Tăng cường phổ cập thông tin và tiếp cận dịch vụ về bệnh tan máu bẩm sinh
Nhằm tăng cường phổ cập thông tin và tiếp cận dịch vụ về bệnh Thalassemia (bệnh tan máu bẩm sinh), ngành Y tế đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền thông qua việc tổ chức tọa đàm, hội thảo, hội nghị, sản xuất các sản phẩm truyền thông mẫu, truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng,…
Thalassemia là bệnh di truyền thể lặn, có ở cả nam, nữ và di truyền cho các đời con cháu tiếp theo. Ước tính khoảng 100 triệu người trên toàn thế giới mang gen gây bệnh Thalassemia và hơn 300.000 trẻ sinh ra hàng năm mắc các dạng bệnh nghiêm trọng.
Tại Việt Nam hiện có khoảng 13 triệu người mang gen bệnh Thalassemia. Trong đó, tỷ lệ người đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ khá cao. Hiện có hơn 20.000 người đang cần được điều trị. Mỗi năm, cả nước có thêm khoảng 8.000 trẻ sinh ra mắc bệnh, trong số này có khoảng 2.000 trẻ bị bệnh mức độ nặng.
Bệnh viện Đa khoa Long An đang điều trị cho khoảng 200 bệnh nhân mắc bệnh này, trong đó có khoảng 50 bệnh nhân thể nặng, lệ thuộc truyền máu cùng tình trạng ứ sắt nặng.
Bệnh nhân mắc bệnh tan máu bẩm sinh phải điều trị suốt đời. Nếu không được điều trị thường xuyên, đầy đủ sẽ có nhiều biến chứng làm bệnh nhân chậm phát triển thể trạng, giảm sức lao động, học tập.
Theo ước tính, một bệnh nhân Thalassemia mức độ nặng từ khi sinh ra đến 30 tuổi cần truyền khoảng trên 1.000 đơn vị máu để duy trì đời sống, tốn khoảng 3 tỉ đồng. Phụ nữ bị Thalassemia có tỷ lệ bị vô sinh cao bởi thường phải truyền máu. Tuy nhiên, một số phụ nữ bị bệnh vẫn có thể có thai.
Ngày 29/5/2020, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 2235/QĐ-BYT phê duyệt Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình Truyền thông Dân số đến năm 2030, trong đó yêu cầu tổ chức các hoạt động hưởng ứng sự kiện ngày Thalassemia thế giới (08/5).
Tại Long An, nhằm tăng cường phổ cập thông tin và tiếp cận dịch vụ về bệnh Thalassemia, ngành Y tế đẩy mạnh truyền thông với nhiều hoạt động như tổ chức tọa đàm, hội thảo, hội nghị, sản xuất các sản phẩm truyền thông mẫu, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, internet,…
Một số khẩu hiệu truyền thông: Chung tay phòng bệnh tan máu bẩm sinh vì sức khỏe cộng đồng, vì tương lai nòi giống việt; Hãy tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn vì hạnh phúc gia đình, vì sự phồn vinh của đất nước; Để có gia đình mạnh khỏe - hạnh phúc, vì chất lượng giống nòi và tương lai đất nước, hãy tích cực tham gia phòng bệnh tan máu bẩm sinh; Chung tay phòng bệnh tan máu bẩm sinh - để có gia đình mạnh khỏe, hạnh phúc;…
Việc đẩy mạnh các hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của việc tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn; tầm soát, chẩn đoán, điều trị sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh; nguyên nhân, hệ lụy của bệnh tan máu bẩm sinh đối với cộng đồng và xã hội,
Đồng thời, tuyên truyền, giáo dục thay đổi hành vi, góp phần nâng cao ý thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân về quyền, nhu cầu chăm sóc sức khỏe, đặc biệt về bệnh tan máu bẩm sinh. Qua đó, góp phần làm giảm gánh nặng về kinh tế và tinh thần của từng gia đình, cộng đồng, xã hội và nâng cao chất lượng dân số./.