Tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm dịp cuối năm
Để bảo vệ sức khỏe của người dân, thời gian qua, cơ quan chức năng của Hà Nội đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hậu kiểm vệ sinh, an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể... Qua đó, từng bước nâng cao nhận thức của người sản xuất, kinh doanh cũng như người tiêu dùng. Tuy nhiên, theo thông lệ, vào dịp cuối năm, thị trường thực phẩm càng diễn biến phức tạp, đòi hỏi các lực lượng chức năng cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa.
Kiểm tra hơn 20.000 cơ sở thực phẩm
Theo báo cáo của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, hiện thành phố có 70.779 cơ sở thực phẩm. Trong 9 tháng năm 2022, toàn thành phố đã tiến hành kiểm tra được 20.688 cơ sở, trong đó có 16.985 cơ sở đạt tiêu chuẩn (chiếm tỷ lệ 82,1%) và 3.618 cơ sở vi phạm. Cơ quan chức năng đã xử phạt vi phạm hành chính hơn 600 cơ sở với số tiền hơn 4 tỷ đồng. Ngoài ra, có 46 cơ sở bị tịch thu giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm và 58 cơ sở bị đình chỉ.
Đối với công tác xét nghiệm an toàn thực phẩm 9 tháng của năm 2022, qua xét nghiệm tại labo 377 mẫu (gồm: Thịt, sản phẩm thịt, trái cây, rau, củ, nước đá dùng liền, phụ gia thực phẩm và nguyên liệu thực phẩm, sản phẩm dinh dưỡng…) phát hiện 1 mẫu sản phẩm thịt phát hiện chỉ tiêu vi sinh vật tổng số vi sinh vật hiếu khí, 1 mẫu rau phát hiện hoạt chất bảo vệ thực vật cấm sử dụng Haptachlor, Leucomalachite green. Ngoài ra, xét nghiệm nhanh dụng cụ chế biến thực phẩm, tinh bột, nước sôi; thực phẩm, dấm, phẩm màu, hàn the, foocmon đạt 95.556/104.776 mẫu (tỷ lệ đạt 91,2%).
Cùng với đó, ngành Y tế thành phố cũng đã xây dựng kế hoạch và triển khai 2 hoạt động chương trình an toàn thực phẩm, bao gồm: Hoạt động tăng cường năng lực hệ thống kiểm nghiệm chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm và hoạt động phòng, chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm. Cụ thể là, tiếp tục triển khai và duy trì các chuyên đề dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, an toàn thực phẩm tuyến phố văn minh tại 30 quận, huyện, thị xã; duy trì và xây mới 20 tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát tại 17 quận, huyện; kiểm soát an toàn thực phẩm bữa cỗ tập trung đông người tại 288 xã, phường, thị trấn của 20 quận, huyện đạt chỉ tiêu theo kế hoạch. Đồng thời, tiếp tục hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kiểm tra giám sát, nhằm nâng cao ý thức tự quản lý an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể trường học tại 20 trường tiểu học thuộc 10 quận, huyện; triển khai thí điểm mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể cấp tiểu học tại 10 quận, huyện.
Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng đã góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong việc tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Nhiều cơ sở đã đầu tư trang thiết bị mới, đồng bộ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, ý thức về bảo đảm an toàn thực phẩm cũng đã tốt hơn trước. Trong 9 tháng của năm 2022 không có vụ ngộ độc thực phẩm lớn và bệnh truyền qua thực phẩm xảy ra trên địa bàn thành phố.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, công tác quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố vẫn gặp phải không ít khó khăn. Ông Đặng Thanh Phong, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho biết, một số chủ cơ sở thực phẩm còn chưa có ý thức bảo vệ sức khỏe cộng đồng, chạy theo lợi nhuận trước mắt, thực hiện các hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm. Cùng với đó, việc xử lý các vi phạm ở tuyến xã đã được tăng cường hơn trước, nhưng còn chưa kiên quyết, đa số chỉ nhắc nhở. Ngoài ra, một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng còn dễ dãi trong việc lựa chọn thực phẩm, chưa phản ánh với cơ quan quản lý và tẩy chay các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn…
Đẩy mạnh kiểm tra đột xuất, hậu kiểm
Theo thông lệ vào những tháng cuối của năm, thị trường thực phẩm luôn sôi động để chuẩn bị cho mùa lễ, Tết. Lợi dụng nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng tăng mạnh vào dịp này, một số cơ sở chế biến, kinh doanh hàng hóa thường tung ra thị trường các loại hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng...
Để bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố, ngăn chặn thực phẩm “bẩn” tuồn ra thị trường, theo ông Đặng Thanh Phong, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, từ nay đến cuối năm, công tác thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm tiếp tục được tăng cường. Đặc biệt, thành phố sẽ tập trung công tác hậu kiểm sau công bố, kiểm tra đột xuất, kiên quyết xử lý vi phạm hành chính về lĩnh vực an toàn thực phẩm theo quy định. Tuyệt đối không để các sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm lưu thông trên thị trường; kiên quyết yêu cầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn không bảo đảm an toàn thực phẩm phải có các biện pháp khắc phục thì mới được tiếp tục hoạt động.
Bên cạnh việc tăng cường vai trò quản lý, giám sát việc thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm, theo ông Đặng Thanh Phong, các ngành chức năng tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức trong dịp cuối năm. Cụ thể, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông kịp thời thông tin tuyên truyền về các văn bản mới và thực trạng an toàn thực phẩm trên địa bàn. Cùng với đó, tôn vinh, quảng bá, khuyến khích các tổ chức, cá nhân sản xuất các sản phẩm, chuỗi thực phẩm an toàn. Qua đó, nâng cao ý thức cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, phân phối trong lĩnh vực thực phẩm cũng như trang bị kiến thức cho người dân để tự bảo vệ mình.
Ðối với người tiêu dùng, nên quan tâm nhiều hơn đến chất lượng thực phẩm, cần thận trọng trong lựa chọn thực phẩm, chỉ mua sản phẩm rõ nguồn gốc, bảo đảm an toàn thực phẩm. Nói “không” với thực phẩm “bẩn” là cách mà người tiêu dùng góp phần loại bỏ những cơ sở làm ăn gian dối và tự bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân và gia đình mình.