Tăng cường năng lực triển khai PPP lĩnh vực y tế
Thực tiễn cho thấy, thời gian qua khu vực tư nhân đã tham gia vào cung cấp các dịch vụ khám, chữa bệnh… trong lĩnh vực y tế khá tốt, góp phần giảm áp lực cho khu vực công lập. Do đó, cần tăng cường năng lực huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân tham gia cung ứng các dịch vụ công, trong đó có lĩnh vực y tế theo hình thức đối tác công - tư (PPP).
Số liệu khảo sát, điều tra của các chuyên gia y tế thuộc Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, tại Việt Nam hiện có 12 chuỗi bệnh viện y tế tư nhân với 240 bệnh viện, phân bổ trên địa bàn 50 tỉnh/thành trên cả nước và hơn 35.000 phòng khám tư, cung cấp khoảng 31,2% dịch vụ khám chữa bệnh nội trú và ngoại trú. Trong đó, chuỗi bệnh viện tư Hoàn Mỹ là lớn nhất có 13 bệnh viện, 6 phòng khám; tiếp đến chuỗi Saigon Eye với 9 bệnh viện mắt; chuỗi Vinmec 7 bệnh viện và 4 phòng khám; chuỗi Medic có 4 bệnh viện và 2 phòng khám…
Hệ thống bệnh viên tư nhân tại Việt Nam hiện đang thu hút khoảng 30% nhu cầu khám, chữa bệnh, trong đó khoảng 80% người sử dụng dịch vụ phản hồi hài lòng về chất lượng, phong cách, thái độ phục vụ...
Hình thức hoạt động đầu tư, cung cấp dịch vụ y tế tư nhân hiện nay được lựa chọn nhiều đó là liên doanh, liên kết giữa tư nhân với cơ sở y tế công lập tự chủ (dạng đối tác công - tư PPP). Trong đó, khối tư nhân huy động vốn, xây dựng, trang thiết bị, vận hành và quản lý, còn khối công lập chia sẻ địa điểm, thương hiệu và cán bộ chuyên môn có trình độ, chính quyền địa phương phê duyệt đề án, cấp giấy phép và các hỗ trợ khác. Mô hình này được cho là phù hợp với chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển khu vực kinh tế tư nhân hiện nay, trong đó có việc huy động vốn tư nhân theo hình thức PPP.
Tuy nhiên, PPP trong lĩnh vực y tế đến nay được cho là vẫn rất sơ khai và ít, trong khi nhu cầu phát triển thì khá cao. Thống kê của chuyên gia thuộc Ngân hàng thế giới cho thấy, trong tổng số 63 dự án đã được đề xuất đầu tư theo hình thức PPP trong lĩnh vực y tế, đến nay mới chỉ có khoảng 18 dự án có báo cáo tiền khả thi, 10 báo cáo khả thi, 8 dự án được đấu thầu, 3 dự án ký hợp đồng, 2 dự án cung ứng tài sản, dịch vụ.
Danh sách dự án đầu tư PPP đề xuất thì dài, nhưng thực hiện thì còn rất ít. Tại phiên thảo luận chuyên đề về PPP trong khuôn khổ Hội nghị toàn quốc Phát triển bền vững năm 2019, do Hội đồng quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh, tổ chức mới đây, Bác sỹ Lê Minh Sang, chuyên gia y tế của WB cho rằng: Nguyên nhân là do thiếu tiêu chí sàng lọc dự án PPP y tế. Hầu hết các dự án PPP y tế là do UBND các tỉnh/thành đưa ra dựa trên cơ sở đề xuất từ phía các nhà đầu tư, tập trung vào phát triển bệnh viện hơn là đầu tư vào khâu y tế dự phòng và chăm sóc sức khỏe ban đầu, nặng về hạ tầng, nhẹ về dịch vụ, chủ yếu tập trung ở thành thị, hướng đến nhóm người có thu nhập cao.
Đặc biệt, theo Bác sỹ Lê Minh Sang, khối công lập không có đủ nguồn lực để chuẩn bị báo cáo tiền khả thi và khả thi, thiếu năng lực quản lý dự án PPP. Hoạt động đấu thầu cạnh tranh đối với các dự án PPP lại không nhiều, các hợp đồng PPP thực hiện đầu tư hiện nay chủ yếu theo hình thức BT và BOT là phổ biến.
Để huy động hiệu quả nguồn lực khu vực tư nhân tham gia cung cấp dịch vu y tế theo hình thức đầu tư PPP, theo Bác sỹ Lê Minh Sang, cần tăng cường năng lực về thể chế, tăng cường nguồn lực cũng như trình độ, kiến thức cho cán bộ y tế liên quan đến quản lý dự án PPP, có hướng dẫn đầy đủ thực hiện các dự án PPP về y tế. Đồng thời, bố trí đủ nguồn vốn phát triển các dự án PPP y tế, cung cấp đầy đủ thông tin về đầu tư PPP trong lĩnh vực y tế như khung pháp lý, kinh nghiệm thực hành tốt, bài học thành công/thất bại, nhà đầu tư tiềm năng, tư vấn về đầu tư PPP...