Tăng cường năng lực cấp cứu tim mạch từ lý thuyết đến thực hành
Chiều 19/4, hơn 250 bác sĩ trong và ngoài tỉnh tham dự hội thảo 'Cải thiện tỷ lệ sống trong hồi sức cấp cứu tim mạch – từ lý thuyết đến thực hành' do Bệnh viện Chợ Rẫy tổ chức tại TP. Phan Thiết.

Các đại biểu tham dự hội thảo.
Tại hội thảo, các chuyên gia đến từ Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ nhiều nội dung chuyên sâu liên quan đến cấp cứu tim mạch. Đó là kiểm soát dịch ở bệnh nhân tim mạch nặng; xử trí sốc tim do nhồi máu cơ tim cấp – nên tiếp tục điều trị nội khoa hay can thiệp dụng cụ cơ; kiểm soát nhiễm khuẩn trong hồi sức tim mạch; phòng ngừa huyết khối tĩnh mạch ở bệnh nhân nặng. Ngoài ra, các ca bệnh lâm sàng cũng được đưa ra thảo luận, tạo điều kiện cho các bác sĩ cập nhật kiến thức thực tiễn và trao đổi kinh nghiệm chuyên môn.

Các bác sĩ tham dự hội thảo.

Các chuyên gia của Bệnh viện Chợ Rẫy củng Tiến sĩ bác sĩ Đặng Thức Anh Vũ - Giám đốc Sở Y tế (Thứ 2 từ phải sang), bác sĩ chuyên khoa II Lê Huỳnh Phúc – Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận (thứ 3 từ trái sang)
Trong cấp cứu tim mạch, mỗi giây trôi qua đều là cơ hội để giành lại sự sống cho người bệnh. Chính vì vậy, việc xây dựng một hệ thống hồi sức cấp cứu tim mạch hiệu quả ngay tại địa phương không chỉ góp phần giảm tỷ lệ tử vong, mà còn giúp giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên, rút ngắn thời gian điều trị, giảm chi phí cho người bệnh. Đồng thời, nâng cao năng lực chuyên môn cho y tế tuyến tỉnh.

Bác sĩ chuyên khoa II Lê Huỳnh Phúc – Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận
Tại hội thảo, bác sĩ chuyên khoa II Lê Huỳnh Phúc – Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận cho biết: Bệnh lý tim mạch hiện là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại Việt Nam và trên thế giới. Trong bối cảnh đó, việc nâng cao năng lực cấp cứu và điều trị tim mạch tại các bệnh viện tuyến tỉnh là nhiệm vụ chiến lược, cấp thiết. Những kiến thức được chia sẻ hôm nay sẽ sớm được áp dụng vào thực tiễn, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc và điều trị người bệnh tại địa phương. Cùng với đó, là hướng tới mục tiêu cải thiện tỷ lệ sống còn trong các ca cấp cứu tim mạch – phục vụ người bệnh ngày càng tốt hơn, hiệu quả hơn và nhân văn hơn.