Tăng cường phối hợp nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch bệnh từ động vật sang người

Qua gần 20 năm hoạt động, Khung đối tác Một sức khỏe về phòng, chống dịch bệnh từ động vật sang người đang không ngừng nỗ lực cải tiến về cách thức điều phối, quản lý, trọng tâm là phối hợp đa ngành và hợp tác đa phương, từ đó ngày càng thu hút được sự quan tâm, tham gia và đồng hành của các bên liên quan để thúc đẩy công tác này.

Tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân trong phòng, chống dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người. (Ảnh minh họa: VTV)

Tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân trong phòng, chống dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người. (Ảnh minh họa: VTV)

Cách tiếp cận Một sức khỏe - yếu tố quan trọng trong phòng, chống dịch bệnh

Vừa qua, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài Nguyên và Môi trường phối hợp Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Tổ chức Phúc lợi động vật toàn cầu FOUR PAWS International (FPI) đồng tổ chức Diễn đàn cấp cao thường niên về Một sức khỏe về phòng, chống dịch bệnh từ động vật sang người trong khuôn khổ Khung đối tác Một sức khỏe (One Health Partnership - OHP) năm 2024, giai đoạn 2021-2025.

Theo đánh giá của các thành viên và nhóm công tác của khung đối tác tại diễn đàn, qua gần 20 năm hoạt động, Khung đối tác Một sức khỏe về phòng, chống dịch bệnh từ động vật sang người do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì chính đang không ngừng nỗ lực cải tiến về cách thức điều phối, quản lý, trọng tâm là phối hợp đa ngành và hợp tác đa phương.

Do đó, Khung đối tác Một sức khỏe Việt Nam ngày càng thu hút được sự quan tâm, tham gia và đồng hành của các bên liên quan, chủ động tìm kiếm và tham gia các cơ chế của các nhóm công tác.

Diễn đàn ghi nhận sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành liên quan trong phòng, chống dịch bệnh từ động vật sang người, bao gồm thể chế hóa các hoạt động Một sức khỏe thông qua các nhiệm vụ trọng tâm; quản lý tốt các nguy cơ khẩn cấp; xây dựng lộ trình nâng cao năng lực thực hiện điều lệ y tế thế giới và năng lực ngành thú y; cùng nhau tham gia và đóng góp đề xuất tại các nhóm công tác kỹ thuật; thống nhất nội dung Chiến lược phòng, chống kháng thuốc 2023-2030 do Bộ Y tế chủ trì và được Chính phủ phê duyệt tháng 9/2023.

Quang cảnh diễn đàn. (Ảnh: OHP - FPI)

Quang cảnh diễn đàn. (Ảnh: OHP - FPI)

Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng, trong bối cảnh tình hình kinh tế và chính trị thế giới biến động khó lường, thiên tai, bão lũ diễn biến phức tạp và gây hậu quả nghiêm trọng, ngành nông nghiệp, y tế và môi trường trong năm 2024 đã tích cực, chủ động lồng ghép các chương trình và hoạt động Một sức khỏe vào chiến lược và hành động của ngành để triển khai các công tác phòng, chống dịch bệnh bảo đảm an toàn sức khỏe cho con người, vật nuôi và môi trường.

Việc bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh và xử lý môi trường sau thiên tai cũng là một nhiệm vụ cấp thiết, nhằm ổn định đời sống người dân.

Thành công này không chỉ thể hiện sự kiên cường và quyết tâm của toàn hệ thống chính trị, mà còn là minh chứng cho sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự quyết liệt của các bộ, ban, ngành và nỗ lực vượt bậc của các địa phương, các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể nhân dân cả nước…

Thứ trưởng Y tế Lê Đức Luận cho biết, kinh nghiệm từ đại dịch Covid-19 mà thế giới phải đối mặt, các giải pháp trong phối hợp liên ngành, theo cách tiếp cận Một sức khỏe, để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh là rất quan trọng.

Việt Nam đã áp dụng thành công phương pháp tiếp cận này để kiểm soát dịch cúm gia cầm độc lực cao A(H5N1), SARS, đại dịch cúm H1N1 trong những năm đầu thế kỷ 21.

Thứ trưởng Y tế nhấn mạnh, công tác phòng, chống các dịch bệnh truyền nhiễm trong suốt 2 thập kỷ vừa qua đã cho thấy một mình ngành y tế không thể đơn phương kiểm soát dịch bệnh, đặc biệt là các dịch bệnh có yếu tố liên ngành như bệnh lây truyền từ động vật sang người và các vấn đề như kháng kháng sinh, an toàn thực phẩm, vấn đề sức khỏe do ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu…

Bộ Y tế cam kết sẽ tiếp tục tham gia tích cực, thúc đẩy và triển khai hiệu quả hơn nữa các hoạt động phòng, chống dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người và các vấn đề sức khỏe khác; đồng thời mong muốn cộng đồng quốc tế sẽ tiếp tục hỗ trợ, sát cánh cùng Việt Nam thông qua đối tác Một sức khỏe nói riêng và những nỗ lực Một sức khỏe quốc gia nói chung.

Thúc đẩy hợp tác, hỗ trợ ứng phó các mối đe dọa từ bệnh truyền nhiễm

Về phía các đối tác phát triển, bà Aler Grubbs, Giám đốc USAID tại Việt Nam cho biết, phái đoàn Hoa Kỳ tại Việt Nam thông qua USAID đã hỗ trợ các nỗ lực Một Sức khỏe của Việt Nam từ năm 2005. USAID đã đóng góp hơn 155 triệu USD trong 20 năm qua cho các nỗ lực này.

Một Sức khỏe là một phần cốt lõi trong chương trình của USAID nhằm ngăn chặn đại dịch và các mối đe dọa từ bệnh truyền nhiễm mới nổi, bao gồm kháng kháng sinh. Hoa Kỳ và Việt Nam là những đối tác cam kết trong việc đối phó với các mối đe dọa từ bệnh truyền nhiễm, phù hợp với các ưu tiên chung của hai nước trong khuôn khổ quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, bà Aler Grubbs cho hay.

Đại diện cho các tổ chức phi chính phủ, bà Martina Stepheny, Giám đốc Chương trình cấp cao FPI đánh giá, Việt Nam là một quốc gia điển hình với cơ chế cho các hoạt động điều phối và triển khai trong khuôn khổ mô hình Một sức khỏe mà các bên đều có thể học hỏi.

Khung đối tác Một sức khỏe là một diễn đàn quan trọng để các cơ quan Chính phủ Việt Nam và các đối tác cùng nhau giải quyết các vấn đề cấp bách, hợp tác để xác định và triển khai các giải pháp.

Là một đối tác quốc tế thường trực, FPI cam kết hỗ trợ Nhóm công tác kỹ thuật về động vật đồng hành thuộc khuôn khổ OHP trong việc nâng cao phúc lợi cho động vật đồng hành tại Việt Nam, cũng như giảm thiểu rủi ro sức khỏe đối với cả động vật và con người, đặc biệt tập trung vào việc loại bỏ dần hoạt động buôn bán thịt chó và mèo, bà Martina Stephany chia sẻ.

Theo FPI, bên cạnh việc vi phạm về phúc lợi động vật, buôn bán thịt chó, mèo còn là mối đe dọa làm lây lan bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người, khi mỗi năm, ước tính có khoảng 6 triệu cá thể chó và mèo bị buôn bán để lấy thịt. Điều này đã vô hình trung biến những người buôn bán và người tiêu thụ thành các tác nhân lây lan bệnh dại và các mầm bệnh khác.

Bác sĩ Karan Kukreja, trưởng Chương trình động vật đồng hành tại Đông Nam Á của FPI cho biết, với hàng triệu cá thể chó và mèo bị vận chuyển, hoạt động buôn bán thịt chó và mèo tiếp diễn có thể làm tăng nguy cơ lây nhiễm trực tiếp và làm giảm tỷ lệ tiêm phòng dại ở Việt Nam.

Do đó, FPI khuyến nghị, kế hoạch giải quyết các rủi ro, bao gồm việc từng bước giảm thiểu và tiến tới chấm dứt hoạt động buôn bán thịt chó và mèo là phù hợp để giảm ảnh hưởng đến các lĩnh vực khác. FPI và các đối tác cũng bày tỏ sẵn sàng hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thực hiện các bước đi này.

Khung đối tác Một sức khỏe giai đoạn 2021-2025 được ký kết ngày 23/3/2021. Tới nay, đã có 32 đối tác thành viên chính thức. Kế hoạch tổng thể quốc gia Một sức khỏe về phòng, chống bệnh dịch từ động vật sang người được phê duyệt ngày 21/3/2022. Từ khi ký kết tới nay, có hơn 100 chương trình, dự án đã, đang triển khai và chuẩn bị để triển khai kế hoạch.

TRUNG HƯNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tang-cuong-phoi-hop-nang-cao-hieu-qua-phong-chong-dich-benh-tu-dong-vat-sang-nguoi-post849932.html