Tăng cường phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết (SXH) là bệnh truyền nhiễm rất phổ biến ở các quốc gia vùng nhiệt đới, có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm và thậm chí là gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Bệnh SXH lây khi muỗi vằn Aedes đã hút máu của người bệnh truyền sang người lành.

 Cộng đồng tham gia chiến dịch truyền thông-vệ sinh môi trường phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết

Cộng đồng tham gia chiến dịch truyền thông-vệ sinh môi trường phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết

Tại tỉnh Quảng Trị, từ đầu năm 2019 đến ngày 10/6/2019 có 344 ca nhiễm SXH ở 72/141 xã, phường (51,06%) của 9/10 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn và các địa phương có số người mắc SXH cao lần lượt là Hướng Hóa, Triệu Phong, thành phố Đông Hà. Kết quả điều tra dịch tễ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Trị đã ghi nhận, những đợt nắng nóng kéo dài trên diện rộng xen kẽ những cơn mưa lớn, việc trữ nước của người dân ở một số vùng còn khó khăn về nguồn nước, tạo môi trường thuận lợi để cả hai loài muỗi Aedes aegypty và Aedes abopictus sinh trưởng mạnh. Bên cạnh đó, quá trình giao lưu, giao thương của các tầng lớp nhân dân diễn ra hằng ngày với tần suất lớn là yếu tố tạo điều kiện phát tán mầm bệnh và lây lan bệnh SXH từ nơi này sang nơi khác. Trong khi đó vẫn còn nhiều người nghĩ rằng phòng, chống SXH là nhiệm vụ của ngành y tế. Một số đơn vị, địa phương chưa quan tâm đúng mức công tác phòng, chống dịch bệnh SXH trong cộng đồng nên việc huy động các nguồn lực phòng chống dịch SXH gặp không ít khó khăn…

Đến nay, thế giới vẫn chưa có vắc xin dự phòng và thuốc điều trị đặc hiệu bệnh SXH nên hiệu quả phòng, chống dịch bệnh SXH phụ thuộc vào các biện pháp ngăn ngừa vec tơ truyền bệnh bao gồm vệ sinh môi trường để loại bỏ lăng quăng (bọ gậy), diệt muỗi và phòng tránh muỗi đốt. Vì vậy, ngành y tế tỉnh thường xuyên tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh SXH cũng như truyền thông tại hộ gia đình, các địa phương và các khu vực có nguy cơ cao xảy ra dịch bệnh SXH; vận động cộng đồng tham gia chiến dịch vệ sinh môi trường tại các khu dân cư và các hộ gia đình; tổ chức điều tra ca bệnh, huyết thanh, côn trùng ngay từ trường hợp mắc đầu tiên; khuyến cáo người dân khi có các dấu hiệu nghi ngờ mắc SXH đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời theo đúng phác đồ… Những hoạt động trọng tâm này có tác dụng loại bỏ, xử lí đúng cách các đồ vật có thể chứa nước làm nguồn sinh sản của muỗi do con người tạo ra trong đời sống hằng ngày như lốp xe, vỏ lon, túi ni lon, bể nước, lọ hoa, hòn non bộ và che đậy, thau rửa các dụng cụ đựng nước, dọn sạch nước mưa đọng trong những chỗ lõm trên ngõ xóm hoặc sân thượng của nhà cao tầng. Qua đó, vai trò của người dân trong phòng, chống dịch bệnh SXH được nâng cao và cùng với các đợt phun hóa chất diệt muỗi của ngành y tế sẽ ngăn chặn được nguy cơ bệnh SXH bùng phát thành dịch lớn.

Theo Kế hoạch số 1106/KH-UBND ngày 20/3/2019 của UBND tỉnh Quảng Trị về phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2019, Sở Y tế thực hiện mục tiêu chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh SXH, giám sát chặt chẽ và phát hiện sớm, đáp ứng nhanh và xử lí triệt để các ổ dịch để hạn chế đến mức thấp nhất sự lây lan, bùng phát của SXH trong cộng đồng và tử vong do dịch bệnh SXH nhằm bảo vệ sức khỏe của nhân dân. Theo đó, Sở Y tế ban hành kế hoạch cụ thể để chỉ đạo tổ chức triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh SXH trên địa bàn. Chuẩn bị đầy đủ phương tiện, vật tư, hóa chất, thuốc… phục vụ chẩn đoán, điều trị, giám sát và phòng chống dịch bệnh SXH. Giám sát chặt chẽ tình hình ca bệnh SXH tại cộng đồng và các cơ sở y tế, lấy mẫu bệnh phẩm các trường hợp mắc và nghi ngờ mắc SXH gửi Viện Pasteur Nha Trang, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương làm xét nghiệm. Phối hợp các cơ quan chức năng tại Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, Cửa khẩu quốc tế La Lay, cảng Cửa Việt tăng cường kiểm tra, giám sát người và phương tiện vận tải, hàng hóa nhập cảnh, xuất cảnh qua vào tỉnh.

Truyền thông phòng, chống SXH theo các khuyến cáo của Bộ Y tế và thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác về tình hình dịch bệnh đến mọi người, mọi nhà cùng các biện pháp phòng, chống với các thông điệp truyền thông về phát hiện sớm triệu chứng mắc bệnh và kiến thức cơ bản về phòng bệnh. Tập huấn hướng dẫn chẩn đoán, điều trị SXH của Bộ Y tế với cán bộ làm công tác điều trị tại các bệnh viện, phòng khám khu vực, trạm y tế trong toàn tỉnh. Kiện toàn các đội chống dịch cơ động, đội cấp cứu lưu động sẵn sàng làm nhiệm vụ và hỗ trợ các đơn vị tuyến dưới khi cần thiết. Chẩn đoán, thu dung và điều trị kịp thời các trường hợp mắc SXH theo đúng phác đồ của Bộ Y tế. Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động phòng, chống dịch bệnh SXH đồng thời phối hợp các ban, ngành, đoàn thể các cấp tổ chức kiểm tra, giám sát và xử lý ổ dịch, vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy hằng tuần tại nơi có ghi nhận ca bệnh. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giám sát dịch bệnh SXH. Phối hợp các tỉnh Mukdahan (Thái Lan), Savannakhet (Lào) trong phòng, chống dịch bệnh SXH truyền qua biên giới.

Với sự đồng hành, chung tay của chính quyền địa phương, người dân và cộng đồng, ngành y tế tỉnh Quảng Trị hướng tới mục tiêu thực hiện có hiệu quả các hoạt động phòng chống và loại trừ SXH.

Bội Nhiên

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=140278