Tăng cường liên kết, tạo cơ hội thực hành cho người học nghề
Các doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần phối hợp để có chương trình đào tạo linh hoạt, đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, thị trường trên cơ sở các chuẩn đầu ra của ngành và của trường.
Ngày 15/2, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) tổ chức hội nghị "Đưa học sinh, sinh viên năm cuối đi thực hành, thực tập tại doanh nghiệp."
Thực tế cho thấy, do đại dịch COVID-19 khiến học sinh, sinh viên của các trường thuộc khối giáo dục nghề nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức hơn.
Các sinh viên phải được đào tạo tay nghề thông qua trải nghiệm thực tế trên các máy móc, thiết bị, hoạt động dịch vụ trực tiếp, do vậy, việc đến trường học tập, đến trải nghiệm nghề thực tế tại doanh nghiệp đối với các sinh viên, nhất là sinh viên năm cuối rất quan trọng.
Theo thống kê của thống kê của riêng Thành phố Hồ Chí Minh, nhu cầu về lao động qua đào tạo đến quý 4/2021 là 87,14%, trong đó lao động đại học chiếm 20% còn lại là cao đẳng đại học, trung cấp và sơ cấp. Nhu cầu lao động không qua đào tạo chỉ chiếm 10%.
Thực tế này cho thấy, nhu cầu về nguồn lao động qua đào tạo là rất lớn, nhất là hiện nay, khi các doanh nghiệp đang đẩy mạnh phục hồi sản xuất, hoàn thiện các kế hoạch năm 2021 chưa làm xong.
Nhiều đại biểu cho rằng trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, việc liên kết giữa nhà trường, doanh nghiệp không chỉ mang lại hiệu quả trong công tác đào còn cả trong việc thực tập, thực hành nhằm giúp học sinh, sinh viên vững tay nghề sau khi đi làm việc.
Tuy nhiên, do dịch bệnh và nhu cầu của thị trường ngày càng phát triển nên việc đào tạo cũng như yêu cầu về kỹ năng của học sinh, sinh viên đã có những thay đổi.
Việc đào tạo học sinh, sinh viên đa kỹ năng là đúng và phù hợp trong điều kiện hiện nay. Vì vậy, các trường cần xem doanh nghiệp nào đang có nhu cầu cấp thiết, sau đó lựa chọn số lượng học sinh, sinh viên phù hợp đi thực tập.
Bên cạnh đó, trước những yêu cầu của doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp nên đẩy mạnh việc kết hợp với các doanh nghiệp để đưa ra được những dự đoán về số lượng lao động cụ thể, từ đó tạo thuận lợi cho nhà trường trong công tác đào tạo, hạn chế tình trạng thừa hoặc thiếu việc làm sau khi đào tạo. Chương trình đào tạo phải linh hoạt, có thể đào tạo, thực hành ngoài giờ, ngày nghỉ chứ không cứng nhắc trong vòng 8 tiếng.
Tiến sỹ Phạm Vũ Quốc Bình, Phó tổng Cục trưởng Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết thời gian giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19 kéo dài khiến học sinh, sinh viên ở một số trường nghề chưa được thực hành, thực tập. Điều này phần nào ảnh hưởng đến chất lượng đầu ra.
Hiện nay, khi các hoạt động được mở lại ở trạng thái bình thường mới, nhà trường và doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ nhằm tạo điều kiện thực hành, thực tập để nâng cao kỹ năng tay nghề cho học sinh sinh viên.
Các doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần phối hợp để có chương trình đào tạo linh hoạt, đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, thị trường trên cơ sở các chuẩn đầu ra của ngành và của các trường.
Thời gian tới Tổng Cục giáo dục nghề nghiệp sẽ phối kết hợp với các đơn vị liên quan xây dựng chuẩn nhà giáo giáo dục nghề nghiệp để thu hút nhân lực vào hệ thống đào tạo, đồng thời bảo đảm chất lượng nguồn lao động./.