Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện cơ chế tự chủ của bệnh viện công lập
Cử tri kiến nghị đại biểu Quốc hội nâng cao trách nhiệm
Tiếp tục phiên họp toàn thể lần thứ 15, ngày 3-10, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức phiên giải trình việc thực hiện chính sách, pháp luật về cơ chế tự chủ đối với bệnh viện công lập.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh, hiện nay, 100% bệnh viện công đã được giao tự chủ với mức tự chủ ngày càng cao; chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng tiến bộ... Tuy nhiên, quá trình thực hiện cũng bộc lộ một số hạn chế, bất cập như: Việc thực hiện cơ chế tự chủ còn khó khăn đối với tuyến cơ sở và bệnh viện chuyên khoa; các bệnh viện được giao tự chủ nhưng còn nhiều ràng buộc liên quan nên chưa được tự chủ thực chất...
Trình bày Báo cáo giải trình, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, để các bệnh viện tự chủ được nhiệm vụ chuyên môn thì phải có đủ điều kiện tối thiểu về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, nhân lực, nguồn tài chính. Thực tế đang có sự chênh lệch khá lớn giữa các tỉnh, thành phố, giữa các tuyến về nguồn thu.
Thảo luận về vấn đề này, các đại biểu bày tỏ lo ngại về việc bệnh viện được giao quyền tự chủ toàn bộ đang có xu hướng tư nhân hóa. Giải trình vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, có ý kiến cho rằng cần phải quản chặt hơn, tránh tư nhân hóa bệnh viện công, nhưng cũng có ý kiến đánh giá, nếu quản chặt quá thì bệnh viện công "chẳng tự chủ được gì". Bộ trưởng cũng cho biết, vì mục đích tăng thu nên xảy ra hiện tượng lạm dụng kỹ thuật, lạm dụng xét nghiệm, lạm dụng thuốc... Thời gian tới, Bộ sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của các bệnh viện…