Tăng cường phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính trong các hoạt động thủy sản

Chiều 10/4, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về việc cho phép sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.

Triển khai các khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu về chống khai thác IUU

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, trong lĩnh vực thủy sản có 4 nhóm vấn đề: Bảo vệ phát triển nguồn lợi thủy sản; nuôi trồng thủy sản; khai thác thủy sản; chế biến, mua bán, xuất nhập khẩu thủy sản. Trong đó, vấn đề chế biến thu mua xuất khẩu thủy sản không có vướng mắc trong việc xử phạt vi phạm hành chính.

Vì vậy, đến nay các cơ quan thống nhất trình với UBTVQH cho phép Chính phủ sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và nuôi trồng thủy sản.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết về việc cho phép sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết về việc cho phép sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Trình bày Tờ trình tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến cho biết, thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Thủy sản, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Chính phủ đã giao Bộ NN&PTNT chủ trì xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 42/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản (Nghị định số 42/2019/NĐ-CP). Tại dự thảo Nghị định có quy định về việc phát hiện vi phạm hành chính bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trong lĩnh vực thủy sản.

Tuy nhiên nội dung này chưa được quy định tại Điều 64 Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi, bổ sung năm 2020), do vậy Chính phủ trình UBTVQH xem xét, cho phép Chính phủ quy định phát hiện vi phạm hành chính bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trong lĩnh vực thủy sản tại Nghị định thay thế Nghị định số 42/2019/NĐ-CP…

Quy định phát hiện vi phạm hành chính bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trong lĩnh vực thủy sản tại dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 42/2019/NĐ-CP nhằm phát hiện nhanh hành vi vi phạm trong lĩnh vực thủy sản, cung cấp bằng chứng, chứng cứ để tiến hành xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, thúc đẩy triển khai các khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu về chống khai thác IUU.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, việc quy định sẽ nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân vì đối tượng vi phạm sẽ rất khó khăn trong việc phi tang tang vật vi phạm bởi các vi phạm này đã được cơ quan có thẩm quyền, tổ chức, cá nhân lưu lại bằng các phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ; giúp cho cơ quan quản lý nhà nước thuận lợi trong quá trình tác nghiệp và không bỏ lọt hành vi vi phạm. Đồng thời, giúp tiến hành xử lý vi phạm được thuận lợi và nhanh hơn bởi đã có các bằng chứng, chứng cứ thuyết phục; giảm được kinh phí cho hoạt động tuần tra, kiểm tra kiểm soát trên biển bởi tàu cá đã được theo dõi, giám sát bằng thiết bị giám sát tàu cá; thông tin dữ liệu thu được từ thiết bị này sẽ là bằng chứng, chứng cứ để cơ quan có thẩm quyền tiến hành xử lý vi phạm…

Để bảo đảm việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trong việc phát hiện hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản đúng quy định pháp luật, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, sau khi được UBTVQH cho phép, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nêu rõ, Chính phủ sẽ quy định cụ thể về việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trong việc phát hiện hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản trong Nghị định thay thế Nghị định số 42/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.

Đồng thời, để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính và bảo đảm các quy định pháp luật đủ rõ, đủ chi tiết, Chính phủ sẽ bổ sung Danh mục các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ sử dụng để phát hiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản vào Nghị định số 135/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định về danh mục, việc quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và quy trình thu thập, sử dụng dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật do cá nhân, tổ chức cung cấp để phát hiện vi phạm hành chính.

Tạo thuận lợi cho các lực lượng thực thi pháp luật

Thẩm tra cơ sở pháp lý Tờ trình số 60/TTr-CP của Chính phủ xin ý kiến UBTVQH về việc cho phép sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, việc Chính phủ trình đã đúng thẩm quyền, bảo đảm cơ sở pháp lý theo quy định của luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng phát biểu tại Phiên họp. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng phát biểu tại Phiên họp. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Về sự cần thiết quy định sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, Ủy ban Pháp luật tán thành sự cần thiết quy định việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính trong “lĩnh vực thủy sản” trong Nghị định của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản với những lý do được nêu tại Tờ trình của Chính phủ. Điều này giúp công tác xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản thuận lợi và hiệu quả hơn, tránh bỏ lọt hành vi vi phạm hành chính; góp phần nâng cao ý thức của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trong lĩnh vực thủy sản, bảo đảm tính răn đe và hiệu quả thực thi pháp luật về thủy sản…

Thẩm tra phạm vi áp dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, “hoạt động thủy sản” theo quy định tại khoản 1 Điều 3 của Luật Thủy sản năm 2017 bao gồm các hoạt động: Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; nuôi trồng thủy sản; khai thác thủy sản; chế biến, mua, bán, xuất khẩu, nhập khẩu thủy sản. Chính phủ đề nghị cho phép sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản nói chung, tức là áp dụng đối với cả 4 nhóm hoạt động thủy sản nêu trên.

Tuy nhiên, Tờ trình của Chính phủ mới chỉ tập trung phân tích, đánh giá thực trạng vi phạm và khó khăn, vướng mắc trong xử lý vi phạm liên quan đến các hoạt động bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, nuôi trồng thủy sản và khai thác thủy sản (đặc biệt là hành vi khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU)) mà hầu như không đề cập đến khó khăn trong xử lý vi phạm đối với hoạt động chế biến, mua, bán, xuất khẩu, nhập khẩu thủy sản. Bên cạnh đó, Tờ trình của Chính phủ và các tài liệu kèm theo cũng chưa đánh giá tác động, làm rõ các điều kiện bảo đảm thực hiện nếu được cho phép sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.

Để có thêm cơ sở, thông tin phục vụ thẩm tra Tờ trình của Chính phủ, Thường trực Ủy ban Pháp luật đã tổ chức làm việc với Bộ NN&PTNT về các nội dung trên. Ngày 28/3/2023, Bộ NN&PTNT đã có Báo cáo số 1894/BNN-TCTS gửi Ủy ban Pháp luật, trong đó đề xuất thu hẹp phạm vi áp dụng quy định về sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính, cụ thể chỉ quy định sử dụng để phát hiện vi phạm hành chính trong hoạt động “khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và nuôi trồng thủy sản”. Đồng thời, bổ sung đánh giá tác động của quy định này và dự kiến nguồn lực, điều kiện bảo đảm thi hành.

Trên cơ sở xem xét Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo số 1894/BNN-TCTS của Bộ NN&PTNT và các hồ sơ kèm theo, ý kiến thảo luận tại phiên họp thẩm tra và giải trình của đại diện Bộ NN&PTNT, đa số thành viên Ủy ban Pháp luật tán thành việc thu hẹp phạm vi áp dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính chỉ trong hoạt động “khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và nuôi trồng thủy sản”; cơ bản nhất trí với dự kiến Danh mục phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được sử dụng như đề xuất của Bộ NN&PTNT tại Báo cáo số 1894/BNN-TCTS.

Việc xác định phạm vi áp dụng như Chính phủ trình là phù hợp, một mặt tạo thuận lợi cho các lực lượng thực thi pháp luật trong việc phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính trong các hoạt động thủy sản này, thúc đẩy triển khai các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) về chống hành vi khai thác IUU, góp phần sớm tháo gỡ “thẻ vàng” của EC đối với thủy sản xuất khẩu của Việt Nam. Đồng thời góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của ngư dân và hiệu quả quản lý nhà nước trong khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và nuôi trồng thủy sản. Mặt khác cũng phù hợp với đối tượng, phạm vi quản lý và điều kiện về nguồn lực để bảo đảm tính khả thi.

Đối với hoạt động “chế biến, mua, bán, xuất khẩu, nhập khẩu thủy sản”, trước mắt không áp dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính vì các hoạt động này có địa bàn hoạt động không phức tạp, việc phát hiện vi phạm hành chính cũng không gặp khó khăn, vướng mắc như đối với các hoạt động khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và nuôi trồng thủy sản.

Một số ý kiến thành viên Ủy ban Pháp luật tán thành với Tờ trình của Chính phủ về phạm vi áp dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính trong “lĩnh vực thủy sản”. Đồng thời, đề nghị giao Chính phủ quy định cụ thể hoạt động thủy sản được sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính nhằm bảo đảm linh hoạt, phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Ủy ban Pháp luật kiến nghị UBTVQH đồng ý để Chính phủ quy định việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính trong hoạt động “khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và nuôi trồng thủy sản”. Đồng thời, đề nghị Chính phủ, cùng với việc sửa đổi Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản để bổ sung quy định về sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ nêu trên, cần nghiên cứu sửa đổi các nghị định có liên quan để bảo đảm đồng bộ, thống nhất.

Phát biểu tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường bày tỏ tán thành với Tờ trình, Báo cáo thẩm tra về việc trình UBTVQH quyết định về việc cho phép sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản là cần thiết và đúng thẩm quyền theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính...

Đây cũng là động thái cụ thể để có hành động kiên quyết hơn trong quản lý nhà nước đối với lĩnh vực thủy sản, đây cũng là lĩnh vực hiện nay đã bị EU gắn thẻ vàng. Trong quá trình làm việc với Nghị viện Châu âu và lãnh đạo các quốc gia của Liên minh Châu âu, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng luôn đề cập vấn đề này.

Ngoài lý do Tờ trình nêu như tính hiệu quả, khắc phục những khó khăn trong việc dùng biện pháp thông thường, giảm nhân lực, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng việc cho phép sử dụng các phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính còn tăng cường tính răn đe, phòng ngừa hành vi vi phạm và tăng cường giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật của người dân.

Bên cạnh đó, việc sử dụng phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện hành vi vi phạm hành chính còn góp phần phòng ngừa tham nhũng, hạn chế tối đa cơ hội tham nhũng trong việc xử phạt vi phạm hành chính, nhất là các lực lượng chấp pháp tuần tra trên biển.

Về phạm vi áp dụng và áp dụng phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện vi phạm hành chính, trong lĩnh vực thủy sản có 4 nhóm hành vi vi phạm tương ứng với 4 hoạt động thủy sản gồm bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, nuôi trồng thủy sản, khai thác thủy sản và chế biến, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu thủy sản.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, trong Luật Xử lý vi phạm hành chính chỉ điều chỉnh lĩnh vực sử dụng phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện hành vi phạm hành chính, không điều chỉnh hành vi hay nhóm hành vi trong lĩnh vực được sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật để phát hiện vi phạm.

Thủy sản là lĩnh vực lớn, có thể chia ra 4 nhóm hành vi nhưng cũng chỉ là một lĩnh vực theo quy định tại khoản 1 Điều 24 Luật Xử lý vi phạm hành chính. Đối chiếu với quy định tại khoản 1 Điều 64 Luật Xử lý vi phạm hành chính, giao Chính phủ quy định lĩnh vực khác được sử dụng phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện hành vi phạm hành chính sau khi được sự đồng ý của UBTVQH. Như vậy, Tổng Thư ký Quốc hội cho rằng UBTVQH đồng ý cho sử dụng phương tiện kỹ thuật trong lĩnh vực thủy sản hay chỉ đồng ý một số nhóm hành vi là điều cân nhắc theo đúng thẩm quyền.

V.T/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/tang-cuong-phat-hien-xu-phat-vi-pham-hanh-chinh-trong-cac-hoat-dong-thuy-san-20230410153457165.htm