Tăng cường phối hợp giữa Công an và ngân hàng bảo vệ dữ liệu cá nhân

Sáng 23/7, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị sơ kết Triển khai Đề án số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch phối hợp số 01/KHPH-BCA-NHNNVN giữa Bộ Công an và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN).

Thượng tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công an và đồng chí Nguyễn Thị Hồng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thống đốc NHNN chủ trì Hội nghị.

Tham dự có Trung tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an và Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng, cùng với lãnh đạo các đơn vị chuyên môn, lãnh đạo các ngân hàng thương mại.

Trước khi diễn ra Hội nghị, toàn thể đại biểu đã dành một phút mặc niệm cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Bộ trưởng Lương Tam Quang phát biểu tại Hội nghị

Bộ trưởng Lương Tam Quang phát biểu tại Hội nghị

Đề án 06 là bước đột phá

Phát biểu khai mạc, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đã bày tỏ sự cảm ơn từ NHNN tới lãnh đạo Bộ Công an về sự giúp đỡ trong thời gian qua khi triển khai Đề án 06 và Kế hoạch số 01. Thống đốc cho rằng, việc triển khai Đề án 06 là một sự đột phá, giúp cho chuyển đổi số của cả nước.

Với 11 đầu việc lớn và 35 đầu việc cụ thể đã được chi tiết hóa từng nội dung công việc, phân công đơn vị đầu mối và các đơn vị phối hợp, có thời hạn hoàn thành cụ thể, Kế hoạch 01 đã đóng vai trò là kim chỉ nam để các đơn vị trong ngành ngân hàng tổ chức triển khai. Đến nay, về cơ bản các đầu mục nhiệm vụ tại Kế hoạch 01 đều đã được triển khai theo tinh thần, chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Công an và NHNN, tập trung vào các nội dung như: làm sạch thông tin dữ liệu khách hàng, ứng dụng CCCD chip, tài khoản VNeID trong xác minh, nhận biết thông tin khách hàng...

Ngành ngân hàng đã phối hợp với C06, Bộ Công an thực hiện rà soát, đối chiếu làm sạch với dữ liệu tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư 56,6 triệu hồ sơ khách hàng vay tại CIC và làm sạch được hơn 2,5 triệu hồ sơ khách hàng tại các tổ chức tín dụng; đồng thời đã kết nối kỹ thuật và hoàn thành việc xây dựng hệ thống thông tin kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ việc quản lý Nhà nước về phòng chống rửa tiền. Các đơn vị trong ngành ngân hàng cũng đang tích cực triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán theo Quyết định 2345/QĐ-NHNN, tính đến ngày 22/7/2024, cả ngành đã xác thực được dữ liệu sinh trắc học của gần 26 triệu khách hàng qua CCCD gắn chip.

NHNN đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, trong đó bao gồm nhiều quy định về xác minh, nhận biết thông tin khách hàng thông qua tài khoản VNeID, CCCD gắn chip, dữ liệu dân cư… để góp phần tăng cường an ninh, an toàn trong cung ứng dịch vụ cho khách hàng và thúc đẩy chuyển đổi số của ngành. Cùng với định hướng đó, ngành ngân hàng đã là ngành đầu tiên thực hiện kết nối tới hệ thống định danh và xác thực điện tử để ứng dụng tài khoản VNeID ngay khi các quy định tại Luật Căn cước và Nghị định 69/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/7/2024.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu khai mạc

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu khai mạc

Giảm thiểu rủi ro của ngành tài chính

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Lương Tam Quang nêu kết quả nổi bật trong công tác phối hợp giữa lực lượng công an và ngành ngân hàng trong thời gian qua. Về phía NHNN, lãnh đạo các cấp của NHNN, đặc biệt là Thống đốc NHNN đã rất quyết liệt chỉ đạo trong thực hiện Đề án 06 và triển khai Kế hoạch 01, lan tỏa trong toàn ngành ngân hàng và hệ sinh thái về chuyển đổi số, ứng dụng dữ liệu dân cư định danh và xác thực điện tử trong hoạt động tài chính ngân hàng. Chuyển đổi số ngành ngân hàng luôn bám sát chiến lược của Chính phủ và nhiệm vụ trọng tâm của Đề án 06, Kế hoạch 01, đảm bảo nhanh chóng, thuận lợi, gắn kết chặt chẽ ứng dụng, phát triển ứng dụng và đảm bảo an ninh an toàn, góp phần giảm thiểu rủi ro của ngành tài chính và chung tay phòng chống tội phạm.

Kết quả tích cực khác phải kể đến là kết nối dữ liệu ứng dụng giải pháp xác thực thẻ CCCD gắn chip tại quầy và qua ứng dụng ngân hàng trực tuyến, làm sạch, tạo được kho dữ liệu sạch, chuẩn bị các dữ liệu sạch để phòng chống rửa tiền, ứng dụng dữ liệu quốc gia về dân cư làm sạch 57 triệu hồ sơ khách hàng, làm sạch 2,5 triệu hồ sơ khách hàng… Tích cực phối hợp tham gia có hiệu quả chủ trương đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực an sinh xã hội.

Việc quyết tâm, quyết liệt thực hiện chuyển đổi số của NHNN không chỉ lan tỏa trong nội bộ ngân hàng, mà thúc đẩy nhận thức của những ngành nghề khác về chống thất thu thuế trong hoạt động thương mại điện tử, gắn với hoạt động kiểm soát rủi ro, phòng chống rửa tiền, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt…

Thay mặt Bộ Công an, Bộ trưởng Lương Tam Quang đánh giá cao và cảm ơn sự phối hợp đồng hành của NHNN với Bộ Công an để hoàn thành nhiệm vụ triển khai Đề án 06 và Kế hoạch 01. Những nỗ lực kết quả đạt được đã phục vụ nhiệm vụ chính trị và phục vụ đắc lực cho sự phát triển kinh tế xã hội, phục vụ đời sống nhân dân.

Toàn cảnh hội nghị.

Toàn cảnh hội nghị.

Nhận diện 4 thách thức

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, Bộ trưởng Lương Tam Quang cũng chỉ ra 4 thách thức nổi lên, để từ đó nhận rõ nhằm có giải pháp khắc phục.

Thứ nhất, tình hình mua bán thông tin dữ liệu cá nhân diễn ra phức tạp trên không gian mạng, trong đó phát hiện nhiều vụ việc nhân viên ngân hàng bán dữ liệu khách hàng, vi phạm nghiêm trọng về bảo vệ dữ liệu cá nhân, ảnh hưởng uy tín ngân hàng. Điều này đặt ra quy trình đảm bảo chặt chẽ về quản lý cán bộ, đảm bảo tuyệt đối an toàn dữ liệu thu thập. Thời gian qua, khi phát hiện ra, 2 bên đã phối hợp xử lý ngay, không vì lợi ích nhỏ làm ảnh hưởng.

Thách thức thứ 2 là số lượng tài khoản thanh toán đã xác thực còn thấp so với tài khoản thanh toán và thẻ ngân hàng thực: 23,3 triệu hồ sơ khách hàng tại quầy trực tuyến làm sạch trên tổng số 325 triệu tài khoản thanh toán và thẻ ngân hàng. Nếu chỉ tính tài khoản, thì mới thực hiện chưa được 20%. Rà soát số lượng xác thực thấp là nguyên nhân dẫn đến tính trạng tài khoản ngân hàng và ví điện tử bị mua bán, cho mượn, hoạt động không chính chủ bị lợi dụng.

Thách thức thứ 3, đó là yêu cầu phải đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống tiếp tục được đặt ra trong bối cảnh tội phạm công nghệ cao gia tăng ngày càng tinh vi, tấn công vào hệ thống công nghệ thông tin của các ngân hàng. Lỗ hổng bảo mật trong quá trình nâng cấp, cập nhật là một thách thức. Bởi vậy, đầu tư cho an ninh mạng, đảm bảo an ninh, an toàn là đầu tư cho phát triển.

Thứ 4, chi phí xác thực định danh khách hàng là yếu tố cần tính tới trong đẩy nhanh triển khai thực hiện đề án 06 trong thời gian tới.

Đảm bảo 100% dịch vụ xác thực sinh trắc học

Tiếp bước những thành công trong Đề án 06/CP và Kế hoạch số 01, Bộ trưởng Lương Tam Quang cơ bản thống nhất với các nhiệm vụ mà NHNN đề ra. Tuy nhiên, trong thời gian tới, Bộ trưởng cho rằng hai bộ tiếp tục cần tập trung một số nội dung.

Cụ thể, tiếp tục rà soát, bổ sung các nhiệm vụ vào Kế hoạch số 01 phù hợp với tình hình thực tiễn và chiến lược phát triển vẫn tập trung vào 5 nguyên tắc của Đề án 06: Pháp lý – hạ tầng – công nghệ - tạo lập dữ liệu – đảm bảo an ninh an toàn và bố trí nguồn lực để triển khai.

Đặc biệt, bổ sung 3 nhiệm vụ, lộ trình trọng tâm trong thời gian tới: Đảm bảo 100% dịch vụ xác thực sinh trắc học của các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán, ví điện tử được thực hiện thông qua hệ thống xác thực điện tử theo yêu cầu nghị định 69/NĐ-CP quy định về Định danh và xác thực điện tử, hoàn thành trong năm 2024; Thúc đẩy ứng dụng dữ liệu dân cư thực hiện đánh giá mức độ khả tín khách hàng vay, giảm thiểu “tín dụng đen”, người dân được tiếp cận nguồn vốn chính thống, giá rẻ; nghiên cứu, triển khai cơ chế thử nghiệm có kiểm soát để góp phần ứng dụng công nghệ, dữ liệu đối với hoạt động tài chính, đặc biệt các giải pháp công nghệ sử dụng những kết quả từ Đề án 06/CP.

Bộ trưởng đề nghị ngành 2 bên tiếp tục quan tâm triển khai mạnh mẽ Đề án 06; tăng cường phối hợp giữa lực lượng Công an và NHNN thực hiện các quy định của pháp luật về an ninh mạng, bảo vệ các dữ liệu cá nhân trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, trọng tâm là phối hợp đảm bảo an ninh. an toàn hệ thống thông tin ngân hàng và hệ thống các tổ chức tín dụng, bảo vệ dữ liệu cá nhân, tổ chức trong quá trình kết nối, chia sẻ, sử dụng thông tin phục vụ chuyển đổi số, phòng ngừa, ngăn chăn xử lý tội phạm trong lĩnh vực thanh toán nói riêng và ngành ngân hàng nói chung.

Đề nghị C06 thường xuyên phối hợp với các đơn vị chức năng của NHNN kịp thời phát hiện, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai các nhiệm vụ trong Kế hoạch 01, Đề án 06 và tiếp tục rà soát, hoàn thiện các cơ sở pháp lý, chủ động trao đổi thông tin, giải quyết ngay những vấn đề phát sinh.

Hà An

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/lanh-dao-bo-cong-an/tang-cuong-phoi-hop-giua-cong-an-va-ngan-hang-bao-ve-du-lieu-ca-nhan-i738225/