Tăng cường nguồn lực cho công tác phòng ngừa, giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu sâu rộng, các tranh chấp đầu tư quốc tế phát sinh ngày càng nhiều. Tính đến ngày 31/12/2023, số lượng các vụ tranh chấp đầu tư quốc tế trên toàn cầu được công khai đã lên tới 1.332 vụ. Riêng trong năm 2022, số lượng các vụ phát sinh mới là 59 vụ, trong năm 2023 là 60 vụ.
Hạn chế tác động các vụ kiện tranh chấp đầu tư quốc tế
Hội nhập quốc tế là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Nhìn lại quá trình đổi mới, thu hút đầu tư nước ngoài gần 40 năm qua, chúng ta tự hào đã có những bước tiến về chủ trương, chính sách, thể chế pháp luật, cơ chế quản lý đầu tư nước ngoài để đem lại những kết quả tích cực về số lượng dự án và số vốn đầu tư nước ngoài; sự chủ động, tích cực ký kết và thực hiện các điều ước quốc tế liên quan tới bảo hộ đầu tư nước ngoài, trong đó nổi bật nhất là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh và Bắc Ailen (UKVTA) Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVIPA) và tới đây là các Hiệp định thương mại tự do khác.
Đến nay, Việt Nam đã tiếp nhận đầu tư từ 140 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, chiếm khoảng 25% tổng vốn đầu tư xã hội. Dòng vốn đầu tư nước ngoài đã hiện diện ở hầu hết các địa phương trên cả nước với nhiều dự án đầu tư lớn như: Intel, Microsoft,
Samsung, Sony… Có thể thấy, việc đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục là một định hướng lớn và không thay đổi, được thể hiện trong các văn kiện quan trọng của Đảng, Nhà nước.
Thực tế cho thấy, rủi ro phát sinh tranh chấp, khiếu kiện về đầu tư nói chung, trong đó có tranh chấp, khiếu kiện đầu tư quốc tế đối với Việt Nam là không thể tránh khỏi khi đất nước hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam đã ký kết các hiệp định đầu tư và phần lớn các hiệp định này cho phép nhà đầu tư nước ngoài được khởi kiện Nhà nước ra cơ quan tài phán quốc tế.
Theo thống kê đã được công khai của Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển, đến nay, Việt Nam đã trở thành bị đơn trong 11 vụ kiện đầu tư quốc tế, trong đó có những vụ kiện đã kéo dài nhiều năm và vẫn đang trong quá trình giải quyết.
Nhận thức được những rủi ro phát sinh tranh chấp quốc tế và tổn hại về kinh tế, đối ngoại mà tranh chấp này có thể đem lại, Đảng và Nhà nước cũng đã có nhiều chủ trương, định hướng để hạn chế tác động không mong muốn của các vụ kiện tranh chấp đầu tư quốc tế nhằm tạo dựng môi trường đầu tư lành mạnh, an toàn tại Việt Nam, trong đó phải kể đến là Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện chể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 và gần đây nhất là Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường công tác phòng ngừa và giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế.
Bên cạnh đó, để giải quyết tốt, hiệu quả công tác phòng ngừa và giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản liên quan. Đồng thời, khuôn khổ pháp luật về quản lý đầu tư nói chung cũng được rà soát, hoàn thiện.
Sự ra đời của các văn bản nói trên đã giúp tạo cơ sở pháp lý đầy đủ hơn cho hoạt động phối hợp trong phòng ngừa và xử lý các tranh chấp đầu tư quốc tế tại Việt Nam của các cơ quan nhà nước.
Phối hợp cần chặt chẽ
Tuy nhiên, công tác giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế đặt ra nhiều thách thức lớn với các quốc gia, đặc biệt là những nước đang phát triển như Việt Nam. Chẳng hạn như: Các vụ kiện tranh chấp đầu tư quốc tế thường kéo dài nhiều năm, chi phí tham gia các vụ kiện lên tới hàng triệu USD và trong trường hợp thua kiện thì rủi ro Nhà nước phải bồi thường là rất lớn, có thể lên tới hàng trăm triệu hoặc hàng tỉ USD. Cơ sở pháp lý cho các vụ kiện tranh chấp đầu tư quốc tế là các quy định của pháp luật quốc tế, khá xa lạ và phức tạp đối với các cơ quan nhà nước và đội ngũ công chức. Trong khi đó, việc giải quyết lại phụ thuộc vào ý chí chủ quan của Hội đồng trọng tài và các Trọng tài viên lại có xu hướng thiên vị các nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, cơ chế giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế thường bị các nhà đầu tư lạm dụng và đang có xu hướng một số công ty luật “mua lại” quyền khởi kiện từ nhà đầu tư như một hình thức đầu tư mạo hiểm nhằm kiếm lời. Việc quốc gia bị kiện ra cơ quan trọng tài quốc tế có thể gây tác động xấu đến hình ảnh, danh tiếng của quốc gia, gây lo ngại cho các nhà đầu tư tiềm năng.
Hiện nay, Việt Nam cũng chưa có cơ chế phòng ngừa tranh chấp đầu tư hiệu quả, nhất là việc sàng lọc nhà đầu tư nhằm ngăn chặn ngay từ đầu những nhà đầu tư thiếu thiện chí, không trung thực, vi phạm pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế. Cơ chế phối hợp trong công tác phòng ngừa và giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế còn chưa hiệu quả mặc dù đã có các quy định pháp luật khá rõ ràng.
Vì vậy, thực hiện nhiệm vụ là Cơ quan đại diện pháp lý của Chính phủ trong các vụ kiện tranh chấp đầu tư quốc tế, Bộ Tư pháp đã tích cực, chủ động trong công tác giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế, hỗ trợ tốt các Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố và các Sở Tư pháp trong việc xử lý các vụ việc liên quan đến nhà đầu tư nước ngoài. Các Sở Tư pháp đã tham gia nhiều hơn vào việc giải quyết các vướng mắc của các nhà đầu tư nước ngoài tại địa phương mình.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế trong thời gian tới, cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố, các Bộ, ngành cần tiếp tục quán triệt và thực hiện đúng các yêu cầu của Chỉ thị này, trong đó lưu ý trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác phòng ngừa và giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế.
Tiếp tục thực hiện tốt công tác phòng ngừa tranh chấp đầu tư quốc tế theo yêu cầu tại Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện chể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Theo đó, công tác phòng ngừa và giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế không chỉ giới hạn trong hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước mà cần phải được lưu ý ngay cả trong các hoạt động của các cơ quan tư pháp, nhất là trong các vụ việc có yếu tố nước ngoài.
Bên cạnh đó, công tác phối hợp trong phòng ngừa và giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế cần phải được thực hiện chặt chẽ, khẩn trương với trách nhiệm cao nhất của người đứng đầu để hạn chế tối đa các thiệt hại về vật chất cho Nhà nước.
Cần quan tâm tăng cường, đảm bảo nguồn lực, điều kiện cần thiết cho công tác phòng ngừa, giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế, cụ thể là thu hút, bố trí đủ nguồn nhân lực chất lượng cho công tác phòng ngừa và giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế; động viên, khuyến khích đội ngũ cán bộ có năng lực hiện đang trực tiếp làm công tác phòng ngừa, giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế; Tăng cường việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức về kiến thức pháp luật quốc tế, cam kết quốc tế của Việt Nam về đầu tư nước ngoài và kỹ năng giải quyết các vấn đề liên quan đến nhà đầu tư nước ngoài.
Thời gian qua, Bộ Tư pháp chú trọng thực hiện vai trò, nhiệm vụ là cơ quan đại diện pháp lý cho Chính phủ trong các tranh chấp đầu tư quốc tế; phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan thực hiện tốt nhiệm vụ giúp Chính phủ xử lý các vấn đề pháp lý phát sinh trong hội nhập quốc tế và hướng dẫn các địa phương liên quan đến nhiều vụ việc nhà đầu tư nước ngoài có vướng mắc, khiếu kiện; tham gia đàm phán, ký kết, thực hiện điều ước, thỏa thuận, cam kết quốc tế để bảo đảm các yếu tố pháp lý; tiếp tục tham mưu thực hiện quyền, nghĩa vụ theo cam kết mà Việt Nam tham gia hoặc là thành viên.
Năm 2024, Bộ Tư pháp hoàn thành việc xây dựng Chỉ thị của Ban Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với công tác phòng ngừa, giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế đúng thời hạn đề ra; xây dựng dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về ban hành Chỉ thị của Ban Bí thư nêu trên. Hoàn thành việc xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ chuyên gia pháp lý tư vấn cho Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương khi tham gia giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế giai đoạn 2025 - 2030 (Quyết định số 1364/QĐ-TTg ngày 11/11/2024); Xây dựng Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030…