Tăng cường phòng chống bệnh viêm gan vi rút B
Theo thống kê, các bệnh về gan là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở người. Tại Thanh Hóa có khoảng 400.000 bệnh nhân phải điều trị bệnh viêm gan vi rút B. Sự nguy hiểm của căn bệnh là khả năng lây truyền bệnh cao, nhất là lây truyền từ mẹ sang con. Tuy nhiên, hiện nay, tỷ lệ tiêm vắc-xin viêm gan B (VGB) trong vòng 24 giờ đầu sau sinh trên địa bàn tỉnh đạt tỷ lệ rất thấp, nhất là ở các xã vùng sâu, vùng xa của các huyện miền núi trong tỉnh.
Để phòng bệnh viêm gan B, trẻ cần được tiêm chủng đầy đủ theo lịch tiêm.
Trao đổi với bác sĩ Lê Hồng Sơn, Trưởng khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Trung Tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, được biết: Bệnh viêm gan vi rút B do vi rút viêm gan B (HBV) gây nên. HBV có sức đề kháng cao hơn HAV. HBV bị bất hoạt bởi 1000C trong vòng 20 phút, formalin 5% trong vòng 12 giờ, cloramin 3% trong vòng 2 giờ. Việt Nam là nước có tình trạng nhiễm VGB cao trên thế giới với tỷ lệ từ 10 đến 20% người mang vi rút. Bệnh lây truyền chủ yếu qua đường máu do xây xước da, niêm mạc do tiếp xúc với vật nhọn xuyên da có dính máu nhiễm vi rút, hoặc qua đường truyền máu, sử dụng sinh phẩm y học từ máu mà không sàng lọc nhiễm vi rút. So với HIV thì HBV lây mạnh hơn lây qua đường máu 100 lần. Đặc biệt những người sống chung trong 1 gia đình có thể lây qua các dụng cụ như dùng chung dao cạo râu, bàn chải đánh răng...; lây qua đường mẹ sang con khi mẹ nhiễm vi rút, lây mạnh hơn khi mẹ mang vi rút thể hoạt động, khả năng lây lên đến 90%... Biểu hiện bệnh có khoảng 85-90% người mắc bệnh trưởng thành là diễn biến cấp tính; trẻ nhỏ lây trực tiếp từ mẹ bị VGB có nguy cơ 90% ở thể mạn tính. Thường khởi phát với biểu hiện sốt nhẹ, chán ăn, ăn ậm ạch khó tiêu, đầy bụng, rối loạn tiêu hóa. Sau khoảng 7 – 10 ngày xuất hiện vàng da, lúc này sẽ hết sốt. Trung bình 4 - 6 tuần các triệu chứng lâm sàng đỡ dần. Thể tối cấp diễn biến rầm rộ, hôn mê và tử vong > 95%. Thể mạn tính chiếm khoảng 10%, trong số đó 40% sau này có nguy cơ xơ gan và ung thư gan nguyên phát...
Viêm gan vi rút B là một căn bệnh có diễn biến phức tạp, thay đổi theo thời gian, không có triệu chứng rõ ràng và khi gan bị tổn thương có nguy cơ dẫn tới xơ gan, ung thư gan. Khi bệnh nhân đã có chỉ định dùng thuốc, VGB chỉ điều trị để vi rút không nhân lên trong máu, để không gây từ viêm gan mãn thành xơ gan, ung thư gan, chứ chưa có thuốc để diệt vi rút VGB. Vì thế các bác sĩ khuyến cáo cách an toàn và hiệu quả nhất để ngăn ngừa lây nhiễm HBV là tiêm phòng kịp thời vắc-xin VGB cho trẻ trong vòng 24 giờ đầu sau khi sinh. Hiện nay, bệnh VGB đã có vắc-xin phòng bệnh với hiệu quả phòng bệnh rất tốt. Vắc-xin VGB rất an toàn, đã được sử dụng ở nhiều nước trên thế giới. Tiêm vắc-xin VGB cho trẻ sơ sinh trong vòng 24 giờ đầu sau sinh là chiến lược của Tổ chức Y tế thế giới trong phòng chống bệnh VGB. Ở nước ta, vắc-xin VGB được triển khai tiêm cho trẻ em trong chương trình tiêm chủng mở rộng từ năm 1997. Tiêm vắc-xin VGB trong 24 giờ đầu sau sinh sẽ phòng lây truyền từ mẹ sang con từ 80–95%. Nếu tiêm muộn, việc phòng lây truyền VGB từ mẹ sang con sẽ ít hiệu quả.
Để phòng bệnh VGB trẻ cần được tiêm chủng đầy đủ theo lịch tiêm: Trẻ sơ sinh tiêm vắc-xin VGB trong vòng 24 giờ đầu sau khi sinh; trẻ 2 tháng tuổi tiêm vắc-xin DPT-VGB-Hib1 và uống OPV1; trẻ 3 tháng tuổi tiêm vắc-xin DPT-VGB-Hib2 và uống OPV2; trẻ 4 tháng tuổi tiêm vắc-xin DPT-VGB-Hib3 và uống OPV3. Sau khi tiêm vắc-xin VGB có thể gặp các phản ứng thông thường như: Đau tại chỗ tiêm, sốt. Những phản ứng nặng sau tiêm vắc-xin VGB thường hiếm gặp và sẽ qua khỏi nếu được phát hiện và xử trí kịp thời. Để bảo đảm an toàn tiêm chủng, các bà mẹ nên tiêm vắc-xin VGB khi trẻ đã bú tốt và đề nghị để con mình được cán bộ y tế thăm khám trước khi tiêm. Với người lớn chưa tiêm phòng VGB hoặc không nhớ rõ các liều tiêm trước đây, có thể tiêm phòng nếu chưa mắc bệnh với lịch tiêm 3 liều cơ bản trong 6 tháng. Sau đó 5 năm nên tiêm nhắc 1 lần hoặc sau khi có kết quả định lượng kháng thể VGB.
Để phát hiện sớm bệnh VGB, người dân nên đi khám sức khỏe định kỳ 1- 2 lần mỗi năm để tầm soát bệnh. Với những bệnh nhân mắc viêm gan siêu vi B mạn tính, phải theo dõi, kiểm tra định kỳ từ 3 - 6 tháng/lần để đánh giá chức năng gan cũng như mức độ ảnh hưởng của bệnh, kiểm soát tốt các biến chứng xơ gan, ung thư gan.