Tăng cường phòng, chống cúm cho học sinh
Những ngày gần đây, nhiều học sinh nhiều trường học ở Hà Nội phải nghỉ học do bị cúm. Phòng Giáo dục và Ðào tạo các quận, huyện, thị xã ở Hà Nội đã có hướng dẫn cụ thể về cách phòng, chống và xử lý nếu học sinh bị mắc cúm mùa, nhất là cúm A.
Trưởng phòng Giáo dục và Ðào tạo quận Tây Hồ Lê Hồng Vũ cho biết, hằng ngày, các trường trên địa bàn quận đều cập nhật tình hình học sinh nhiễm cúm mùa, nhất là cúm A, đồng thời công khai các thông tin phòng, chống dịch. Các trường học đều bố trí cán bộ chuyên trách theo dõi, báo cáo thông tin về bệnh cúm. Ðồng thời, bố trí phòng riêng để khám phân loại, cách ly học sinh nghi bị cúm. “Cúm mùa là bệnh truyền nhiễm lây qua đường hô hấp. Hiện tại, trong các trường học đều có học sinh nghỉ ốm do nghi bị cúm. Khi bị bệnh cúm, trẻ có thể tự khỏi sau ba đến năm ngày, cho nên có thể điều trị tại nhà, nhưng cần được chăm sóc cẩn thận, để tránh bị nhiễm vi khuẩn khác. Tuy nhiên, điều mà các trường lo ngại là khi học sinh khỏi và đi học trở lại vẫn có khả năng lây nhiễm sang người khác trong thời gian nhất định. Chính vì vậy, nhà trường cần tuyên truyền để phụ huynh biết khi con mắc cúm cần nghỉ ngơi đầy đủ, đúng thời gian bác sĩ khuyến cáo, tránh cho con đi học sớm, vì tâm lý lo con không theo kịp chương trình” - ông Vũ nhấn mạnh.
Chị Nguyễn Lan Anh, phụ huynh Trường tiểu học Xuân La, quận Tây Hồ cho biết, theo khuyến cáo của trường, hiện học sinh đều dùng khẩu trang khi đến trường để đề phòng bụi mịn, ô nhiễm không khí cũng như lây nhiễm vi khuẩn, vi-rút lây bệnh truyền nhiễm. Phụ huynh cũng được nhắc nhở theo dõi sức khỏe con em mình thường xuyên trong thời điểm này, có các biện pháp nâng cao sức khỏe đề phòng nhiễm bệnh.
Trước thực tế các trường học thường là nơi phát sinh ổ bệnh như sốt xuất huyết, cúm, sốt vi-rút trong thời tiết hiện nay, ông Hoàng Thế Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thạch Thất cho biết, Trung tâm y tế huyện phối hợp với Phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện xây dựng và triển khai kế hoạch phòng, chống dịch bệnh học đường. Hằng tháng, Trung tâm Y tế huyện giao ban với mạng lưới y tế học đường trên địa bàn, để thông tin kịp thời về tình hình dịch bệnh, cũng như triển khai các biện pháp phòng, chống dịch tại các trường học. Trung tâm cũng tổ chức triển khai khám sức khỏe cho học sinh của 89 trường phổ thông các cấp trên địa bàn. Trong các đợt cao điểm về dịch bệnh, huyện thường xuyên phối hợp với các trường học tiến hành các hoạt động kiểm tra, giám sát và tiến hành khử khuẩn, vệ sinh môi trường, cũng như bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm tại các trường học.
Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho biết, để nâng cao thể trạng, phòng, chống bệnh dịch trong giai đoạn giao mùa, nhà trường cũng như gia đình cần chú ý thực hiện tốt vệ sinh ăn uống, ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải được bảo đảm sạch sẽ trước khi sử dụng, tốt nhất là ngâm tráng nước sôi; sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hằng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng như cốc, thìa… Nhà trường và phụ huynh nên chú ý cho con tăng cường ăn các loại thực phẩm, trái cây giàu vi-ta-min C như: cam, quýt... Ăn đủ bốn nhóm thực phẩm, gồm: tinh bột, đạm động vật, chất béo, trái cây, nhất là những loại trái cây sẫm mầu (đỏ, vàng) và cần bổ sung nước thường xuyên. Ông Khổng Minh Tuấn cũng khuyến cáo phụ huynh, học sinh khi đến những nơi tập trung đông người hoặc tham gia giao thông nên đeo khẩu trang để phòng, tránh khói, bụi, cũng như phòng các bệnh lây truyền qua đường hô hấp.