Tăng cường phối hợp quản lý tiêu thụ nông sản
Hà Nội đang đẩy mạnh phối hợp quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông sản được đưa từ các địa phương khác về tiêu thụ tại thành phố. Tuy nhiên, số lượng hàng hóa của các tỉnh cung cấp cho Hà Nội chưa ổn định, phần lớn vẫn tiêu thụ ở chợ đầu mối, gây khó khăn cho công tác quản lý, giám sát của các ngành chức năng.
Nhiều nông sản an toàn đưa về Hà Nội tiêu thụ
Sở NN&PTNT Hà Nội đã liên kết với 43 tỉnh, thành phố để kết nối đưa các sản phẩm nông sản an toàn; tích cực duy trì và hỗ trợ phát triển 946 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho Hà Nội (chiếm 57% số chuỗi toàn quốc). Công tác bảo đảm an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản có nhiều chuyển biến tích cực. Hoạt động thông tin tuyên truyền được đẩy mạnh. Nhiều chuỗi giá trị nông sản được triển khai có hiệu quả đã tạo ra những sản phẩm thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng Thủ đô.
Trong khuôn khổ chương trình phối hợp, nhiều hoạt động kết nối giao thương, như: Hội chợ, festival, tuần lễ, hội nghị kết nối, trưng bày giới thiệu sản phẩm nông sản đặc sản vùng, miền giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố đã được thực hiện hiệu quả. Nhiều sản phẩm nông sản của các tỉnh: Hòa Bình, Sơn La, Vĩnh Phúc, Lâm Đồng, Hải Dương, Hà Nam, Tiền Giang, Cần Thơ... được các đơn vị phân phối, siêu thị, chợ, cửa hàng trái cây, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tại Hà Nội kết nối tiêu thụ.
Trong đó, một số tỉnh cung ứng lượng lớn sản phẩm về Hà Nội, như: Hòa Bình cung ứng hơn 1.600 tấn cá sông Đà/năm, hơn 18.000 tấn trái cây/năm; Sơn La cung ứng hơn 19.000 tấn rau, củ quả/năm; Lâm Đồng cung cấp hơn 66.000 tấn rau/năm. Công ty Masan - Chi nhánh Hà Nam cung cấp cho các siêu thị tại Hà Nội hơn 1.000 tấn thịt lợn/năm; Công ty Mavin cung cấp hơn 700 tấn xúc xích cho Hà Nội/năm...
Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hậu Giang Nguyễn Minh Đức cho biết, tỉnh đang cung cấp các sản phẩm: Chanh leo, sầu riêng, cá thát lát… cho Hà Nội. Trung bình mỗi tháng, các chủ thể sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh kết nối, đưa về Hà Nội khoảng 30-50 tấn nông, lâm, thủy sản các loại.
Còn Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm sạch BigGreen Việt Nam Nguyễn Tiến Hưng thông tin, thời gian qua, công ty đã liên kết với một số hợp tác xã để đưa hàng về phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô. Ngoài ra, các nông sản, thực phẩm của các tỉnh đều có thương hiệu, dán tem truy xuất nguồn gốc, xuất xứ.
Tăng cường thông tin hai chiều
Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện nay, thông tin về một số cơ sở kinh doanh nông, lâm sản do các tỉnh cung cấp luôn thay đổi, chưa cập nhật kịp thời, nên khó khăn cho công tác phối hợp quản lý. Một số sản phẩm nông sản tiêu thụ tại các điểm kinh doanh trong mô hình chuỗi chưa có nhãn hiệu, thông tin nhận diện. Một lượng lớn sản phẩm giao dịch buôn bán tại các chợ đầu mối chủ yếu hoạt động vào ban đêm, dẫn tới vướng mắc trong truy xuất nguồn gốc, xuất xứ.
Để tháo gỡ khó khăn trong công tác phối hợp với các tỉnh về an toàn thực phẩm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sơn La Cầm Thị Phong cho biết, thời gian tới, tỉnh thường xuyên trao đổi thông tin trong công tác quản lý an toàn thực phẩm; đồng thời, đẩy mạnh xúc tiến thương mại để doanh nghiệp của Hà Nội ký kết hợp đồng với các hợp tác xã, doanh nghiệp của tỉnh.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn khẳng định, từ nay đến cuối năm, Sở tiếp tục thông tin, phối hợp trong công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm; đẩy mạnh giám sát, thanh tra, kiểm tra, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông, lâm, thủy sản của các tỉnh, thành phố đưa về Hà Nội tiêu thụ và ngược lại. Hà Nội cũng gắn chặt liên kết vùng với các tỉnh, thành phố để tổ chức sản xuất theo chuỗi quy mô lớn, sản xuất VietGAP; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tạo điều kiện cho các hợp tác xã, doanh nghiệp của Thủ đô và các tỉnh, thành phố quảng bá giới thiệu sản phẩm, ký kết hợp đồng.
Cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Như Tiệp đánh giá cao công tác phối hợp giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong công tác nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm; xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ thực phẩm nông, lâm, thủy sản. Thời gian tới, Bộ NN&PTNT tăng cường chỉ đạo, phối hợp và hỗ trợ các tỉnh, thành phố triển khai các chương trình ứng dụng chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp và xây dựng các chuỗi liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản có chất lượng cao, bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm; tiếp tục tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, liên kết vùng trong lĩnh vực nông nghiệp; phối hợp với các tỉnh, thành phố trong công tác tập huấn, tư vấn cho doanh nghiệp về phát triển thương hiệu, sản phẩm nông nghiệp và xây dựng chiến lược sản xuất, kinh doanh trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế.
Các tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ NN&PTNT về triển khai kế hoạch chương trình phối hợp quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm và công tác phối hợp phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho Hà Nội. Các tỉnh, thành phố cũng sẽ quy hoạch vùng sản xuất những sản phẩm chủ lực của địa phương, kêu gọi đầu tư, liên kết hợp tác với doanh nghiệp để sản xuất theo chuỗi giá trị, tạo ra những sản phẩm bảo đảm chất lượng, vệ sinh, an toàn thực phẩm, rõ nguồn gốc, xuất xứ cung cấp cho thị trường Hà Nội.
Đồng thời, các tỉnh, thành phố chia sẻ thông tin về cơ chế, chính sách, những đặc sản, sản phẩm an toàn chủ lực của từng địa phương với Hà Nội; xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm cung cấp tới doanh nghiệp phân phối, người tiêu dùng dễ dàng nhận biết và an tâm khi sử dụng. Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố cần cam kết cung cấp thông tin chính xác về địa chỉ, điện thoại, người đại diện của cơ sở sản xuất tham gia chuỗi cung cấp sản phẩm an toàn thuận lợi cho công tác quản lý, giám sát, kiểm tra chất lượng cũng như truy xuất nguồn gốc nông sản.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/tang-cuong-phoi-hop-quan-ly-tieu-thu-nong-san-636013.html