Tăng cường kiểm dịch động vật
Kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật là biện pháp quan trọng ngăn ngừa các loại dịch bệnh phát sinh và lây lan, bảo vệ chăn nuôi, đồng thời bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng. Hiện nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi vẫn còn diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh, thành phố, một số dịch bệnh khác, như: lở mồm long móng, cúm gia cầm, tụ dấu vẫn đang tồn tại và có nguy cơ phát sinh cao trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hóa đã và đang tăng cường phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố để đẩy mạnh công tác kiểm dịch động vật, thực hiện có hiệu quả các biện pháp kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi.
Kiểm soát dịch tại Trạm kiểm dịch động vật Dốc Xây, thị xã Bỉm Sơn.
Để tăng cường công tác kiểm dịch động vật, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hóa đã phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm dịch sản phẩm động vật ra khỏi địa bàn tỉnh; đồng thời, phối hợp với trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện kiểm tra giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật xuất phát từ các huyện, thị xã, thành phố ra các tỉnh ngoài. Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các trang trại, cơ sở sản xuất, kinh doanh chăn nuôi và chế biến sản phẩm động vật có trách nhiệm đăng ký với cán bộ kiểm dịch về ngày, giờ xuất phát để thực hiện kiểm tra trên cơ sở tờ khai đăng ký thời gian. Bên cạnh đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã thành lập đội kiểm dịch lưu động nhằm phối hợp với trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện kiểm tra thủ tục hành chính, nguồn gốc, lâm sàng và giám sát quá trình vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra, vào các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Kiểm tra việc chấp hành các quy định về kiểm dịch, vệ sinh thú y đối với phương tiện vận chuyển, dụng cụ chứa đựng, bao gói động vật, sản phẩm động vật; nơi thu gom, tập kết, buôn bán động vật, sản phẩm động vật và cơ sở sản xuất, kinh doanh buôn bán con giống.
Thông qua công tác kiểm dịch, lực lượng chức năng đã kiểm soát chặt chẽ việc kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật tại các trạm kiểm dịch đầu mối giao thông trên địa bàn. Qua đó, đã kiểm dịch 100% gia súc, gia cầm giống và 90% lượng gia súc, gia cầm giết mổ, thương phẩm; kiểm dịch 95% các xe ô tô vận chuyển động vật tại các trạm kiểm dịch đầu mối giao thông trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2016 đến nay, các đơn vị đã thực hiện cấp 22.380 giấy chứng nhận kiểm dịch đối với động vật, 1.050 giấy kiểm dịch sản phẩm động vật được vận chuyển ra ngoài tỉnh. Tại các trạm kiểm soát đấu mối giao thông đã kiểm dịch hơn 1,2 triệu con trâu, bò; gần 6 triệu con lợn và hơn 40,4 triệu con gia cầm...
Cùng với công tác kiểm dịch động vật, ngành nông nghiệp cùng các sở, ngành liên quan và các huyện, thị xã, thành phố còn tăng cường kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Theo đó, từ năm 2016 đến nay, các địa phương trong tỉnh đã thực hiện di dời, xóa bỏ được 857 các điểm giết mổ nhỏ, lẻ không bảo đảm vệ sinh; các cơ sở giết mổ tập trung, các mô hình giết mổ ATVSTP tại các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đã được nâng cấp, xây mới theo quy hoạch, bảo đảm vệ sinh thú y, ATVSTP và bảo vệ môi trường. 100% các cơ sở giết mổ nhỏ, lẻ đang hoạt động đã ký cam kết bảo đảm ATVSTP trong sản xuất. Đối với các phường của TP Thanh Hóa, TP Sầm Sơn, thị xã Bỉm Sơn đã thực hiện di dời, xóa bỏ 100% các cơ sở không bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, ATVSTP và vệ sinh môi trường. Ngoài ra, hiện toàn tỉnh đã xây dựng được 1.416 mô hình giết mổ gia súc, gia cầm bảo đảm ATVSTP. Nhờ tăng cường kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y bảo đảm ATVSTP, nên mỗi năm, toàn tỉnh đã thực hiện kiểm soát giết mổ được gần 2,4 triệu con lợn; 403.882 con trâu, bò; 2,5 triệu con gia cầm.
Việc thực hiện tốt công tác kiểm dịch động vật đã và đang tạo điều kiện lưu thông động vật, sản phẩm động vật, góp phần hạn chế dịch bệnh phát sinh, lây lan và thúc đẩy chăn nuôi phát triển. Do đó, các đơn vị, địa phương sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, kiểm dịch tận gốc đối với động vật và sản phẩm động vật; kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển động vật và sản phẩm động vật lưu thông trên địa bàn. Tăng cường kiểm tra vệ sinh thú y đối với động vật và các sản phẩm động vật tại các chợ, cơ sở giết mổ, cơ sở kinh doanh, buôn bán, sơ chế động vật và sản phẩm động vật. Duy trì hoạt động của các chốt kiểm dịch động vật 24/24 giờ; đồng thời, tăng cường hiệu quả hoạt động của các đội, trạm kiểm dịch lưu động, nhằm ngăn ngừa lây lan dịch bệnh từ bên ngoài vào tỉnh; xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán, giết mổ động vật, sản phẩm động vật chưa qua kiểm dịch của cơ quan thú y theo quy định.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/tang-cuong-kiem-dich-dong-vat/124235.htm