Tăng cường kiểm soát an toàn lao động và bảo vệ môi trường ngành Công Thương

Ngày 28/3 tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo An toàn lao động và bảo vệ môi trường ngành Công Thương.

Hội thảo do Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường (Bộ Công Thương) phối hợp với Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức với sự tham gia của các chuyên gia của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cùng các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp tại khu vực phía Bắc.

Thực hiện chức năng quản lý Nhà nước trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp và thương mại, những năm qua Bộ Công Thương đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp nhằm tăng cường công tác an toàn lao động và từng bước kiểm soát các nguồn thải trong các ngành công nghiệp có nguy cơ ô nhiễm môi trường, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh an toàn và bền vững.

Ông Tô Xuân Bảo - Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp phát biểu tại hội thảo

Ông Tô Xuân Bảo - Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp phát biểu tại hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, ông Tô Xuân Bảo - Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết: "Để triển khai các quy định tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn Luật, với quan điểm phát triển kinh tế phải gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, Bộ Công Thương đã chủ động xây dựng và ban hành nhiều chính sách nhằm góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật cũng như tăng cường hiệu quả thực thi các nhiệm vụ quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực công thương như: Hệ thống cơ sở dữ liệu môi trường ngành Công Thương, quản lý hồ chứa quặng đuôi, phát triển ngành công nghiệp môi trường, quản lý tro xỉ nhiệt điện, các chính sách về sản xuất và tiêu dùng bền vững, chuyển đổi năng lượng sạch…”.

Theo ông Tô Xuân Bảo, Hội thảo “An toàn lao động và bảo vệ môi trường ngành Công Thương năm 2023” được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của doanh nghiệp, người lao động, các nhà quản lý trong công tác đảm bảo an toàn lao động và bảo vệ môi trường, nhằm giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sống và môi trường làm việc; thúc đẩy việc sử dụng bền vững, hợp lý, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, cải thiện và phục hồi môi trường.

Tại hội thảo, chia sẻ về mối tương quan giữa công tác bảo vệ môi trường và công tác an toàn lao động, chuyên gia Hoàng Văn Vy, nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ môi trường miền Bắc (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết: "Nếu môi trường làm việc không tốt sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động, từ đó dẫn đến nguy cơ mất an toàn lao động cao. Các doanh nghiệp nên sử dụng các giải pháp phòng ngừa là chính tiếp theo mới đến ứng phó và xử lý sự cố”.

Ông Hoàng Văn Vy chia sẻ về mối tương quan giữa an toàn lao động và bảo vệ môi trường trong doanh nghiệp

Ông Hoàng Văn Vy chia sẻ về mối tương quan giữa an toàn lao động và bảo vệ môi trường trong doanh nghiệp

Ông Hoàng Văn Vy đánh giá, người lao động tại các doanh nghiệp chịu sự tác động trực tiếp hoặc gián tiếp từ chất lượng môi trường của doanh nghiệp do nguồn thải của doanh nghiệp.

Đơn cử như vụ việc ngày 18/7/2022 tại TP. Việt Trì (tỉnh Phú Thọ), 5 công nhân đã tử vong do hít phải khí độc trong quá trình vệ sinh các hố ga của một doanh nghiệp chế biến thực phẩm. Gần đây nhất, ngày 2/3/2023 có 37 công nhân của Công ty TNHH HSTECH Vina tại Bắc Ninh bị ngộ methanol, trong đó 5 người bị tổn thương nặng phải cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai và 1 người tử vong.

Điều này cho thấy công tác an toàn lao động và bảo vệ môi trường có sự tương quan, tác động trực tiếp với nhau. Công tác bảo vệ môi trường được thực hiện tốt thì an toàn lao động sẽ được đảm bảo.

Giải pháp được ông Vy chỉ ra là, các doanh nghiệp phải kiểm soát chặt chẽ các nguồn phát thải, khí thải, chất thải rắn và chất thải nguy hại; có cảnh báo nguy cơ chất thải tác động xấu đến sức khỏe người lao động; tăng cường kiểm soát việc tuân thủ nghiêm túc các phương án phòng ngừa, ứng phó sự cố cũng như phải nghiêm túc thực hiện các quy định về bảo hộ lao động, các quy định về đảm bảo an toàn lao động tại các khu vực sản xuất..

Hội thảo cũng đã nhận được các ý kiến tham luận từ các đơn vị quản lý, tham mưu chính sách của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cùng các chuyên gia, doanh nghiệp đã thảo luận một số giải pháp trong việc giảm thiểu, loại bỏ nhựa sử dụng 1 lần; thu gom, vận chuyển, tái chế, tái sử dụng chất thải rắn, quản lý và tiêu hủy hàng giả, hàng kém chất lượng và áp dụng các chính sách kinh tế môi trường - đây là những vấn đề “nóng” trong công tác bảo vệ môi trường cần được giải quyết nhằm đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường ở Việt Nam trong thời gian tới.

Hội thảo cũng tập trung phân tích những cơ hội, thách thức của doanh nghiệp trong công tác đảm bảo an toàn lao động và bảo vệ môi trường, đưa ra những kiến nghị nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về an toàn, bảo vệ môi trường.

Thu Hường - Thanh Tâm

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tang-cuong-kiem-soat-an-toan-lao-dong-va-bao-ve-moi-truong-nganh-cong-thuong-248063.html