần 20 hoạt động: hội đàm với Thủ tướng Thái Lan; hội kiến Nhà Vua; hội kiến Chủ tịch Quốc hội; tiếp Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Thái Lan; phát biểu tại buổi gặp gỡ 350 doanh nghiệp tiêu biểu Thái Lan và Việt Nam; tiếp một số lãnh đạo tập đoàn hàng đầu của Thái Lan; dự khai trương Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan. Lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương cũng có nhiều hoạt động trao đổi hợp tác song phương với Thái Lan.
Điểm nhấn quan trọng của chuyến thăm là Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha thống nhất đẩy mạnh hoạt động hợp tác hướng tới kỷ niệm 10 năm Đối tác chiến lược tăng cường. Trong đó nhất trí tăng cường Chiến lược “Ba kết nối” gồm: kết nối chuỗi cung ứng; kết nối các doanh nghiệp và các địa phương; và kết nối các chiến lược tăng trưởng bền vững. Theo cách đánh giá của Thủ tướng Thái Lan, chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc mở ra một kỷ nguyên mới của quan hệ đối tác toàn diện.
Thủ tướng Thái Lan nhấn mạnh, Thái Lan và Việt Nam là những quốc gia quan trọng về kinh tế trong khu vực, cả về quy mô lẫn tiềm năng phát triển, có hệ thống liên kết thương mại và đầu tư. Thái Lan vào Việt Nam đã nhất trí tăng cường quan hệ đối tác kinh tế chặt chẽ để thúc đẩy phục hồi kinh tế xã hội của cả hai quốc gia và khu vực, cả trong liên kết thương mại, đầu tư, giao thông vận tải, nền kinh tế kỹ thuật số. Hai bên cũng nhất trí phối hợp triển khai hình thức thanh toán điện tử thuận tiện và nhanh chóng hơn đối với hàng hóa dịch vụ giữa hai nước, gỡ bỏ các vướng mắc thương mại, đồng thời thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa sang các nước thứ ba, đặc biệt là các sản phẩm nông nghiệp sản xuất phụ tùng, thiết bị và thuốc.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, nhất trí phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai nước đạt mục tiêu 25 đến 30 tỷ USD vào năm 2025 theo hướng cân bằng và bền vững hơn; tạo thuận lợi lưu thông hàng hóa và dịch vụ hai nước. Đồng thời, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước tăng cường hợp tác đầu tư, kinh doanh, kể cả trong các lĩnh vực mới như kinh tế số, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững... Các lĩnh vực hợp tác quan trọng về kết nối hạ tầng, nông nghiệp, hỗ trợ phát triển, lao động, văn hóa, du lịch, giao lưu doanh nghiệp, nhân dân, địa phương sẽ là trọng tâm của quan hệ Đối tác Chiến lược tăng cường hai nước. Đã có 19 địa phương của Việt Nam và Thái Lan và có tỉnh Khỏn Kèn và Đà Nẵng ký kết hợp tác.
Kết thúc chuyến thăm, hai bên đã ra Tuyên bố chung với thông điệp “Kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam – Thái Lan: mở ra chương mới của mối quan hệ Đối tác Chiến lược mạnh mẽ hơn nữa vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung” và năm văn kiện hợp tác về triển khai quan hệ Đối tác Chiến lược tăng cường giai đoạn 2022-2027, các văn kiện hợp tác về tư pháp; địa phương, doanh nghiệp hai nước.
Trao đổi với phóng viên VOV, các tập đoàn hàng đầu Thái Lan bày tỏ rất ấn tượng với câu nói của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc rằng chúng ta có thể kết nối ASEAN không chỉ bằng con đường mà còn bằng cả tình hữu nghị, do đó đều rất tin tưởng vào cơ hội hợp tác mới sau chuyến thăm của Chủ tịch nước.
Ông Wishjanond Vichaiyuth, Giám đốc Tập đoàn Kice C.P Land Public, cho biết, chuyến thăm của Chủ tịch nước khiến Tập đoàn Kice C.P Land Public cảm thấy rất vinh dự, mở ra cơ hội tăng cường thương mại xuyên biên giới giữa Việt Nam và Thái Lan. Những doanh nghiệp tư nhân như chúng tôi rất trông đợi các cơ hội kinh doanh tại Việt Nam. Những gì chúng tôi đang tiến hành đầu tư và kinh doanh tại Thái Lan thì chúng tôi cũng có thể và rất mong muốn được mở rộng tại Việt Nam.
Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đánh giá, không khí làm ăn và Việt Nam và Thái Lan hiện nay rất tốt. Trong gặp gỡ doanh nghiệp hai nước, ngoài quy mô về số lượng thì chúng tôi đã chứng kiến các cuộc tiếp xúc song phương của doanh nghiệp hai nước rất sôi nổi. Những thông điệp của Chủ tịch nước đưa ra về mục tiêu phát triển đất nước, tăng trưởng kinh tế và ổn định chính trị, đó là lời kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp Thái Lan. Họ đang xúc tiến “rủ nhau” đầu tư vào Việt Nam. Có thể thấy một số ngành hàng Thái Lan đang có chiến lược tiếp cận đầu tư. Chiều ngược lại, doanh nghiệp Việt Nam đang chăm chỉ sang Thái Lan. Sau khi Chủ tịch nước đề nghị tổ chức cuộc gặp gỡ doanh nghiệp hai nước thì chỉ trong 1 tuần đã có gần 100 doanh nghiệp Việt Nam đăng ký tham gia.
Trong chuyến thăm, Chủ tịch nước đã gặp gỡ đại diện 100 nghìn kiều bào Việt Nam tại Thái Lan, thăm hỏi ân cần, động viên bà con. Chủ tịch nước cho biết, khi tiếp xúc với các nhà lãnh đạo Thái Lan, đều đề nghị bạn tiếp tục quan tâm, tạo thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam và nhận được sự nhất trí cao.
Sau chuyến thăm chính thức Thái Lan, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự APEC 2022 với chủ đề: “Rộng mở. Kết nối và Cân bằng”. Chủ tịch nước đã dự các phiên họp khai mạc; Đối thoại không chính thức giữa Lãnh đạo các nền kinh tế APEC và các Khách mời; ăn trưa làm việc giữa Lãnh đạo các nền kinh tế APEC và các Khách mời; Phiên toàn thể và Phiên thảo luận chuyên đề Đối thoại với các thành viên Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC (ABAC); Phiên bế mạc.
Sau 4 năm gián đoạn, đây là Hội nghị trực tiếp đầu tiên các nhà lãnh đạo Cấp cao của 21 nền kinh tế nhóm họp và đã thông qua Tuyên bố chung về Mô hình kinh tế sinh học – tuần hoàn và xanh, một chiến lược tăng trưởng mới sau đại dịch.
Tháp tùng Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trong chuyến đi, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, đánh giá, việc lãnh đạo cấp cao của 21 nền kinh tế đã truyền tải một thông điệp rất mạnh mẽ về hợp tác tác, đối thoại và chủ nghĩa đa phương. Các nhà lãnh đạo cũng trao đổi những chiến lược có ý nghĩa then chốt đối với sự phát triển chung của APEC trong giai đoạn phát triển mới. Một là đảm bảo dòng chảy tự do của thương mại và đầu tư khu vực; hai là kết nối toàn diện giữa các nền kinh tế cả về các hạ tầng cứng, mềm, số và kết nối con người; ba là chuyển đổi thành công sang mô hình tăng trưởng cân bằng, bền vững và bao trùm. Điểm nổi bật là sự đồng thuận rất cao về yêu cầu cần có cách tiếp cận mới cân bằng và toàn diện hơn đối với phát triển ở khu vực.
Được mời làm diễn giả phát biểu tại nhiều phiên, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, cũng là Chủ tịch Nhóm ASEAN trong APEC 2022, tích cực đề xuất nhiều sáng kiến và nhấn mạnh, một châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, thịnh vượng và phát triển bền vững là mục tiêu. Theo Chủ tịch nước, các thành viên APEC cần hành động vì lợi ích chung của cộng đồng, để bảo vệ những thành quả và giá trị của APEC trong ba thập kỷ qua. Châu Á – Thái Bình Dương bước sang giai đoạn phát triển mới, APEC cần đi đầu thúc đẩy mô hình tăng trưởng cân bằng, bao trùm và bền vững, hỗ trợ các nền kinh tế chuyển đổi xanh, chuyển đổi số thành công. Theo đó, cần bảo đảm môi trường thương mại và đầu tư mở, minh bạch, không phân biệt đối xử; gắn kết thương mại, đầu tư với các Mục tiêu phát triển bền vững 2030; đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực, nhất là lao động chất lượng cao.
Đặc biệt, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng đã cùng các thành viên APEC nhất trí tạo thêm các các kênh trao đổi để thu hẹp khác biệt để duy trì đồng thuận cao trong APEC. Đây được coi là điểm có ý nghĩa quan trọng đóng góp cho thành công của Hội nghị.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, đánh giá, đoàn Việt Nam đã chia sẻ những ý tưởng, quan điểm mới về xu thế phát triển, định hướng của APEC trong giai đoạn đầy thách thức hiện nay. Những đề xuất của Việt Nam do Chủ tịch nước nêu ra tại các hội nghị đều nhận được sự hưởng ứng, đánh giá cao và được thể hiện trong văn kiện bởi có có tính đến lợi ích chung của tất cả các thành viên tham gia diễn đàn và các thành phần trong xã hội, các nền kinh tế, cũng như cân bằng giữa lợi ích ngắn hạn và dài hạn. Chúng ta cũng chia sẻ những kinh nghiệm của Việt Nam trong quá trình phục hồi phát triển kinh tế cũng như chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và những chính sách quan trọng đang triển khai.
Bên lề APEC 2022, Chủ tịch nước có hàng loạt các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc song phương với các nhà Lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC gồm: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Philippines, Singapore, Hàn Quốc, Úc, Canada, Pháp, Chile, Peru. Chủ tịch nước cũng đã có các cuộc gặp gỡ Thái tử, Thủ tướng Ả Rập Xê-út và Trưởng Khu hành chính đặc biệt Hong Kong, Trung Quốc và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Các nhà lãnh đạo đều đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong APEC và nhiều diễn đàn quốc tế, khu vực, đồng thời mong muốn thúc đẩy hợp tác song phương với Việt Nam.
Có thể nói, chuyến thăm chính thức Thái Thái Lan và tham dự APEC 2022 của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân và cấp cao Việt Nam đã thành công tốt đẹp, mở ra chương mới trong hợp tác Việt Nam-Thái Lan, đồng thời thể hiện Việt Nam luôn trách nhiệm cao, chủ động và tích cực thúc đẩy APEC kết nối toàn diện và đảm bảo công bằng, phát triển bền vững./.