Tăng cường nguồn lực để nền kinh tế giữ vững thị trường trong nước
Đây là đề nghị của ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội) khi phát biểu tại phiên thảo luận chiều nay, 27.10.
Đánh giá cao những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của nước ta trong thời gian qua, đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh, tăng trưởng kinh tế Việt Nam như một "ngôi sao sáng" trong bối cảnh kinh tế thế giới không ngừng biến động và gặp nhiều khó khăn. Thành tựu đó đạt được là do sự điều hành linh hoạt, phối hợp nhịp nhàng chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, cùng với đó là sự vào cuộc nhanh chóng, hỗ trợ kịp thời của Quốc hội. Đây là bài học giá trị bất hủ trong điều hành đất nước, đặc biệt trong bối cảnh nhiều thay đổi khó lường trước mắt, đại biểu Hoàng Văn Cường khẳng định.
Về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị tăng cường nguồn lực để nền kinh tế giữ vững thị trường trong nước; khai thác thế mạnh của các hiệp định thương mại để mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Cần chuẩn bị sẵn các phương án hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp khi xảy ra khủng hoảng kinh tế, không đặt mục tiêu thu ngân sách quá cao để có dư địa thực hiện các chính sách tài khóa, cần chấp nhận tăng bội chi để có nguồn lực cho phát triển. Cùng với đó, cần tập trung đầu tư dứt điểm các công trình hạ tầng đang dở dang để hạn chế nợ công, hạn chế khởi công mới, dành một phần đầu tư công để đặt hàng, hỗ trợ hình thành các tập đoàn kinh tế mạnh, phát triển một số ngành trụ cột cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ. Trong đó có 3 lĩnh vực cần ưu tiên đặt hàng là đường sắt, vận tải biển, công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số quốc gia.
Cần trung cải cách đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả cải cách chính sách tiền lương
Một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, đề cập tại phiên thảo luận liên quan đến vấn đề công chức, viên chức nghỉ việc. Giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu tại Phiên thảo luận chiều nay, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, công chức, viên chức nghỉ việc trong 2 năm diễn ra đại dịch Covid-19 là thách thức chung của nhiều quốc gia trên thế giới, như tại các nước Anh, Pháp, Hoa Kỳ, Australia... và các nước khối ASEAN.
Về nguyên nhân, theo Bộ trưởng, Việt Nam một mặt đang tập trung phát triển thị trường lao động đồng bộ, hiện đại, đầy đủ, hội nhập nhằm đạt tới một thị trường lao động vận hành theo quy luật khách quan của kinh tế thị trường, nhất là quy luật cung cầu. Mặt khác, thị trường lao động đòi hỏi khả năng kết nối, vận hành đồng bộ, tương tác thông suốt giữa các khu vực, các vùng trong cả nước, giữa nông thôn với thành thị, giữa khu vực công với khu vực tư, với các nước trong khu vực và quốc tế. Do vậy, người lao động có cơ hội bình đẳng trên thị trường lao động, được tự do lựa chọn việc làm, tự do dịch chuyển trên thị trường lao động. Việc công chức, viên chức dịch chuyển từ khu vực công sang khu vực tư là yếu tố khách quan trên cơ sở điều tiết của thị trường lao động theo quy luật tất yếu của kinh tế thị trường, góp phần thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu lao động phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế của nước ta. Đồng thời, tạo động lực để thúc đẩy nhanh hơn sự cạnh tranh lành mạnh, công bằng giữa thị trường lao động ở khu vực công và khu vực tư.
Cũng theo Bộ trưởng, trong quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và phát triển các thành phần kinh tế, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế tư nhân, thúc đẩy xã hội hóa dịch vụ công, trong đó có dịch vụ y tế, giáo dục ngoài công lập phát triển khá mạnh ở khu đô thị, tạo cơ hội cho người lao động ra vào trong khu vực công và khu vực tư thường xuyên theo quy luật cung cầu lao động cũng như yêu cầu xu thế của tự chủ, xã hội hóa khu vực sự nghiệp công.
Về giải pháp chủ yếu cho vấn đề này, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nêu rõ, cần trung cải cách đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả việc thực hiện cải cách chính sách tiền lương trong thời gian tới.