Tăng cường kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về dược, an toàn thực phẩm

Sáng 7/5, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tăng cường kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về dược, an toàn thực phẩm. Hội nghị dưới sự chủ trì của ông Đỗ Xuân Tuyên - Thứ trưởng Bộ Y tế.

Ông Trịnh Văn Quyết – Phó Giám đốc Sở Y tế chủ trì Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lâm Đồng

Tại điểm cầu tỉnh Lâm Đồng, ông Trịnh Văn Quyết – Phó Giám đốc Sở Y tế chủ trì Hội nghị; tham dự có lãnh đạo các Sở: Y tế, Công thương, Nông nghiệp và Môi trường, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, cùng cơ quan chuyên môn Phòng Nghiệp vụ Y Dược, Thanh tra Sở Y tế và Chi cục An toàn thực phẩm tỉnh.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh mục đích của Hội nghị tập trung vào 2 nội dung chính: Vấn đề thể chế, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực dược và thực phẩm; vấn đề tổ chức thực hiện tại các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà sản xuất và người dân. Thảo luận những bất cập, vướng mắc để tìm ra giải pháp căn cơ nhằm nâng cao chất lượng quản lý dược, thực phẩm chức năng, đảm bảo an toàn thực phẩm.

SẢN XUẤT, BUÔN BÁN THUỐC GIẢ VẪN CHƯA ĐƯỢC XỬ LÝ TRIỆT ĐỂ

Theo Cục quản lý Dược, các hành vi vi phạm liên quan đến sản xuất, buôn bán thuốc giả vẫn chưa được xử lý triệt để; còn có những vụ việc xảy ra như vụ việc Công an tỉnh Thanh Hóa phát hiện vừa qua.

Các khó khăn, bất cập trong công tác quản lý chất lượng, đấu tranh chống thuốc giả bao gồm: Việc cơ sở bán buôn, bán lẻ mua bán thuốc không có hóa đơn chứng từ, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ là nguyên nhân chính để thuốc giả có thể xâm nhập vào thị trường dược phẩm hợp pháp; tuy nhiên, quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ... còn chưa bảo đảm đủ tính nghiêm khắc, răn đe; chưa phù hợp với mức độ nguy hiểm, tác hại gây ra của hành vi vi phạm; chưa có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng trong thực hiện thủ tục công bố sản phẩm là thiết bị y tế; quy định về quảng cáo thực phẩm chức năng chưa chặt chẽ.

Một bộ phận người dân có thói quen mua thuốc, tự sử dụng thuốc để chữa bệnh theo lời khuyên của người quen, hoặc qua quảng cáo mà không đến khám bệnh tại cơ sở y tế hoặc mua thuốc tại cơ sở cung ứng thuốc hợp pháp. Đặc biệt là tình trạng mua thuốc trên mạng xã hội để tự điều trị, có nguy cơ rất lớn mua phải thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Việc quản lý của chính quyền cơ sở còn nhiều bất cập, một số cơ sở sản xuất thuốc giả trên địa bàn trong thời gian dài nhưng không được chính quyền cơ sở kiểm tra, phát hiện.

Hệ thống kiểm nghiệm thuốc, nguyên liệu làm thuốc của Nhà nước bao phủ toàn bộ các tỉnh, thành phố, tuy nhiên, năng lực kiểm nghiệm chưa đáp ứng yêu cầu. Cho đến nay, số lượng hoạt chất được kiểm tra chất lượng mới đạt khoảng 50% số hoạt chất sử dụng trong phòng chữa bệnh tại Việt Nam.

.

.

MỞ ĐỢT CAO ĐIỂM ĐẤU TRANH CHỐNG THUỐC, SẢN PHẨM BẢO VỆ SỨC KHỎE GIẢ

Phương hướng và đề xuất: Về văn bản quy phạm pháp luật cần rà soát các quy định của pháp luật về xử lý, xử phạt hành vi sản xuất, buôn bán thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ; tăng chế tài xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi sản xuất, buôn bán thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ (trường hợp chưa phải xử lý hình sự); áp dụng các hình phạt bổ sung đối với các tổ chức, cá nhân mua bán thuốc mà không hóa đơn chứng từ, buôn bán thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Siết chặt việc quản lý việc công bố thiết bị y tế, thực phẩm chức năng, trường hợp phát hiện quảng cáo hoặc công bố các thành phần chứa dược chất không đúng quy định cần khẩn trương thu hồi, xử lý. Rà soát các quy định về chức năng, trách nhiệm của các bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố, xã, phường nhằm nâng cao trách nhiệm và hiệu quả quản lý của các cơ quan, đơn vị trong công tác quản lý, kiểm tra giám sát hoạt động sản xuất kinh doanh thuốc, phòng chống sản xuất, buôn bán thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, thuốc không đạt chất lượng...

Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị 17/CT-TTg ngày 19/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền; Công điện số 41/CĐ-TTg ngày 17/4/2025 và số 55/CĐ-TTg ngày 02/5/2025 của Thủ tướng Chính phủ.

Triển khai nghiên cứu xây dựng đề án tổ chức Cơ quan quản lý thuốc, thực phẩm, mỹ phẩm thuộc Bộ Y tế để tăng cao năng lực quản lý đối với thuốc, thực phẩm và mỹ phẩm, giảm sự chồng chéo trong quản lý giữa các đơn vị.

Kế hoạch trong năm 2025 mở đợt cao điểm đấu tranh chống thuốc, sản phẩm bảo vệ sức khỏe giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ; trong đó, chú trọng điều tra, phát hiện các cơ sở, đối tượng sản xuất thuốc, sản phẩm bảo vệ sức khỏe giả hoặc đầu mối tập kết, phân phối các loại thuốc, sản phẩm bảo vệ sức khỏe giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở kinh doanh dược, chú trọng đến kiểm tra nguồn gốc xuất xứ các thuốc, sản phẩm bảo vệ sức khỏe do cơ sở kinh doanh, trường hợp phát hiện các cơ sở kinh doanh thuốc, sản phẩm bảo vệ sức khỏe không có nguồn gốc xuất xứ hợp lệ, cần phối hợp với ngành y tế xác minh nguồn gốc, xử lý nghiêm theo các quy định của pháp luật.

Lãnh đạo Phòng Nghiệp vụ Y Dược - Sở Y tế và các sở, ngành tham dự Hội nghị

TÌNH TRẠNG THỰC PHẨM GIẢ ĐANG DIỄN BIẾN PHỨC TẠP

Theo Cục An toàn thực phẩm, tình trạng thực phẩm giả đang diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng tại Việt Nam trong thời gian gần đây. Hoạt động mua bán, vận chuyển hàng cấm, buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, gian lận thương mại và hàng giả là thực phẩm qua các tuyến biên giới, cửa khẩu đất liền, đường mòn, lối mở biên giới vẫn diễn biến phức tạp. Các sản phẩm giả thường được sản xuất tinh vi, khó phân biệt với hàng thật, và chủ yếu được tiêu thụ qua các kênh bán lẻ, mạng xã hội và sàn thương mại điện tử.

Đầu năm 2025 đã có liên tiếp các vụ việc sản xuất, kinh doanh hàng giả với quy mô lớn, mức độ nghiêm trọng được cơ quan công an phát hiện, khởi tố, điển hình như: Vụ việc sản xuất, buôn bán sữa giả, thuốc chữa bệnh giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả, mì chính, hạt nêm, dầu ăn giả với quy mô lớn, trong thời gian dài, gây bức xúc dư luận.

Khó khăn về pháp lý: Một số quy định pháp luật chưa thực sự chặt chẽ, tạo kẽ hở cho các đối tượng lợi dụng, như việc tự công bố/đăng ký bản công bố sản phẩm đơn giản, trao quyền cho doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm. Các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả hoạt động có tổ chức chặt chẽ, trên địa bàn rộng, liên tỉnh, xuyên quốc gia với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi; lợi dụng chính sách thông thoáng trong đăng ký doanh nghiệp; đăng ký bản công bố sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe để trốn tránh trách nhiệm khi có vi phạm...

Khó khăn trong kiểm soát hoạt động thương mại điện tử: Việc mua bán thực phẩm qua mạng xã hội, các sàn thương mại điện tử, đặc biệt là hàng "xách tay" ngày càng phát triển, khiến việc kiểm soát, giám sát chất lượng trở nên khó khăn. Lực lượng hậu kiểm và kinh phí thực hiện công tác này còn mỏng và thiếu, các vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng... bị phát hiện, xử lý còn chưa tương xứng với tình hình thực tế và yêu cầu nhiệm vụ.

Lãnh đạo Chi cục An toàn thực phẩm tỉnh, các phòng chuyên môn thuộc Sở Y tế; Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tham dự Hội nghị

Đề xuất các giải pháp phòng chống thực phẩm giả: Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tăng cường trách nhiệm phòng chống thực phẩm giả trên địa bàn theo Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 19/6/2018 về việc tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền; Công điện số 40/CĐ-TTg ngày 17/4/2025, Công điện số 41/CĐ-TTg ngày 17/4/2025; Công điện số 55/CĐ-TTg ngày 02/5/2025 của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm; nghiên cứu đề xuất tăng mức chế tài xử phạt đối với vi phạm an toàn thực phẩm; thiết lập hệ thống dữ liệu quốc gia về an toàn thực phẩm liên thông từ trung ương đến địa phương để quản lý và giám sát hiệu quả các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Bộ Công an sớm đưa ra kết luận về các vụ việc sản xuất, buôn bán sữa giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả, mì chính giả để thông tin cho người tiêu dùng về mức độ nguy hại của các sản phẩm này.

Bộ Công Thương tăng cường chỉ đạo kiểm tra, xử lý vi phạm đối với việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, gian lận thương mại trên thị trường là thực phẩm theo phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm tại Điều 64 Luật An toàn thực phẩm và Điều 39 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP; tăng cường quản lý các sàn thương mại điện tử nhằm phòng ngừa, ngăn chặn việc giả mạo giấy tờ, tài liệu của cơ quan, tổ chức để kinh doanh thực phẩm.

Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công thương, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch phối hợp với Bộ Y tế tiếp tục tăng cường công tác hậu kiểm, rà soát xử lý các vi phạm về quảng cáo sản phẩm thực phẩm, tập trung đối với các sản phẩm kinh doanh trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, ứng dụng thương mại điện tử bán hàng, website thương mại điện tử bán hàng và các gian hàng kinh doanh trên các ứng dụng, sử dụng người nổi tiếng để quảng cáo sản phẩm; xử lý vi phạm theo quy định, đặc biệt xử lý nghiêm đối với người nổi tiếng vi phạm quy định về quảng cáo sản phẩm thực phẩm.

Các bộ, ngành tiếp tục công tác truyền thông, vận động quần chúng nhân dân đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, ứng dụng công nghệ thông tin để kịp thời cảnh báo thực phẩm không bảo đảm an toàn, công khai cơ sở vi phạm để người dân biết...; phát huy và thực hiện đúng trách nhiệm của các bộ quản lý chuyên ngành và UBND các cấp trong phân công, phối hợp quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.

UBND các tỉnh, thành phố phối hợp với Cơ quan cảnh sát điều tra - Bộ Công an xử lý, giải quyết các vụ việc đã được phát hiện theo quy định; chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tăng cường hậu kiểm các sản phẩm có nguy cơ dễ bị làm giả, nhất là các sản phẩm dùng cho các đối tượng nhạy cảm trên địa bàn, lấy mẫu kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn và các chỉ tiêu chất lượng mà doanh nghiệp đã công bố; xử lý nghiêm các vi phạm và chuyển ngay cơ quan cảnh sát điều tra nếu có dấu hiệu hình sự.

Tăng cường công tác truyền thông, phối hợp với cơ quan báo chí, mạng xã hội để tuyên truyền hậu quả của việc sản xuất - tiêu thụ hàng giả; hướng dẫn người dân cách phân biệt hàng thật - hàng giả, đồng thời tăng cường ý thức tố giác tội phạm từ cộng đồng.

AN NHIÊN

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/xa-hoi/202505/tang-cuong-kiem-tra-viec-chap-hanh-cac-quy-dinh-phap-luat-ve-duoc-an-toan-thuc-pham-ac228bd/