Tăng cường phòng, chống bệnh đạo ôn trên cây lúa
Từ đầu năm 2020, điều kiện thời tiết diễn biến thuận lợi cho cây lúa phát triển. Tuy nhiên, từ đầu tháng 3 đến nay trời âm u, ít nắng, mưa nhỏ, mưa giông kéo dài, độ ẩm không khí cao - đây là điều kiện thuận lợi cho bệnh đạo ôn phát sinh gây hại, đặc biệt là trong thời điểm lúa Xuân đang trong giai đoạn đẻ nhánh, đứng cái.
Qua kiểm tra thực tế của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, hiện bệnh đạo ôn hại lúa phát sinh gây hại nặng tại xã Phương Độ, thành phố Hà Giang, với tỷ lệ bệnh trung bình 20%, cao 30% và có điểm cục bộ cao 50% (cấp 3-5), đối với giống lúa nếp và Thiên ưu 8. Tại huyện Vị Xuyên, bệnh đạo ôn gây hại cục bộ trên lúa Xuân tại thôn Nà Lách, xã Phú linh; thôn Tát Hạ, xã linh Hồ, tỷ lệ bệnh trung bình 20%, cao 30-50% (bệnh cấp 3-5), diện tích nhiễm 0,11 ha; đặc biệt có nơi tỷ lệ cao như tại thôn Bản Sáng, xã Linh Hồ, trung bình 30-50% cao, 100% (bệnh cấp 9), diện tích nhiễm 0,1ha; xã Đạo Đức, Tùng Bá, tỷ lệ bệnh trung bình 3-5% cao 50% (bệnh cấp 7-9), diện tích nhiễm 2,2 ha, gây hại chủ yếu các giống thuần TBR225, TLH31, giống khác J02, Thiên ưu 8, BC15, ĐS1, ĐS3. Huyện Bắc Mê bệnh đạo ôn gây hại lúa một số xã như Lạc Nông, Yên Định tỷ lệ bệnh trung bình 1-3% (bệnh cấp 1-3), cục bộ có nơi cao như thôn Nà Cắp, xã Lạc Nông tỷ bệnh cao 5-10%, diện tích nhiễm 0,02ha.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của bệnh đạo ôn, để bệnh đạo ôn gây hại trên cây lúa không lây lan thành dịch bệnh, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng của cây lúa, Sở Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với các huyện, thành phố chỉ đạo phòng chuyên môn, UBND xã, thị trấn, cán bộ khuyến nông cơ sở và bà con nhân dân tăng cường kiểm tra, giám sát đồng ruộng phát hiện sớm bệnh đạo ôn gây hại và phòng trừ kịp thời không để lây lan; đặc biệt lưu ý các giống lúa có khả năng nhiễm bệnh đạo ôn cao như: J02, nếp, BC15, Thiên ưu 8, Nhị ưu 838… Tăng cường tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh của huyện, xã; thông báo, hướng dẫn nông dân chủ động kiểm tra và phòng trừ kịp thời bệnh đạo ôn hại lúa Xuân 2020. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân chăm sóc, bón phân cho lúa đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật. Khi bệnh đạo ôn mới xuất hiện, cần dừng bón phân đạm, phân bón lá, thuốc kích thích sinh trưởng, giữ đủ nước trong ruộng. Những ruộng có tỷ lệ bệnh trên 5% tiến hành phun phòng trừ ngay bằng một số loại thuốc như: Fuel-one 40 EC, Fuan40EC, Bemgold 750 WP, Fllia 525 SE… pha và phun theo hướng dẫn kỹ thuật trên vỏ bao bì. Nếu bị nặng phải phun kép 2 lần cách nhau 5-7 ngày, phun kỹ cho thuốc tiếp xúc với lá.
Đồng chí Đỗ Tấn Sơn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp – PTNT, cho biết: Dự báo thời gian tới thời tiết tiếp tục thuận lợi cho bệnh đạo ôn lây lan, gây hại cho cây lúa trên diện rộng, cục bộ có thể gây lụi ổ nếu không phòng trừ kịp thời. Để hạn chế thấp nhất thiệt hại, bảo vệ an toàn cho lúa Xuân 2020, Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo các đơn vị chức năng, tăng cường công tác kiểm tra thực địa; chủ động nắm bắt thông tin thời tiết, khí hậu, diễn biến sự phát triển của các loại sâu bệnh để có phương án phòng trừ kịp thời. Trong đó đặc biệt quan tâm đến công tác phối hợp với các địa phương, nhất là các cơ quan chuyên môn tổ công tác của huyện, xã, thị trấn cùng với thôn, bản thường xuyên kiểm tra đồng ruộng phát hiện ổ dịch cục bộ, hướng dẫn nông dân xử lý tại chỗ không để lây lan ra diện rộng. Biện pháp này đã có hiệu quả tích cực khi thời gian qua, thành phố Hà Giang, huyện Vị Xuyên đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn, thường xuyên kiểm tra tình hình dịch hại bệnh đạo ôn hại lúa tại cơ sở và đã đưa ra biện pháp phòng trừ kịp thời.
Bài, ảnh: VĂN NGHỊ