Tăng cường liên kết doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp FDI
Tính liên kết của doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp FDI còn hạn chế do nội lực doanh nghiệp Việt yếu; Nâng cao năng lực cho doanh nghiệp nội là bài toán rất cần quan tâm giải quyết, để mối liên kết này hiệu quả như mục tiêu thu hút đầu tư FDI của Việt Nam…
Đây là khẳng định của các chuyên gia tại Tọa đàm “Liên kết doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp FDI để tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu” do Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, Đại học kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức sáng nay 5/12.
Mục tiêu của Việt Nam trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI là góp phần phát triển kinh tế, tăng thu ngân sách, giải quyết việc làm cho lao động Việt, tiếp thu khoa học công nghệ hiện đại, cùng mô hình kinh doanh và kỹ năng quản trị doanh nghiệp tiên tiến của thế giới. Thực tế, thời gian qua, hoạt động này đã có những kết quả đáng ghi nhận, nhưng chưa thực sự “tươi sáng”- chưa khẳng định được hiệu quả mục tiêu thu hút FDI.
“Việt Nam là điển hình hội nhập trên thế giới, không chỉ phát triển về mặt thương mại quốc tế mà điển hình thành công hút vốn FDI. Tuy nhiên, FDI vào Việt Nam - con số rất lớn bên cạnh rất nhiều các thành tựu mà FDI đã đóng góp - đóng góp về GDP, đóng góp đặc biệt về xuất khẩu, tạo công ăn việc làm và rất nhiều vấn đề khác. Bản thân các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã nhận được những giá trị lan tỏa từ các doanh nghiệp FDI. Nhưng thực sự doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia được và có được vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu bên cạnh các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam hay chưa đây là một vấn đề”, PGS.TS Nguyễn Anh Thu, Phó Hiệu trưởng Đại học kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội nhìn nhận.
Ông Simon Kreye, Phó Đại sứ Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam đồng thuận quan điểm này và khẳng định: hiện có hơn 500 doanh nghiệp Đức đang đầu tư, phát triển tại Việt Nam. Xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng vào Việt Nam đã diễn ra kể từ khi Việt Nam ký các Hiệp định thương mại tự do, song phương với các quốc gia EU và càng tăng cường kể từ khi các quốc gia này áp dụng chiến lược Trung Quốc cộng 1. Các doanh nghiệp Đức đã và đang hưởng lợi nhiều từ chính sách thu hút FDI của Việt Nam nhưng tính liên kết của doanh nghiệp hai bên chưa được thể hiện nhiều. Đây là bài toán với các nhà hoạch định chính sách.
“Đức là 1 trong đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam trong số các quốc gia EU, với tổng giá trị đầu tư là khoảng 2,4 tỷ Euro với khoảng 450 dự án đang triển khai, tạo khoảng trên dưới 50.000 việc làm. Chính phủ Việt Nam đã có nhiều chính sách hỗ trợ sự tham gia của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong các ngành công nghiệp và các chuỗi giá trị. Dù vậy, công ty của Việt Nam mới chỉ tham gia vào những thang bậc thấp trong chuỗi giá trị toàn cầu mà thôi và vẫn chưa được kết nối đầy đủ với doanh nghiệp FDI. Làm được điều đó là mục tiêu rất quan trọng để các doanh nghiệp của Việt Nam tăng cường năng lực sản xuất cũng như hội nhập sâu chuỗi cung ứng toàn cầu”, ông Simon Kreye cho biết.
Để đạt được mục tiêu, yêu cầu doanh nghiệp Việt phải tích cực, chủ động tăng cường liên kết với doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, nhưng cũng rất cần nhận diện những tác động chính sách từ cấp vĩ mô.
“Cần kéo dài thêm chương trình hỗ trợ doanh nghiệp. Tôi muốn kéo dài đến 31/12/2025. Tôi nhìn thì khó khăn của doanh nghiệp còn rất nhiều. Bây giờ nói nhiều đến gọi là quan hệ hoặc những mô hình kinh tế mới, semiconductor, rồi chuyển đổi xanh…. tất cả mọi việc đều làm phải có nền tảng. Hay xem thử chúng ta có cơ hội gì, năng lực đến đâu và chúng ta phải làm vì ta không phụ thuộc vào bên ngoài. Có lẽ phải tư duy lại có tư duy đột phá và cách nhìn dài hạn hơn chứ còn lặt vặt, nhìn lụn vụn thì lại sẽ ách tắc”, TS. Nguyễn Đình Cung, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương nói.
Trong khi đó, TS. Nguyễn Quốc Việt – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế - chính sách khuyến nghị rà soát, đánh giá lại toàn thể các chính sách hỗ trợ cũng như hoàn thiện môi trường kinh doanh, đặc biệt chú trọng nâng cao năng lực cạnh tranh cho toàn bộ nền kinh tế nói chung và khu vực doanh nghiệp nội địa nói riêng.
“Duy trì mối liên kết giữa các Hiệp hội tổ chức quốc tế với các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam để có chính sách phù hợp; cuối cùng hệ sinh thái các doanh nghiệp của chúng ta phải liên kết với doanh nghiệp hoặc trường đại học cung ứng các dịch vụ chuyển giao công nghệ hay đổi mới sáng tạo, kể cả là sự thay đổi mô hình quản lý mô hình kinh doanh cho đến cung cấp và cung ứng đào tạo nhân lực”, TS. Nguyễn Quốc Việt nêu quan điểm.
Nhận định công nghiệp hỗ trợ là thị trường đang và sẽ có nhu cầu lớn, cũng đang và sẽ tiếp tục tạo thời cơ – thuận lợi thu hút đầu tư cho Việt Nam, các chuyên gia dẫn chứng, việc đảm bảo nguồn cung nguyên vật liệu, linh phụ kiện cho hoạt động này hết sức quan trọng nhưng khả năng đáp ứng của doanh nghiệp Việt hiện chỉ đạt khoảng 36% - thấp hơn nhiều so với Trung Quốc và Ấn Độ; 1/2 doanh nghiệp FDI đã có chứng chỉ chất lượng ISO 9001 trong quản lý chất lượng, nhưng doanh nghiệp Việt có chứng chỉ diện này hiện chỉ đạt chưa tới 10%…
Dẫn chứng về một lĩnh vực đang rất được quan tâm ở thời điểm này, các chuyên gia cũng đồng thời khẳng định, nếu không sớm quan tâm và thúc đẩy nâng cao năng lực cạnh tranh cho cộng đồng doanh nghiệp Việt thì hiệu quả thu hút FDI sẽ không cải thiện nhiều trong thời gian tới. Vì thế, phải làm tốt điều này, bởi đó là điều kiện cần để bức tranh kinh tế Việt Nam thực sự tươi sáng hơn với những dấu ấn đậm nét hơn ở chuỗi cung ứng toàn cầu, trong nỗ lực thu hút FDI.