Tăng cường phòng, chống bạo lực gia đình trên toàn quốc

Tháng hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình năm 2025 sẽ diễn ra từ ngày 1-30/6, mang chủ đề truyền thông 'Chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương'.

Ảnh minh họa. Nguồn Bộ VHTTDL

Ảnh minh họa. Nguồn Bộ VHTTDL

Nhằm triển khai Tháng hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình, thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 và Quyết định số 363/QĐ-TTg ngày 8.3.2016 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ VH,TT&DL đã ban hành văn bản số 1513/ BVHTTDL-VHCSGĐTV, theo đó, Tháng hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình năm 2025 sẽ diễn ra từ ngày 1-30/6, mang chủ đề truyền thông “Chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương”, nhằm nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và người dân trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình; huy động sức mạnh tổng hợp từ hệ thống chính trị và toàn xã hội, thúc đẩy công tác truyền thông để bảo vệ phụ nữ, trẻ em và xây dựng gia đình hạnh phúc.

Trong thời gian này, các bộ, ngành, tổ chức đoàn thể Trung ương và UBND các tỉnh, thành phố sẽ tổ chức các hoạt động hưởng ứng như: lễ phát động, mít tinh, hội nghị, hội thảo và các chương trình khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phòng, chống bạo lực gia đình…

Các khẩu hiệu truyền thông nổi bật của Tháng hành động bao gồm: Hãy hành động để xây dựng gia đình không có bạo lực; Phòng, chống bạo lực gia đình là trách nhiệm của toàn xã hội; Hạnh phúc sẽ tỏa sáng trong gia đình không có bạo lực… và nhiều thông điệp mạnh mẽ khác, kêu gọi mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng cùng chung tay hành động.

Cũng liên quan đến vấn đề phòng chống bạo lực gia đình với trẻ em, sau sự việc báo chí đồng loạt đưa tin về vụ việc xâm hại trẻ em ở cơ sở Thập Thiện tỉnh Lâm Đồng, vụ việc trẻ em bị bạo lực tại tỉnh Quảng Nam, Bộ Y tế đã có công văn đề nghị Sở Y tế tỉnh Quảng Nam phối hợp xử lý vụ việc và Văn bản số 2148/BYT-BMTE gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị về việc tăng cường công tác bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em.

Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em, trong đó tập trung vào các nội dung: tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân, các cấp, các ngành trong việc phát hiện, báo cáo và xử lý các vụ việc vi phạm quyền trẻ em; hướng dẫn cha, mẹ, người trực tiếp chăm sóc trẻ em về kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em; tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ, tự phòng ngừa xâm hại cho trẻ em.

Tiếp tục quảng bá Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (số 111) khuyến khích việc phát hiện sớm, lên tiếng, thông báo, tổ cáo các hành vi xâm hại trẻ em; tổ chức thanh tra, kiểm tra toàn bộ các cơ sở có thực hiện hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em trên địa bàn (đặc biệt là các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo) bảo đảm việc tuân thủ các quy định của Luật Trẻ em và các quy định của Luật Trẻ em và các quy định của pháp luật có liên quan…

Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương xử lý kịp thời các cơ sở hoạt động không đăng ký, tự phát, không được cấp phép hoặc không bảo đảm các điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em theo quy định của pháp luật và báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Y tế trước ngày 15/5/2025.

Hồng Minh

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/tang-cuong-phong-chong-bao-luc-gia-dinh-tren-toan-quoc-post545366.html