Tăng cường ngoại giao kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng

Tối 18-7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến với các trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm 2024 và những năm tiếp theo. Tham dự có Phó Thủ tướng Chính Phủ Trần Lưu Quang, các bộ trưởng các bộ liên quan. Tại điểm cầu Khánh Hòa có các ông: Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành và các hiệp hội, doanh nghiệp.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP

Tác động tích cực tới kinh tế

Theo báo cáo của Bộ Ngoại giao, trong 36 hoạt động đối ngoại cấp cao từ đầu năm 2024 đến nay, nội dung kinh tế tiếp tục trở thành trọng tâm, mang lại các kết quả cụ thể, thực chất, ký kết được nhiều cam kết, thỏa thuận hợp tác với các đối tác. Quan hệ đối ngoại tiếp tục được mở rộng, nâng tầm, nâng cấp. Nội dung thúc đẩy mở cửa thị trường xuất khẩu, đàm phán FTA, tăng cường thu hút nguồn lực hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực mới như kinh tế xanh, chuyển đổi năng lượng, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch, lao động... được chú trọng lồng ghép và cụ thể hóa thành các cam kết, dự án cụ thể trong các hoạt động đối ngoại cấp cao với các đối tác lớn tại Đông Bắc Á, Châu Âu, Bắc Mỹ, các đối tác tiềm năng ở Trung Đông, châu Phi, Mỹ Latinh.

Chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Chính phủ và dự WEF Đại Liên đã góp phần làm sâu sắc hơn nữa quan hệ giữa hai nước, đẩy mạnh kết nối giao thông, nâng cao hiệu suất thông quan, nâng cấp hạ tầng cửa khẩu, nghiên cứu xây dựng khu kinh tế biên giới. Trong chuyến thăm Hàn Quốc của Thủ tướng Chính phủ, hai bên ký kết 41 văn kiện, trong đó có 9 văn kiện cấp chính phủ về nhiều lĩnh vực, đặc biệt là bán dẫn, công nghệ cao, hướng tới mục tiêu 150 tỉ USD kim ngạch thương mại vào năm 2030; Hàn Quốc cam kết tăng 15% hạn ngạch lao động Việt Nam ngay trong năm 2024. Nhiều cơ chế đối thoại được thiết lập nhằm triển khai các cam kết: lần đầu tiên thực hiện Đối thoại cấp Bộ trưởng Ngoại giao và Đối thoại Kinh tế Việt-Mỹ để cụ thể hóa nội hàm quan hệ vừa nâng cấp. Bên cạnh các đối tác chủ chốt, quan hệ với các đối tác tiềm năng cũng tiếp tục được thúc đẩy qua các hoạt động trao đổi đoàn, họp các ủy ban hỗn hợp.

Điểm cầu Khánh Hòa.

Đối với Khánh Hòa, công tác ngoại giao kinh tế đã đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Khánh Hòa trong thời gian qua. GRDP 6 tháng đầu năm 2024 ước hơn 31.226 tỷ đồng, tăng 12,73% so cùng kỳ năm trước, xếp thứ 2 cả nước, đứng đầu của vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung.

Về xúc tiến đầu tư, trong 6 tháng đầu năm 2024, tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức các hoạt động, chương trình xúc tiến đầu tư thành công như Hội nghị công bố Quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa đến năm 2045; Hội nghị gặp gỡ Indonesia; lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa tiếp và làm việc với đoàn lãnh đạo tỉnh Hiroshima (Nhật Bản); tổ chức đoàn công tác lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa xúc tiến đầu tư tại Kazakhstan, Trung Quốc, Hoa Kỳ. Đồng thời, tỉnh cũng đã chủ động triển khai cụ thể hóa các Bản ghi nhớ được ký kết tại Hội nghị Công bố quy hoạch và Xúc tiến đầu tư tỉnh Khánh Hòa năm 2023.

Trong xuất nhập khẩu, Khánh Hòa có quan hệ thương mại với hơn 105 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng đều qua các năm với các thị trường chính như: Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… Đồng thời, các doanh nghiệp địa phương cũng chú trọng hơn đến việc nâng cao giá trị sản phẩm xuất khẩu, mở rộng thị trường, đa dạng hóa sản phẩm. 6 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu toàn tỉnh ước được hơn 1,7 tỉ USD, tăng 17,02% so cùng kỳ năm trước. Các mặt hàng xuất khẩu chính là hàng thủy sản với 399,8 triệu USD và tàu biển với 329,9 triệu đô (chiếm tỷ trọng 69,46% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh).

Tiếp tục đẩy mạnh ngoại giao kinh tế

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, thời gian qua công tác ngoại giao kinh tế đạt nhiều kết quả tích cực, thực chất và hiệu quả hơn; chuyên nghiệp và bài bản hơn; đồng bộ và toàn diện hơn; biểu dương sự đóng góp tích cực của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, cộng đồng doanh nghiệp và người dân đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Thủ tướng Chính phủ cho rằng, hiện nay, khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương, nhất là ngành Ngoại giao, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác mà phải quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào xong việc đó, phân công công việc “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian thực hiện, rõ hiệu quả, rõ sản phẩm”; khi tổ chức thực hiện phải kiểm tra, đánh giá, đôn đốc, rút kinh nghiệm. “Phải kết nối nước ngoài với trong nước, lắng nghe các địa phương, nhu cầu và mục tiêu phát triển đất nước; kết nối các nước, khu vực kinh tế, nền kinh tế với kinh tế nước ta; kết nối doanh nghiệp thế giới với doanh nghiệp Việt Nam; kết nối các địa phương với các địa phương của các nước để tận dụng cơ hội để phát triển”, Thủ tướng lưu ý.

Hội nghị được kết nối trực tuyến từ trụ sở Chính phủ tới đầu cầu các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các đơn vị thúc đẩy việc mở rộng thị trường Trung Đông, Nam Mỹ, thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm Halal; tiếp tục đàm phán ký kết các FTA với Trung Đông, châu Phi, Nam Mỹ; mong các cơ quan đại diện tại nước ngoài theo dõi sát tình hình về các biện pháp phòng vệ thương mại của các nước áp dụng đối với sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam để có biện pháp ứng phó từ sớm, từ xa; tiếp tục tận dụng đà phục hồi du lịch, tạo thuận lợi cho phát triển du lịch, góp phần tăng cường sản xuất, kinh doanh, tạo sinh kế cho người dân. Các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, doanh nghiệp, các bộ, ngành tập trung nghiên cứu các giải pháp mới, đột phá trong thu hút đầu tư, tài chính cho phát triển, trong đó kêu gọi vốn, tài chính của các nhà đầu tư, đối tác; kêu gọi chuyển giao công nghệ; đào tạo nguồn nhân lực; chuyển giao, chia sẻ khoa học quản trị thông minh, hiện đại, với tinh thần nắm bắt từ sớm, từ xa các xu thế phát triển khoa học công nghệ, kỹ năng quản lý thông minh để áp dụng trong nước tốt hơn.

Thủ tướng cũng yêu cầu phát huy tối đa nguồn lực từ cộng đồng 6 triệu người Việt Nam ở nước ngoài, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người Việt Nam ở nước ngoài với tinh thần chủ động, hiệu quả và chia sẻ để bà con vừa sinh sống, lao động, học tập ổn định, thuận lợi, vừa có điều kiện đóng góp cho đất nước.

Trên cơ sở đề xuất của các bộ, ngành, địa phương, Chính phủ sẽ tiếp tục nỗ lực cải thiện môi trường hợp tác đầu tư, kinh doanh với tinh thần quý sau tốt hơn quý trước, năm sau tốt hơn năm trước, nhiệm kỳ sau tốt hơn nhiệm kỳ trước. Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu phối hợp trong nước, ngoài nước với tinh thần luôn sẵn sàng, chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả trên cơ sở nắm chắc tình hình, bám sát xu thế, quyết liệt triển khai, hành động sáng tạo, giải quyết các công việc theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Thủ tướng giao các cơ quan sớm ban hành thông báo kết luận với mong muốn sau hội nghị, công tác ngoại giao kinh tế sẽ được đẩy mạnh, kết nối trong nước và ngoài nước mạnh mẽ, thực chất, hiệu quả hơn, phát hiện và tận dụng mọi cơ hội hợp tác phát triển đất nước, nắm bắt từ sớm, từ xa các xu thế, mang lại hiệu quả cụ thể, lợi ích thiết thực cho đất nước, người dân và doanh nghiệp.

ĐÌNH LÂM

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/chinh-tri/202407/tang-cuong-ngoai-giao-kinh-te-thuc-day-tang-truong-2cf5c13/