Tăng cường kiểm soát vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm
Để ngăn chặn các loại gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm vào địa bàn, thời gian qua Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản đã đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát vận chuyển buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh. Nhờ đó, hiện nay hoạt động chăn nuôi trên địa bàn tỉnh diễn ra an toàn, không bị dịch bệnh xâm nhập.
Cùng với việc phối hợp với các lực lượng chức năng đẩy mạnh tuần tra kiểm soát khu vực biên giới, cửa khẩu, đường mòn, lối mở trên địa bàn nhằm tránh dịch bệnh xâm nhập vào địa bàn, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản đã tham mưu để UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về công tác kiểm soát, vận chuyển gia súc, gia cầm, phòng chống dịch bệnh động vật. Gần đây nhất, thực hiện Công điện 426/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép gia cầm, các sản phẩm gia cầm qua biên giới vào Việt Nam, UBND tỉnh đã có Văn bản số 2131/UBND-KTN, ngày 25/5/2023 về việc ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép gia cầm, các sản phẩm gia cầm qua biên giới trên địa bàn tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị xã hội cùng các sở, ngành, huyện, thị xã, thành phố triển khai quyết liệt các giải pháp cấp bách ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới vào địa bàn tỉnh.
Hàng năm Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản xây dựng kế hoạch, kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y các cơ sở giết mổ, ấp nở trứng gia cầm và phẫu thuật động vật trên địa bàn tỉnh; thành lập các đoàn kiểm tra lấy mẫu kiểm tra tồn dư kháng sinh trong thịt, chất cấm Salbutamol trong nước tiểu lợn tại các cơ sở giết mổ, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật. Từ năm 2022 đến nay đã thực hiện lấy 60 mẫu nước tiểu lợn để kiểm tra chất cấm Salbutamol, 100 mẫu thịt kiểm tra tồn dư kháng sinh trong nhóm Tetracyline. Kết quả kiểm tra cho thấy 100% các mẫu âm tính với chất cấm Salbutamol và nhóm kháng sinh Tetracyline. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm đến các hộ kinh doanh và người dân trên địa bàn.
Ông Đỗ Thái Mỹ, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản cho biết: Điện Biên là tỉnh miền núi có đoạn biên giới quốc gia tiếp giáp với các nước Trung Quốc, Lào. Tuy không phải là địa phương “nóng” về tình trạng nhập lậu, vận chuyển gia súc, gia cầm nhưng hiện nay, có tới 70% nguồn cung, gia súc, gia cầm, đặc biệt là thịt lợn, gà, con giống gia cầm phải nhập từ các tỉnh dưới xuôi và các tỉnh lân cận. Do đó nguy cơ dịch bệnh xâm nhập qua đường biên giới ít, mà chủ yếu là từ trong nội địa. Thời gian qua nhờ triển khai nhiều biện pháp ngăn ngừa như: Tăng cường công tác kiểm soát, vận chuyển gia súc, gia cầm ra vào địa bàn; kiểm tra các cơ sở giết mổ, kinh doanh động vật; thực hiện lấy mẫu kiểm tra đối tượng kiểm tra vệ sinh thú y trên địa bàn tỉnh... tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn được kiểm soát tốt, không có dịch bệnh xâm nhập vào địa bàn.
Khó khăn trong công tác kiểm soát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm hiện nay là 100% các cơ sở giết mổ kinh doanh động vật trên địa bàn các huyện là nhỏ lẻ, diện tích nhỏ hẹp nằm rải rác trong khu dân cư, giao thông đi lại khó khăn, một số cơ sở hoạt động theo mùa vụ. Bên cạnh đó, một số cơ sở tạm bợ, chưa chú trọng đầu tư, nâng cấp. Ngoài ra, việc kiểm soát giết mổ động vật chưa được thực hiện triệt để, chưa thực hiện kiểm tra động vật trước khi giết mổ.
Thời gian tới để công tác kiểm soát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm đạt hiệu quả, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tiếp tục phối hợp với các đơn vị, phòng ban chuyên môn liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động vận chuyển, vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm nhằm phát hiện và xử nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định; đẩy mạnh công tác tuyên truyền vệ sinh thú y đến người dân và các hộ kinh doanh giết mổ động vật trên địa bàn.