Tăng cường kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm dịp Tết Nguyên đán

Từ nay đến Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, nhu cầu tiêu dùng sản phẩm thịt gia súc, gia cầm tăng cao nên các cơ sở giết mổ trên địa bàn tỉnh hoạt động rất nhộn nhịp. Tuy nhiên, phần lớn các cơ sở này đều nhỏ lẻ, giết mổ thủ công, không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, do đó, để có nguồn thực phẩm sạch phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, các cơ quan chức năng đang triển khai nhiều giải pháp, quản lý chặt từ gốc.

Các sản phẩm thịt tại Siêu thị Big C Đà Lạt được người tiêu dùng lựa chọn bởi có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng

Các sản phẩm thịt tại Siêu thị Big C Đà Lạt được người tiêu dùng lựa chọn bởi có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng

Giá thịt đang dần “nóng” lên

Khoảng 2 tuần nay, tại các chợ trên địa bàn tỉnh, giá thịt đã bắt đầu nóng dần dù còn hơn 20 ngày nữa mới đến Tết Nguyên đán 2021. Khảo sát nhanh tại chợ Phan Chu Trinh TP Đà Lạt, chị Hương - tiểu thương kinh doanh thịt lợn cho hay: Giá thịt lợn đã tăng từ 5.000 - 15.000 đồng/kg so với tháng trước. Còn so với năm trước, giá thịt lợn ở thời điểm hiện tại cao hơn 30-40%. Tuy nhiên, sức mua lẻ cũng chỉ ở mức bình bình.

Trong khi đó, nhiều thương lái mua lợn cho biết, từ đầu tháng 12/2020, giá lợn hơi cũng đã tăng 100.000- 250.000 đồng/tạ, hiện ở mức 7,6- 7,8 triệu đồng/tạ, nguyên nhân giá lợn hơi tăng là do nguồn cung lợn đủ trọng lượng xuất chuồng trong dân thời điểm hiện tại không nhiều.

Ông Phạm Phi Long - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Lâm Đồng lý giải: Giá thịt lợn hơi tăng khá nhanh trong thời gian gần đây một phần là do nhiều hộ nông dân nhỏ lẻ còn ngán ngại dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi, chưa dám nuôi lại, một phần là do người nuôi còn chờ tết bán cho được giá hơn.

Bên cạnh đó, thời điểm này, do nhu cầu sản xuất chế biến các sản phẩm từ thịt lợn tăng như: Xúc xích, chả lụa, chả giò, pa tê…, nhiều thương lái phải gom lợn từ các tỉnh thành khác hoặc mua lại từ các doanh nghiệp lớn nuôi công nghiệp nên giá thịt tăng, trong khi nhu cầu tiêu thụ hàng ngày vẫn ở mức bình thường.

Ông Long cho biết thêm, hiện toàn tỉnh có tổng đàn lợn khoảng 400 ngàn con, trên 10 triệu con gia cầm, chim cút cùng với hơn 116 ngàn con trâu, bò. Trong năm qua, giá lợn hơi đã dần phục hồi sau thời gian dài bị ảnh hưởng do dịch tả lợn châu Phi, bù đắp lại một phần thiệt hại, góp phần tạo điều kiện để người chăn nuôi lợn từng bước tái đàn, khôi phục sản xuất.

Hiện nay, qua cân đối, nắm nhu cầu thì các trang trại, cơ sở chăn nuôi trong tỉnh có thể đáp ứng được nhu cầu của thị trường về các sản phẩm thịt. Bên cạnh đó, một số cơ sở chăn nuôi còn nhập lợn của các đơn vị khác để tiêu thụ cho thị trường trong khu vực. Do đó, nguồn cung các loại thịt trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng dịp tết sẽ không thiếu.

Chốt kiểm soát, phòng chống bệnh tả lợn châu Phi trên Tỉnh lộ 721, xã Đạ Kho, huyện Đạ Tẻh

Chốt kiểm soát, phòng chống bệnh tả lợn châu Phi trên Tỉnh lộ 721, xã Đạ Kho, huyện Đạ Tẻh

Tăng cường kiểm soát giết mổ

Theo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Lâm Đồng, hiện trên địa bàn tỉnh có 298 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ. Trong đó, có 268 cơ sở giết mổ gia súc có quy mô từ 1 - 2 con /ngày, 28 cơ sở giết mổ gia cầm quy mô từ 10 - 100 con/ ngày và 2 cơ sở giết mổ hỗn hợp quy mô từ 1 - 5 con/ngày. Các cơ sở giết mổ phân bố rải rác do người dân tự phát xây dựng và giết mổ. Hiện, toàn tỉnh mới chỉ có 7 cơ sở giết mổ chăn nuôi tập trung.

Điều đang lo ngại là hiện nay mới chỉ có 25/298 cơ sở được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (chiếm 8,4%), phần còn lại các điểm, hộ giết mổ thủ công, nhỏ lẻ nằm trong khu dân cư. Đây là nguồn nguy cơ lây lan dịch bệnh, gây ô nhiễm môi trường, mất an toàn vệ sinh thực phẩm…

Trong khi đó, thời điểm Tết Nguyên đán, nhu cầu sử dụng các sản phẩm cũng như thịt gia súc, gia cầm tăng đột biến. Đặc biệt, trong những ngày cận tết, nhu cầu tăng gấp 4-5 lần so với ngày thường. Đây cũng là lúc thời tiết thay đổi bắt thường, phong trào nuôi tái đàn phục vụ thị trường cuối năm tăng mạnh nên nguy cơ dịch bệnh tái xuất hiện và lây lan rất cao. Vì thế, công tác tiêu độc khử trùng và kiểm soát giết mổ đang được ngành thú y chú trọng thực hiện.

Theo đó, trong đợt cao điểm từ 28/01/2021 – 28/02/2021, các cơ quan chức năng sẽ đồng loạt thực hiện, triển khai nhiều giải pháp, quản lý hoạt động giết mổ chặt từ gốc. Cụ thể, tại các trang trại chăn nuôi, các cơ quan chức năng sẽ tăng cường kiểm tra điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị sử dụng trong chăn nuôi; nguồn nước, việc sử dụng thức ăn, thuốc thú y và thực hiện các điều kiện về vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định.

Đối với các cơ sở giết mổ, duy trì công tác kiểm tra thường xuyên, tăng cường việc kiểm tra đột xuất các quy định về hồ sơ kiểm dịch và các giấy tờ liên quan đến việc nhập gia súc, gia cầm vào các cơ sở giết mổ; kiểm tra cơ sở vật chất phục vụ công tác giết mổ động vật và điều kiện vệ sinh thú y tại cơ sở giết mổ.

Từ 28/01/2021 – 28/02/2021, các cơ quan chức năng sẽ mở đợt cao điểm nhằm quản lý hoạt động giết mổ chặt từ gốc. (Ảnh Chính Thành)

Từ 28/01/2021 – 28/02/2021, các cơ quan chức năng sẽ mở đợt cao điểm nhằm quản lý hoạt động giết mổ chặt từ gốc. (Ảnh Chính Thành)

Bên cạnh đó, các đoàn kiểm tra, thanh tra liên ngành trong tỉnh cũng sẽ tổ chức các đợt kiểm tra lưu động tại một số tuyến đường giáp ranh với các tỉnh, tập trung tại các tuyến đường Quốc lộ 27C đi Khánh Hòa, Quốc lộ 27 đi Đắk Lắk và ĐT 725 đi tỉnh Đắk Nông. Các Trạm Kiểm dịch động vật đầu mối giao thông phân công viên chức trực đầy đủ, phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông tăng cường kiểm tra, kiểm soát các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra vào tỉnh để phát hiện và xử lý kịp thời những trường hợp vi phạm trong kiểm dịch.

Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Lâm Đồng cũng khuyến cáo người chăn nuôi tuyệt đối không mua, vận chuyển động vật, các sản phẩm động vật từ các địa phương đang có dịch bệnh. Khi nhập giống cần thực hiện đúng quy định như: Phải có nguồn gốc rõ ràng, được cơ quan Nhà nước kiểm dịch, về địa phương phải nuôi nhốt cách ly 15 ngày để theo dõi sức khỏe trước khi cho nhập đàn và phải khai báo cho chính quyền địa phương theo quy định của Luật Chăn nuôi.

Trường hợp phát hiện gia súc, gia cầm có triệu chứng nhiễm bệnh hoặc chết phải báo ngay cho cơ quan chức năng gần nhất, không bán chạy gia súc, gia cầm bị bệnh, chết. Đồng thời, người chăn nuôi cần thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, chú ý vệ sinh tiêu độc khu vực chăn nuôi định kỳ 2 lần/tuần.

HOÀNG SA

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202101/tang-cuong-kiem-soat-giet-mo-gia-suc-gia-cam-dip-tet-nguyen-dan-3040617/