Tăng cường phản biện chính sách
Qua theo dõi tình hình quan hệ lao động trong thời gian gần đây, không khó nhận thấy tình trạng nợ BHXH, BHYT diễn ra phổ biến, đặc biệt là trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp (DN) gặp khó về đơn hàng phải tạm ngừng sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng.
Điều này đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến quyền thụ hưởng BHXH của người lao động (NLĐ), ít nhất ở việc thụ hưởng 3 chế độ cơ bản là ốm đau, thai sản và tai nạn lao động. Ở một số DN phá sản, quyền lợi về bảo hiểm của NLĐ coi như mất trắng do chủ sử dụng lao động bỏ trốn hoặc né tránh thực hiện trách nhiệm với NLĐ.
Thực trạng trên cũng chỉ ra rằng vai trò giám sát của đội ngũ cán bộ Công đoàn cơ sở còn mờ nhạt, chưa mạnh dạn yêu cầu người sử dụng lao động (NSDLĐ) phải trích nộp đầy đủ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho NLĐ. Đòi hỏi cán bộ Công đoàn cơ sở phải làm tốt vai trò đại diện trong bối cảnh hiện là rất khó, nhất là khi họ chỉ là người làm công ăn lương. Về phía NLĐ, vì công ăn việc làm nên ít ai dám yêu cầu NSDLĐ thực hiện đúng cam kết trong hợp đồng lao động.
Bên cạnh đó, cơ chế giám sát thu BHXH và xử phạt của cơ quan BHXH đối với hành vi vi phạm của DN chưa triệt để khiến NSDLĐ "lờn thuốc". Pháp luật hiện hành cũng giao quyền khởi kiện cho tổ chức Công đoàn khi quyền lợi BHXH của NLĐ bị xâm phạm, song trên thực tế việc này gặp không ít khó khăn do hệ thống pháp luật chưa đồng bộ.
Đại diện, bảo vệ quyền lợi NLĐ chính đáng, hợp pháp của NLĐ là chức năng đầu tiên, đặc trưng và cốt lõi của tổ chức Công đoàn. Do vậy, để bảo vệ NLĐ, các cấp Công đoàn phải làm tốt công tác dự báo. Đơn cử như khi phát hiện DN gặp khó khăn không thể trích nộp BHXH, Công đoàn cấp trên và Công đoàn cơ sở phải chủ động làm việc nhằm tháo gỡ khó khăn của DN; đề xuất các phương án giải quyết phù hợp, đúng pháp luật nhằm bảo đảm quyền lợi NLĐ. Ngoài ra, cần chủ động thông tin cho cơ quan BHXH về tình hình DN để từ đó có biện pháp hỗ trợ ngăn chặn tình trạng nợ BHXH kéo dài làm ảnh hưởng đến quyền thụ hưởng của NLĐ.
Thời gian qua, khi các ngành, các cấp góp ý Luật BHXH sửa đổi, không ít đoàn viên - lao động rất hoang mang, lo sợ sự thay đổi của chính sách sẽ khiến họ mất quyền lợi lâu dài. Do vậy, ngoài đẩy mạnh công tác tuyên truyền, Công đoàn cơ sở cần chủ động tập hợp ý kiến của cán bộ Công đoàn và NLĐ nhằm phản ánh kịp thời những vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện Luật BHXH, BHYT, BHTN đến Công đoàn cấp trên, các cơ quan quản lý nhà nước để cùng phối hợp giải đáp, tháo gỡ và điều chỉnh chính sách cho phù hợp với tình hình thực tiễn.
Về phía Công đoàn cấp trên, cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan trong việc nghiên cứu, góp ý, phản biện, bổ sung hoàn thiện Luật BHXH, Luật BHYT và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chính sách BHXH, BHYT, BHTN.
Tổng LĐLĐ Việt Nam, LĐLĐ TP HCM cần xây dựng chiến lược đào tạo dài hơi cho đội ngũ cán bộ Công đoàn cơ sở. Cán bộ Công đoàn cơ sở là người gần gũi đoàn viên nhất, do vậy hơn ai hết họ hiểu được mong muốn của NLĐ. Nếu được trang bị kiến thức, kỹ năng chuyên sâu, họ sẽ có thêm sự tự tin trong việc thực hiện chức năng đại diện.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/cong-doan/tang-cuong-phan-bien-chinh-sach-20230917190944177.htm