Tăng cường kiểm soát thị trường vùng biên

Có đường biên giới quốc gia tiếp giáp với 2 nước Lào và Trung Quốc, huyện Mường Nhé là địa bàn tiềm ẩn nhiều nguy cơ buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép. Tăng cường kiểm soát thị trường vùng biên, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 4 đã tích cực triển khai nhiều giải pháp ổn định thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Cán bộ Đội QLTT số 4 kiểm tra hoạt động kinh doanh hàng hóa tại xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé.

Cán bộ Đội QLTT số 4 kiểm tra hoạt động kinh doanh hàng hóa tại xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé.

Hiện nay, Đội QLTT số 4 thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường trên địa bàn 4 huyện thị: Mường Chà, Mường Nhé, Nậm Pồ và TX. Mường Lay. Địa bàn quản lý rộng, địa hình phức tạp, chủ yếu là các xã biên giới giao thông khó khăn; cơ sở buôn bán, kinh doanh phân tán, nhỏ lẻ rất khó kiểm soát chặt chẽ. Trong khi đó nhận thức của người dân trên địa bàn không đồng đều, đời sống kinh tế còn khó khăn. Tại huyện Mường Nhé, đa số cơ sở kinh doanh tập trung ở trung tâm huyện và một số xã: Mường Toong, Chung Chải, Quảng Lâm. Trên địa bàn 6 xã biên giới: Sín Thầu, Sen Thượng, Chung Chải, Leng Su Sìn, Mường Nhé và Nậm Kè tiềm ẩn nhiều nguy cơ các đối tượng xấu lợi dụng đưa hàng giả, hàng kém chất lượng xâm nhập thị trường với nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi, khó lường. Do đó, cùng với việc triển khai theo kế hoạch kiểm tra định kỳ đã được phê duyệt, Đội QLTT số 4 thường xuyên thực hiện việc kiểm tra đột xuất và chuyên đề. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền tới người dân, nhất là tại các thôn, bản vùng sâu, giáp biên giới về phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng buôn lậu hàng cấm, hàng giả, kém chất lượng. Vận động các tổ chức, cá nhân không tiếp tay cho hành vi buôn lậu, gian lận thương mại.

Ông Ngô Xuân Chiến, Phó đội trưởng phụ trách Đội QLTT số 4 cho biết: Với tổng số 165 hộ kinh doanh, hầu hết thương nhân trên địa bàn huyện Mường Nhé đã có ý thức chấp hành pháp luật về đăng ký kinh doanh và các quy định trong hoạt động kinh doanh, dịch vụ thương mại. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng gian lận thương mại, vi phạm ghi nhãn hàng hóa và niêm yết giá, vi phạm về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Trước thực trạng đó, Đội phân công nhiệm vụ cụ thể, giao từng cán bộ phụ trách địa bàn các xã thường xuyên thống kê tình hình tăng, giảm thương nhân. Chủ động bám, nắm địa bàn thu thập thông tin, dự báo tình hình, xu hướng thị trường; kiểm tra và phát hiện kịp thời các hành vi gian lận thương mại. Từ đầu năm đến nay Đội đã kiểm tra, xử lý 30 vụ; xử lý vi phạm hành chính 10 vụ, thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 30 triệu đồng, chủ yếu là các vụ vi phạm về giá, ATTP… Hàng hóa vi phạm buộc tiêu hủy là 30 gói bánh dẻo bị hỏng, mốc. Đồng thời, Đội chủ động tham gia các đoàn kiểm tra liên ngành thực hiện kiểm tra 70 cơ sở trên địa bàn quản lý. Qua đó kịp thời phát hiện, xử lý những trường hợp vi phạm. Cuối tháng 3/2023, Đội QLTT số 4 đã phát hiện, xử phạt ông Bùi Văn Hùng, xã Mường Nhé tổng số tiền 7,5 triệu đồng về hành vi không mở sổ theo dõi hoặc cơ sở dữ liệu điện tử ứng dụng công nghệ thông tin theo dõi chai LPG (khí hóa lỏng) tại cửa hàng bán lẻ LPG chai.

Cùng với tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm, thời gian tới Đội QLTT số 4 xác định chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành cho các tổ chức, cá nhân trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Vận động Nhân dân tham gia tố giác các hành vi vi phạm pháp luật về sản xuất, kinh doanh hàng hóa đến các cơ quan chức năng. Đồng thời tăng cường tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ kiểm tra kiểm soát cho cán bộ, công chức QLTT; áp dụng hệ thống phần mềm INS trong thụ lý hồ sơ vụ việc xử lý vi phạm hành chính; đầu tư phương tiện phục vụ công tác kiểm tra, xử lý vi phạm.

Bài, ảnh: Đức Kiên

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/kinh-te/207235/tang-cuong-ki%E1%BA%BBm-so%C3%A1t-th%E1%BB%8B-tru%C3%B2ng-v%C3%B9ng-bien