Tăng cường kết nối quốc tế tạo 'bệ phóng' cho các doanh nghiệp SME Việt Nam

Tăng cường vai trò của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài được xem là giải pháp giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ vượt qua khó khăn, mở rộng thị trường và khẳng định thương hiệu Việt trên toàn cầu….

Toàn cảnh hội thảo chiều 26/12 tại TP.HCM

Toàn cảnh hội thảo chiều 26/12 tại TP.HCM

Chiều 26/12, hội thảo với chủ đề "Tăng cường vai trò của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trong hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia hiệu quả, thực chất vào thị trường quốc tế" đã được tổ chức tại TP.HCM.

Hội thảo nằm trong khuôn khổ Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady – Chao Phraya – Mekong (ACMECS), Ban quản lý Dự án “Phát huy vai trò các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài trong việc hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ phục hồi và hội nhập kinh tế quốc tế”.

Sự kiện do Vụ Hợp tác kinh tế đa phương, Bộ Ngoại giao tổ chức tại 3 thành phố là TP.HCM, Đà Nẵng và Hà Nội.

Ông Trần Xuân Thủy, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ TP.HCM.

Ông Trần Xuân Thủy, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ TP.HCM.

Ông Trần Xuân Thủy, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ TP.HCM, nhận định: “Hội thảo lần này là nơi để các doanh nghiệp và chuyên gia, ban ngành cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và các giải pháp nhằm thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME)”.

Theo ông Xuân Thủy, mặc dù quy mô không lớn, nhưng các doanh nghiệp SME đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế của TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung. Để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu thay đổi để thích ứng với kỷ nguyên mới.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp SME vẫn gặp nhiều khó khăn, như hạn chế về nguồn vốn, nhân lực và kinh nghiệm tiếp cận thị trường quốc tế. Chính vì vậy, sự hỗ trợ từ các cơ quan đại diện nước ngoài là rất cần thiết, nhằm giúp các doanh nghiệp mở rộng và phát triển trên thị trường quốc tế. Mạng lưới các cơ quan đại diện trên toàn cầu sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối và tạo điều kiện cho SME vươn ra thế giới, mở rộng môi trường kinh doanh toàn cầu.

TS. Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam phát biểu tại hội thảo.

TS. Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam phát biểu tại hội thảo.

Theo TS. Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, nhấn mạnh hội nhập quốc tế không chỉ là xu hướng mà còn là yêu cầu không thể thiếu đối với các doanh nghiệp SME. Ông khẳng định: "Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam mang trong mình sứ mệnh đưa thương hiệu Việt vươn tầm thế giới".

Đồng thời, ông Tô Hoài Nam cho rằng đây là thời điểm quan trọng để đặt ra vấn đề về sự đồng hành của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài với cộng đồng doanh nghiệp. Những cơ quan này cần tạo ra một môi trường tương tác mạnh mẽ, cởi mở và minh bạch, đúng với chỉ đạo của Chính phủ về nâng cao vai trò ngành ngoại giao trong hỗ trợ phát triển kinh tế.

Hội thảo lần này không chỉ mang lại cơ hội chia sẻ kinh nghiệm mà còn là động lực mới giúp các doanh nghiệp SME Việt Nam tự tin hơn trong quá trình hội nhập quốc tế, khẳng định vai trò của mình trên thị trường toàn cầu.

Bà Nguyễn Bích Thủy, Giám đốc Ban quản lý Dự án, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác kinh tế đa phương, Bộ Ngoại giao, cho biết thông qua vai trò kết nối, hỗ trợ đồng hành của các cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước ngoài có thể giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa được hỗ trợ và tiếp cận môi trường quốc tế, cũng như mở ra các cơ hội hợp tác mới cho các doanh nghiệp này, giúp doanh nghiệp “vươn ra biển lớn”.

Ở chiều ngược lại, bà Thủy nhận định thông qua những trao đổi sẽ giúp các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài hiểu hơn về tình hình thực tế, nhu cầu của các hiệp hội doanh nghiệp. Từ đó, xây dựng những chính sách, giải pháp tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận thông tin, mở rộng thị trường... một cách phù hợp.

Vân Nguyễn

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/tang-cuong-ket-noi-quoc-te-tao-be-phong-cho-cac-doanh-nghiep-sme-viet-nam.htm