Tăng cường kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về dược, an toàn thực phẩm

Sáng 7/5, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tăng cường kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về dược, an toàn thực phẩm (ATTP). Hội nghị do Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên chủ trì. Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Nam Định có đồng chí Trần Lê Đoài, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Sở Y tế cùng đại diện các sở, ngành liên quan.

Đồng chí Trần Lê Đoài, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Nam Định.

Đồng chí Trần Lê Đoài, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Nam Định.

Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe báo cáo về các biện pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, đặc biệt là việc phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, buôn bán thuốc và thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả, nhằm bảo vệ sức khỏe nhân dân. Trong thời gian qua, công tác quản lý chất lượng và phòng, chống thuốc giả luôn được Chính phủ, Bộ Y tế và các ngành chức năng quan tâm. Bộ Y tế đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an phát hiện, xử lý nhiều vụ việc nghiêm trọng, điển hình như vụ thuốc giả tại Thanh Hóa. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 41 và Công điện số 55 nhằm chỉ đạo xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm. Bộ Y tế đã tổ chức nhiều cuộc họp liên ngành, ban hành các văn bản chỉ đạo, công khai danh sách thuốc giả và xây dựng kế hoạch hành động cụ thể. Hiện nay, ngành dược Việt Nam có hơn 238 nhà máy đạt tiêu chuẩn GMP-WHO và khoảng 20 nghìn thuốc có số đăng ký còn hiệu lực. Hành lang pháp lý cho công tác đấu tranh với thuốc giả được quy định rõ ràng trong Luật Dược, Bộ luật Hình sự và các nghị định, chỉ thị liên quan.

Tình trạng sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thực phẩm giả, kém chất lượng thời gian qua diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng, nhất là đối với các mặt hàng như sữa bột, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, gia vị… Các sản phẩm này được làm giả tinh vi, khó phân biệt với hàng thật, chủ yếu tiêu thụ qua mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử. Trong giai đoạn 2020-2024, cơ quan chức năng đã xử lý hàng trăm vụ vi phạm liên quan đến thực phẩm giả, trong đó nhiều vụ có dấu hiệu hình sự. Bộ Y tế đã phối hợp các ngành chức năng triển khai nhiều giải pháp như tăng cường thanh tra, hậu kiểm, thu hồi sản phẩm vi phạm, cảnh báo người tiêu dùng và nâng cao nhận thức cộng đồng. Công tác này được thực hiện theo hướng liên ngành, dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về ATTP và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia.

Tại tỉnh Nam Định, công tác đảm bảo ATTP luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự vào cuộc của chính quyền các cấp, các hội, đoàn thể, sự tham gia phối hợp tích cực, có hiệu quả của các đơn vị đúng theo các kế hoạch đề ra một cách nghiêm túc, đồng bộ. Ban chỉ đạo liên ngành VSATTP các cấp đã triển khai công tác đảm bảo ATTP Tết Nguyên đán Ất Tỵ, mùa Lễ hội Xuân 2025, ban hành kế hoạch, các văn bản triển khai thực hiện Tháng hành động vì ATTP năm 2025. Công tác thông tin tuyên truyền về ATTP được triển khai có hiệu quả, nội dung đa dạng, dễ tiếp cận. Từ đầu năm 2025 đến nay, toàn tỉnh thành lập 190 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành ATTP; thanh, kiểm tra 1.827 cơ sở; cấp giấy chứng nhận 37 cơ sở đủ điều kiện ATTP.

Tại hội nghị, các đại biểu đã nêu rõ thực trạng, nguyên nhân, những khó khăn, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ như: chế tài xử lý vi phạm có lúc còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe; quy định về quảng cáo thực phẩm chức năng chưa rõ; một bộ phận người dân có thói quen tự mua thuốc, không yêu cầu nơi bán cung cấp giấy tờ chứng minh nguồn gốc thuốc; cơ sở sản xuất thuốc giả nhỏ lẻ, ở vùng hẻo lánh khó phát hiện; trình độ kiểm nghiệm thuốc giữa các trung tâm không giống nhau.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên yêu cầu các bộ, ngành liên quan, các tỉnh, thành phố, các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế bám sát các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để thực hiện tốt mọi nhiệm vụ được giao. Tiếp tục phát huy vai trò, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý và đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền các quy định của pháp luật về bảo đảm ATTP. Từ đó, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng trong lựa chọn, mua và sử dụng các sản phẩm thuốc, thực phẩm chức năng. Vận động doanh nghiệp chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh thuốc, thực phẩm chức năng. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm, góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Tin, ảnh: Việt Thắng

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/tin-tuc-su-kien/202505/tang-cuong-kiem-tra-viec-chap-hanh-cac-quy-dinh-phap-luat-ve-duoc-an-toan-thuc-pham-f515492/