Tăng cường kiểm tra, kiểm soát và truy xuất nguồn gốc lâm sản
Tỉnh Quảng Trị hiện có hơn 245.816 ha rừng, trong đó có hơn 95.674 ha rừng trồng sản xuất, sản lượng gỗ keo khai thác hằng năm từ 950.000 - 1 triệu tấn, đáp ứng nhu cầu sản xuất, chế biến gỗ cho các doanh nghiệp trên địa bàn. Nhằm nâng cao năng lực quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh, vận chuyển lâm sản, thời gian qua ngành chức năng đã triển khai hiệu quả việc kiểm tra, kiểm soát và truy xuất nguồn gốc lâm sản.
Toàn tỉnh có hơn 120 doanh nghiệp kinh doanh, chế biến gỗ hoạt động, trong đó có 48 nhà máy chế biến gỗ rừng trồng, tập trung chủ yếu tại các Khu công nghiệp Nam Đông Hà, Quán Ngang và các huyện Hải Lăng, Triệu Phong, Cam Lộ. Để đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc lâm sản phục vụ cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy, thời gian qua, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã tổ chức hội nghị tập huấn về triển khai thực hiện Nghị định số 102/2020/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 102) quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam cho cán bộ phụ trách công tác pháp chế của các hạt, trạm kiểm lâm trực thuộc.
Đồng thời, thông qua hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật hằng năm để tuyên truyền, phổ biến về điều kiện, tiêu chí phân loại doanh nghiệp đến các cơ sở chế biến, thương mại lâm sản, quy định về truy xuất nguồn gốc lâm sản đến các chủ rừng, tổ chức, cá nhân liên quan. Qua đó nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân đối với việc truy xuất nguồn gốc lâm sản trong sản xuất, chế biến và thương mại lâm sản trong bối cảnh các doanh nghiệp đang hướng đến xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ sang thị trường Châu Âu.
Đến hết năm 2021, Chi cục Kiểm lâm đã kiểm tra, truy xuất được 1.356.636 tấn gỗ các loại có nguồn gốc từ rừng trồng. Trong đó, gỗ khai thác trên địa bàn tỉnh 1.032.000 tấn, có 80.206 tấn gỗ rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC; gỗ khai thác ngoài địa bàn tỉnh 324.636 tấn. Sau khi truy xuất nguồn gốc, đã có 1.223.435 tấn gỗ được dùng để băm dăm và xay ép, 133.201 tấn gỗ dùng để xẻ, ước tính giá trị 1.315 tỉ đồng. Gỗ và sản phẩm gỗ sau chế biến được truy xuất nguồn gốc là 1.023.591 tấn, trong đó dăm gỗ 676.150 tấn, gỗ xẻ và ván lạng 60.303 tấn, ván MDF 263.902 tấn và 23.236 tấn viên nén năng lượng, ước tính giá trị 2.489 tỉ đồng. Ngoài ra, Công ty Thanh Thành Đạt ở tỉnh Nghệ An thu mua 751.448 tấn dăm gỗ từ các tỉnh khác xuất khẩu qua cảng Cửa Việt, huyện Gio Linh.
Ngành chức năng cũng đã truy xuất được 2.833 m3 gỗ rừng tự nhiên được nhập khẩu có nguồn gốc hợp pháp, hồ sơ kèm theo đầy đủ, rõ ràng, đúng quy định của pháp luật. Sở Nông nghiệp và PTNT xây dựng quy trình “Xác nhận nguồn gốc gỗ trước khi xuất khẩu” theo Nghị định số 102 trình UBND tỉnh ban hành và đưa vào tổ chức thực hiện. Công tác truy xuất nguồn gốc gỗ và quản lý gỗ xuất nhập khẩu được thực hiện chặt chẽ, theo đúng quy định của pháp luật về quản lý lâm sản nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh, chế biến gỗ tiêu thụ sản phẩm.
Song song với quản lý truy xuất nguồn gốc lâm sản, việc phân loại doanh nghiệp có ý nghĩa quan trọng để được cấp phép FLEGTgiấy phép chứng thực tính hợp pháp của gỗ hoặc sản phẩm gỗ khi xuất khẩu sang thị trường Châu Âu. Theo quy định, khi xuất khẩu một lô hàng sang thị trường châu Âu, doanh nghiệp nhóm I tự lập bảng kê của lô hàng, không cần xác nhận của cơ quan kiểm lâm sở tại và tự chịu trách trách nhiệm về tính hợp pháp của bảng kê về lô hàng đó. Trong lúc đó, doanh nghiệp nhóm II muốn xin cấp phép FLEGT để xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường Châu Âu, tự lập bảng kê của lô hàng và phải có xác nhận của cơ quan kiểm lâm về tính hợp pháp của bảng kê về lô hàng.
Phải đến tháng 6/2022, việc phân loại doanh nghiệp mới có hiệu lực, hiện hệ thống phân loại doanh nghiệp trên trang thông tin điện tử của Cục Kiểm lâm chưa được ban hành. Tuy nhiên căn cứ vào Quyết định số 4044/QĐ-BNN-TCLN ngày 14/10/2020 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc công bố thủ tục hành chính mới ban hành lĩnh vực lâm nghiệp thuộc phạm vi chức năng quản lý của bộ, Sở Nông nghiệp và PTNT đã xây dựng quy trình phân loại doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ trình UBND tỉnh. Đây sẽ là căn cứ để chỉ đạo các sở, ngành liên quan trên địa bàn có kế hoạch chuẩn bị thực hiện.
Mặt khác, thông qua các cuộc kiểm tra truy xuất nguồn gốc lâm sản, Chi cục Kiểm lâm đã quán triệt các điều kiện, tiêu chuẩn về doanh nghiệp loại I đến 48 doanh nghiệp kinh doanh, chế biến gỗ rừng trồng trên địa bàn nhằm giúp doanh nghiệp chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực hiện sản xuất, kinh doanh, chế biến và xuất khẩu gỗ theo Hiệp định đối tác tự nguyện giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu về thực thi Luật Lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT).
Nhằm thực hiện tốt việc truy xuất nguồn gốc lâm sản và phân loại doanh nghiệp, lực lượng kiểm lâm cần tăng cường bám địa bàn, nắm vững tình hình khai thác rừng trên địa bàn để cập nhật diễn biến rừng và đất lâm nghiệp cũng như thống kê chính xác sản lượng gỗ khai thác. Đồng thời ngành chức năng đẩy mạnh công tác kiểm tra các cơ sở kinh doanh, chế biến lâm sản để xác định tính hợp pháp của lâm sản và nắm sản lượng gỗ nhập, xuất của doanh nghiệp. Hướng dẫn các doanh nghiệp cập nhật, ghi chép sổ sách nhập, xuất gỗ và các sản phẩm gỗ và báo cáo nguồn gốc lâm sản theo đúng quy định. Phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định của nhà nước về khai thác, vận chuyển, kinh doanh, chế biến lâm sản.
Đối với công tác phân loại doanh nghiệp, theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Hồng Phương, cần tiếp tục quán triệt nội dung Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu về thực thi Luật Lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản đến tận các doanh nghiệp sản xuất, chế biến và xuất khẩu lâm sản. Đồng thời khuyến cáo và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chuẩn bị các điều kiện cần và đủ để đáp ứng tốt các điều kiện về phân loại doanh nghiệp để sản xuất gỗ, sản phẩm gỗ xuất khẩu sang thị trường Châu Âu.
Việc phân loại doanh nghiệp trên địa bàn phải được điều tra, xác minh theo nội dung của hệ thống phân loại doanh nghiệp, đảm bảo trung thực, chính xác nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cũng như tạo ra môi trường lành mạnh trong phát triển doanh nghiệp kinh doanh chế biến gỗ, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.