Tăng cường liên kết vùng kinh tế trọng điểm bắc bộ thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài
Mục tiêu của nghiên cứu này là đề xuất các giải pháp để tăng cường liên kết vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ nhằm thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thời gian tới. Thông qua số liệu điều tra và phân tích các nhân tố tác động ảnh hưởng đến liên kết vùng trong thu hút FDI, bài viết sử dụng phương pháp phân tích nhân tố khám phá (EFA) để đánh giá tình hình liên kết vùng trong thu hút vốn FDI vào vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Kết quả cho thấy, có 4 nhân tố chính: Cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đặc điểm tự nhiên ảnh hưởng, chính sách ưu đãi, nguồn nhân lực có tác động nhất định đến liên kết vùng kinh tế trọng điểm để thu hút FDI vào vùng kinh tế trọng điểm.
1. Đặt vấn đề
Muốn đẩy mạnh thu hút FDI vào một vùng kinh tế nói chung, các địa phương trong vùng cần phải thực hiện quá trình liên kết và hợp tác chặt chẽ với nhau, để đưa ra một mô hình xúc tiến đầu tư chung cho toàn vùng. Mỗi địa phương không nên trải thảm đỏ mời gọi nhà đầu tư đến với bằng các dự án trùng lắp, mà cùng nhau xây dựng một không gian kinh tế thống nhất nhằm phát huy lợi thế so sánh của từng địa phương, tạo sự phối hợp và hỗ trợ hiệu quả, hạn chế sự cạnh tranh, tạo ra sự phát triển hài hòa, bền vững vì lợi ích của từng địa phương, của toàn vùng và cả nước.
Thời gian qua, vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) Bắc Bộ đã có nhiều thành công trong thu hút FDI, tuy nhiên, so với các vùng khác chưa tương xứng với tiềm năng. Vì thế, cần có giải pháp tăng cường liên kết vùng KTTĐ Bắc Bộ nhằm đẩy mạnh thu hút FDI trong thời gian tới.
2. Lý luận về liên kết vùng kinh tế trọng điểm
Liên kết vùng là phát triển mối quan hệ giữa không gian kinh tế với không gian tự nhiên, sinh thái, xã hội và không gian chính sách, thể chế để tạo ra lợi thế cạnh tranh cho vùng, quốc gia, là cơ sở để phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Liên kết kinh tế vùng sự liên kết giữa các chủ thể kinh tế khác nhau trong một vùng, dựa trên lợi ích kinh tế là chính, nhằm phát huy lợi thế so sánh, tạo ra tính cạnh tranh kinh tế cao hơn cho một vùng.
Liên kết vùng trọng điểm là liên kết các lĩnh vực mang tính hợp tác bổ sung lẫn nhau giữa các địa phương có những nét tương đồng về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, phân bố dân cư, hội tụ đầy đủ nhất các điều kiện phát triển và có ý nghĩa quyết định đối với nền kinh tế cả nước nhằm tăng cường sức hút, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của các địa phương trong vùng. Phương thức liên kết rất đa dạng, đó có thể là tập trung phát triển một hạt nhân trung tâm, xung quanh là các vệ tinh, hoặc có thể là một thành phẩm được đưa qua nhiều giai đoạn mà mỗi địa phương đảm nhận một vai trò trong chuỗi giá trị sản phẩm đó.
3. Phương pháp nghiên cứu
Bài viết sử dụng phương pháp nghiên cứu mô hình hồi quy sử dụng dữ liệu phân tích các nhân tố khám phá EFA. Qua lược khảo các tài liệu nghiên cứu và tham vấn chuyên gia, tác giả xác định các tiêu chí được cho là có ảnh hưởng đến liên kết vùng trong thu hút FDI, các biến được diễn giải tại Bảng 1.
Nghiên cứu được tiến hành thông qua 2 bước sau:
Bước 1: Nghiên cứu định tính bằng xây dựng phát triển hệ thống khái niệm/thang đo và các biến quan sát và hiệu chỉnh biến quan sát phù hợp với thực tế.
Bước 2: Nghiên cứu định lượng, sử dụng hệ số tin cậy Cronbach Alpha để kiểm định mức độ chặt chẽ mà các mục hỏi trong thang đo tương quan với nhau; Phân tích EFA được sử dụng để xác định các nhân tố chính tác động đến liên kết vùng trong thu hút FDI. Đây là phương pháp phân tích hiệu quả trong việc tìm ra các nhóm nhân tố ảnh hưởng đến mục tiêu nghiên cứu, đồng thời xác định tầm quan trọng của từng nhân tố trong nhóm nhân tố.
4. Kết quả và thảo luận
4.1 Thực trạng liên kết vùng trong thu hút FDI
4.1.1. Văn bản pháp luật liên quan đến liên kết Vùng KTTĐ Bắc Bộ trong thu hút FDI
Nhằm nâng cao vị thế của vùng KTTĐ Bắc Bộ, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và khoa học công nghệ của cả nước, ngày 25/01/2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 198/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng KTTĐ Bắc Bộ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Trên cơ sở đó, ngày 4/7/2014, UBND TP. Hà Nội ban hành Chương trình số 161/CTr-UBND triển khai thực hiện Chương trình triển khai kế hoạch điều phối phát triển Vùng KTTĐ Bắc Bộ giai đoạn 2017-2020, trong đó, có nhiều nội dung quan trọng về kinh tế, xã hội, văn hóa, môi trường...
Về khung khổ pháp lý, để góp phần tổ chức điều phối phát triển các vùng KTTĐ. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 3 quyết định: (i) Thành lập Tổ chức điều phối phát triển các vùng KTTĐ giai đoạn 2015-2020 (Quyết định số 941/QĐ-TTg ngày 25/6/2015); (ii) Thành lập Ban chỉ đạo, Hội đồng vùng KTTĐ giai đoạn 2015-2020 (Quyết định số 2059/QĐ-TTg ngày 24/11/2015); (iii) Quy chế tổ chức hoạt động và phối hợp của Tổ chức Điều phối phát triển các vùng KTTĐ giai đoạn 2015-2020 (Quyết định số 2360/QĐ-TTg ngày 22/12/2015). Luật Quy hoạch cũng được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 4 và có hiệu lực thi hành từ 01/01/2019.
4.1.2 Liên kết vùng trong xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ thu hút đầu tư FDI
Thời gian qua, Quảng Ninh và Hải Phòng đã ký kết nhiều chương trình hợp tác phát triển. Trong đó, phải kể đến hợp tác tăng cường triển khai các giải pháp đẩy mạnh liên kết vùng, hợp tác đầu tư, xây dựng chiến lược, quy hoạch, nhất là quy hoạch có tính chất liên vùng, quy hoạch xây dựng hạ tầng, quy hoạch phát triển du lịch. Đến nay, đã có nhiều dự án quan trọng được triển khai và hoàn thành với sự phối hợp cùng các tỉnh lân cận như: Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh trên các lĩnh vực hạ tầng cảng biển, đường sắt, đường bộ. Điển hình như: Dự án đường nối TP. Hạ Long với cầu Bạch Đằng; dự án cầu Bạch Đằng đường dẫn và nút giao cuối tuyến; đường nối từ cao tốc Hạ Long - Hải Phòng với Khu công nghiệp Nam Tiền Phong và các dự án khác để tăng cường hệ thống hạ tầng trong Tỉnh, tạo điều kiện khớp nối kết cấu hạ tầng trong vùng... Các dự án đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Vùng Đồng bằng sông Hồng, Vùng KTTĐ Bắc Bộ nói chung và tỉnh Quảng Ninh nói riêng.
4.1.3 Liên kết vùng trong đào tạo phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho thu hút FDI
Các đề án như: (i) “Dự báo nhu cầu và chương trình đào tạo nghề chất lượng cao cho 3 vùng KTTĐ” của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; (ii) Các địa phương trong vùng KTTĐ phối hợp với các trường đại học trên địa bàn mở các lớp đào tạo liên kết trình độ sau đại học, đại học, cao đẳng, trung cấp… đáp ứng nhu cầu bổ sung lao động chất lượng cao cho các địa phương trong vùng; (iii) Ban quản lý các Khu công nghiệp, khu chế xuất ở các tỉnh đã thông qua Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Kế hoạch và Đầu tư tiến hành ký trực tiếp các liên kết đào tạo với các trường đại học, nhất là các trường đại học thuộc các ngành kỹ thuật. Nhiều chương trình liên kết đào tạo được thực hiện, đặc biệt là liên kết đào tạo của Hà Nội với các địa phương khác trong vùng. Tuy vậy, việc phối hợp liên kết trong đào tạo nguồn nhân lực trong Vùng còn nhiều hạn chế chưa được triển khai một cách bài bản, liên kết đào tạo cũng chưa có những quy hoạch chung về nguồn nhân lực cho vùng...
4.2. Các nhân tố ảnh hưởng đến liên kết vùng trong thu hút FDI tại vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ
Để nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến liên kết vùng trong thu hút FDI, tác giả thực hiện mô hình EFA với 25 biến và 245 mẫu. Thang đo Likert 5 mức độ được sử dụng để đánh giá mức độ ảnh hưởng của các biến quan sát từ “Hoàn toàn không đông ý” đến “Hoàn toàn đồng ý”. Sau khi kiểm định hệ số Cronbach Alpha qua 2 vòng để đánh giá độ tin cậy của thang đo, đã tìm được 6 nhóm nhân tố với hệ số Cronbach Alpha nằm trong khoảng từ 0.677 đến 0.919, chứng tỏ thang đo là phù hợp. Vì vậy, 6 nhóm nhân tố đo lường được sử dụng trong phân tích nhân tố tiếp theo.
Kết quả phân tích EFA cho các kiểm định được đảm bảo: (KMO = 0.768> 0.50, thõa mãn yêu cầu để thực hiện EFA. Hơn nữa, theo Kaiser(1974), nếu KMO > 0.70 : ĐƯỢC, mà theo kết quả này, KMO = 0.768>0.7 nên mô hình được, tốt cho việc thực hiện EFA. Đồng thời, kiểm định Bartlett về tương quan của các biến quan sát Sig. = 0.000 < 0.05, ta có thể từ chối giả thuyết H0 (ma trận tương quan là ma trận đơn vị), nghĩa là các biến có quan hệ với nhau nên ta có thể thực hiện EFA.
R2 đã hiệu chỉnh là 0.726(72.6%) => 72.6 % thay đổi của biến phục thuộc LKV được giải thích bởi 6 biến độc lập CSHTKT, CSHTXH, CSUD, CSHT, DDTN, NNL, điều này cho thấy, mối quan hệ giữa các biến trong mô hình có mối tương quan chặt chẽ.
Nhìn vào bảng Coefficients: (i) VIF(Variance Inflation Factor, độ phóng đại phương sai) < 10, vì vậy không có hiện tượng đa cộng tuyến.
Từ kết quả phân tích hồi quy, tác giả xây dựng mô hình sau:
LKV = 1.876 + 0.254 * CSHTKT + -0.031*CSHTXH + 0.075*DDTN + 0.125*NNL + 0.034*CSUD + 0.116 *CSHT
Mô hình trên giải thích được 72,6% sự thay đổi của biến Y là do các biến độc lập trong mô hình tạo ra, còn lại 27,4% biến thiên được giải thích bởi các biến khác nằm ngoài mô hình mà trong phạm vi đề tài chưa thể nghiên cứu được. Giá trị Beta cho thấy, cơ sở hạ tầng kỹ thuật ảnh hưởng lớn đến liên kết vùng, với 25,4%, đặc điểm tự nhiên ảnh hưởng đến 7,5% liên kết vùng và chính sách ưu đãi ảnh hưởng đến 3,4% liên kết vùng, giá trị hồi quy chuẩn hóa của nguồn nhân lực ảnh hưởng đến 12,5% liên kết vùng. Chỉ CSHTXH ảnh hưởng ngược chiều 3,1% đến liên kết vùng trong thu hút FDI. Điều này cho thấy, các lãnh đạo địa phương chưa quan tâm đến phát triển cơ sở hạ tầng xã hội để liên kết vùng trong thu hút FDI.
5. Kết luận và đề xuất
5.1. Kết luận
Mặc dù, đã có nhiều phương pháp để tăng cường liên kết vùng nhằm thu hút FDI, nhưng hiệu quả mang lại chưa cao, chưa đảm bảo tính bền vững trong thu hút cho cả vùng KTTĐ Bắc Bộ và phát huy thế mạnh của từng tỉnh. Việc phân tích các nhân tố tác động ảnh hưởng đến liên kết vùng trong thu hút FDI là căn cứ để đánh giá tình hình liên kết vùng trong thu hút vốn FDI vào vùng KTTĐ Bắc bộ; đồng thời là cơ sở lựa chọn các biện pháp phù hợp nhằm tăng cường liên kết để thu hút vốn FDI hiệu quả. Qua phân tích cho thấy, có nhiều nhân tố ảnh hưởng đến liên kết vùng để thu hút vốn FDI vào vùng KTTĐ. Vì vậy, cần quan tâm hoàn thiện các nhân tố một cách hiệu quả để tăng cường liên kết vùng trong thu hút FDI.
5.2. Một số gợi ý đề xuất
Thứ nhất, liên kết vùng trong hoạch định chính sách hỗ trợ, ưu đãi đồng bộ để thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài: Hướng dẫn, thông tin và tư vấn cho các nhà đầu tư lựa chọn mục tiêu và lĩnh vực đầu tư; tìm nguồn vốn, môi giới giữa quỹ phát triển vùng với các dự án đầu tư, giúp quỹ lựa chọn các dự án khả thi để tài trợ. Các địa phương trong vùng cần phối hợp trong thực thi chính sách thu hút, ưu đãi đầu tư của trung ương và địa phương nhất quán và minh bạch, chăm sóc tốt nhà đầu tư tại chỗ…
Thứ hai, liên kết đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ nhu cầu lao động của kinh tế vùng, khu vực FDI: Có chính sách khuyến khích đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; Thực hiện tốt chính sách xã hội hóa giáo dục, nhằm nâng cao tay nghề, kỹ năng quản lý sản xuất hiện đại cho người lao động...
Thứ ba, liên kết đồng bộ, hiện đại kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội: Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trong nước đồng bộ, hiện đại để kết nối với hạ tầng giao thông khu vực; Ưu tiên các công trình có tính lan tỏa, đảm bảo kết nối các phương thức vận tải, các trung tâm kinh tế lớn, các vùng KTTĐ, các cửa ngõ, đầu mối giao thông quan trọng gắn với mạng lưới hạ tầng giao thông trong các liên kết khu vực.
Phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế và hạ tầng xã hội làm động lực để phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Đối với các công trình đầu tư mang tính xã hội, công ích có tính chất liên ngành, cần nghiên cứu cụ thể thực thi mối liên kết hàng dọc có tính quy định và chịu trách nhiệm cụ thể, phân công trách nhiệm rõ ràng và chịu tính chế tài cụ thể…
Tài liệu tham khảo:
Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hải Phòng, Quảng Ninh, (2016, 2017, 2018, 2019), Báo cáo về tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài;
Nguyễn Văn Huân: Liên kết vùng – Từ lý luận đến thực tiễn, Viện Kinh tế Việt Nam, H.2012;
Trần Thị Tuyết Lan (2014), Đầu tư trực tiếp nước ngoài theo hướng phát triển bền vững ở vùng KTTĐ Bắc Bộ, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh;
Nguyễn Thị Ái Liên (2011), Môi trường đầu tư với hoạt động thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam;
Trần Văn Lưu (2000), Nghiên cứu các giải pháp cơ bản nhằm thu hút nguồn vốn FDI đầu tư vào Hà Nội giai đoạn 2001-2005, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội;
Charkrabarti, A., 2001. The Determinants of Foreign Direct Investment: Sensitivity Analyses of Cross-Country Regressions. Kyklos, 54(1), pp. 89-114.