Tăng cường phối hợp giám sát, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác bảo vệ môi trường

Phát huy hơn nữa vai trò của Mặt trận và các tổ chức thành viên trong ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Hải Dương

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Hải Dương

Chiều 12.1, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết Chương trình phối hợp giai đoạn 2017- 2020, ký kết Chương trình phối hợp giai đoạn 2021-2025 và biểu dương các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong công tác bảo vệ môi trường.

Tham dự hội nghị có: Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn; các Ủy viên Trung ương Đảng: Hầu A Lềnh, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường; lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên; lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố tại 63 điểm cầu trong cả nước.

Dự hội nghị tại điểm cầu Hải Dương có các đồng chí là lãnh đạo, trưởng các ban chuyên môn Ủy ban MTTQ tỉnh và đại diện một số tổ chức thành viên.

Nhân rộng mô hình điểm về bảo vệ môi trường

Báo cáo tại hội nghị cho thấy, sau 4 năm triển khai Chương trình phối hợp giữa Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam với Bộ Tài nguyên và Môi trường, hai bên đã bám sát các nội dung nhiệm vụ đề ra, chủ động trong việc phối hợp và đạt được nhiều kết quả rõ nét, cụ thể, thiết thực.

Công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của nhân dân trong việc bảo vệ môi trường từng bước đi vào chiều sâu, mang lại hiệu quả thiết thực, giúp nhân dân hiểu rõ hơn về bảo vệ môi trường, tác động của môi trường đến sức khỏe, đời sống sinh hoạt, tập quán, sản xuất, qua đó đã hình thành ý thức giữ gìn vệ sinh, cảnh quan “Sáng-Xanh-Sạch-Đẹp”, sống thân thiện với môi trường, khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên hợp lý, từng bước khắc phục thói quen tiêu dùng xâm hại đến tài nguyên và môi trường.

Người dân đã nêu cao ý thức, trách nhiệm hơn trong giám sát việc bảo vệ môi trường của các tổ chức, doanh nghiệp, các cá nhân trong quá trình triển khai hoạt động kinh tế-xã hội trên địa bàn khu dân cư. Nhân dân ở một số nơi đã mạnh dạn đấu tranh, tố giác các hành vi vi phạm về tài nguyên và môi trường của các cá nhân, doanh nghiệp ở địa phương.

Trong giai đoạn 2017-2020, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã hỗ trợ 50/63 tỉnh, thành phố triển khai xây dựng mới, duy trì, nhân rộng 344 mô hình điểm bảo vệ môi trường. Từ các mô hình điểm do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam hỗ trợ đến nay, theo báo cáo của 50/50 tỉnh, thành phố, đã xây dựng mới, duy trì và nhân rộng được 40.626 mô hình điểm.

Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các cơ quan liên quan chủ trì, tổ chức giám sát về khai thác tài nguyên bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu tại 10 tỉnh, thành phố. MTTQ các cấp đã tổ chức 2.550 cuộc giám sát, thường xuyên tổ chức tập hợp ý kiến của nhân dân trên lĩnh vực tài nguyên, môi trường để phản ánh tới các cơ quan Đảng, chính quyền và báo cáo tại các kỳ họp HĐND.

Đánh giá về kết quả chương trình phối hợp giữa hai cơ quan trong thời gian qua, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nhấn mạnh, chương trình đã huy động được sức mạnh của toàn dân tham gia quản lý, sử dụng tài nguyên thiên nhiên hợp lý và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Vai trò giám sát, phản biện của MTTQ và các tổ chức thành viên đã giúp ngành tài nguyên và môi trường có thêm nhiều kênh thông tin phản biện, làm tốt hơn vai trò hoạch định chính sách. Hai bên đã phối hợp phát động được nhiều phong trào kêu gọi người dân tích cực tham gia bảo vệ môi trường, xây dựng thành công nhiều mô hình điểm về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường có hiệu quả cao, khả năng nhân rộng tốt như mô hình “Nhân dân tự quản bảo vệ môi trường” ở ấp Ô Ka, tỉnh Trà Vinh; mô hình khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường. Các mô hình đã chú trọng gắn bảo vệ môi trường với xóa đói, giảm nghèo.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà mong muốn, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục phối hợp với MTTQ Việt Nam thông qua Chương trình phối hợp giai đoạn 2021-2025. Trong đó, hai bên mở rộng phạm vi phối hợp trên tất cả các lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ nhằm phát huy hơn nữa vai trò của Mặt trận và các tổ chức thành viên trong ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác bảo vệ môi trường

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, Chương trình phối hợp đã bám sát các nội dung, nhiệm vụ đề ra và đạt được những kết quả rõ nét, thiết thực với các công việc và số liệu rất đầy đủ. Các nội dung phối hợp về bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu được lồng ghép, thực hiện cùng với việc triển khai các phong trào thi đua, các cuộc vận động, trong các chương trình phối hợp và thống nhất hành động hàng năm của hệ thống MTTQ các cấp.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho rằng, công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia bảo vệ môi trường có lúc, có nơi chưa được quan tâm đúng mức. Công tác sơ kết, tổng kết để nhân rộng mô hình và khen thưởng còn nhiều bất cập. Tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền còn thiếu. Việc tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức và năng lực chuyên môn cho cán bộ Mặt trận trong lĩnh vực bảo vệ môi trường còn chưa được thường xuyên. Một bộ phận người dân nhận thức, hiểu biết về tầm quan trọng của việc bảo vệ tài nguyên - môi trường còn hạn chế. Một số hộ ý thức chưa cao, chưa thực hiện nghiêm túc hương ước, quy ước và cam kết bảo vệ tài nguyên - môi trường.

Nhắc tới môi trường ở nhiều nơi vẫn còn ô nhiễm, trở thành vấn đề nổi cộm và là thách thức đối với phát triển bền vững, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn nêu rõ, vấn đề môi trường nước, không khí tại nhiều cụm công nghiệp, làng nghề, cơ sở sản xuất, lưu vực sông không bảo đảm an toàn. Công tác thu gom, xử lý rác thải chưa đáp ứng được yêu cầu. Áp lực và hệ quả của sự phát triển kinh tế đối với môi trường ngày càng lớn, làm cho việc phục hồi các hệ sinh thái và chất lượng môi trường không thể đạt được trong một thời gian ngắn.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn đề nghị, sau khi ký kết Chương trình phối hợp giai đoạn 2021-2025, hai cơ quan sẽ đề ra ngay các biện pháp và lộ trình cụ thể để khắc phục những hạn chế, đồng thời phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa để thực hiện thành công chương trình. Trong đó, hai bên tập trung vào việc vận động nhân dân và giám sát các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chấp hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; cải thiện môi trường ở các khu đô thị lớn, khu công nghiệp, làng nghề, đặc biệt là phải giám sát, góp phần giảm thiểu rác thải nhựa, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu trong hệ thống Mặt trận và chính quyền các cấp cũng như trong nhân dân.

Tại Hội nghị, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ký kết chương trình phối hợp giai đoạn 2021-2025 trong lĩnh vực tài nguyên môi trường.

Nhân dịp này, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã trao Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp tài nguyên và môi trường” tặng Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn và Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh.

Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã khen thương 10 tập thể, 20 cá nhân; Bộ Tài nguyên và Môi trường khen thưởng 10 tập thể và 5 tổ chức tôn giáo có thành tích trong công tác bảo vệ môi trường giai đoạn 2017-2020.

TTXVN - PV

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/moi-truong/tang-cuong-phoi-hop-giam-sat-tao-chuyen-bien-manh-me-trong-cong-tac-bao-ve-moi-truong-156462