Tăng cường phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng
Tại Sóc Trăng, thời điểm này đang là cao điểm của bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng. Số ca bệnh đang tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2021. Dự báo số ca mắc sẽ tiếp tục tăng và có thể bùng phát trên diện rộng, nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống.
Theo báo cáo của Sở Y tế Sóc Trăng, tính đến ngày 1/8, toàn tỉnh đã ghi nhận 901 ca sốt xuất huyết, tăng 658 ca so với cùng kỳ năm 2021. Các địa phương ghi nhận số ca mắc cao là: Vĩnh Châu 256 ca; Trần Đề 147 ca; Thạnh Trị 78 ca; Long Phú 72 ca… Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, tỉnh đã có 2 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết Dengue tại phường Vĩnh Phước, thị xã Vĩnh Châu và xã Viên Bình, huyện Trần Đề, tăng 1 ca so với năm 2021. Toàn tỉnh ghi nhận 441 ổ dịch, tăng 330 ổ dịch so với năm 2021.
Về bệnh tay chân miệng, toàn tỉnh ghi nhận 123 ổ dịch (tăng 20 ổ) với 1.432 ca, tăng 723 ca (102%) so với cùng kỳ năm 2021. Một số địa phương có ca mắc tăng cao là: huyện Kế Sách (221 ca), thị xã Ngã Năm (178 ca), Mỹ Tú (165 ca)… Số mắc chủ yếu tập trung ở lứa tuổi từ 5 tuổi trở xuống với 1.290 ca (chiếm 94%), đặc biệt nhóm trẻ dưới 3 tuổi là 1.040 ca (chiếm 76%). Số ca tăng nhưng trên địa bàn tỉnh hiện vẫn chưa ghi nhận trường hợp tay chân miệng độ nặng và không có trường hợp tử vong.
Có con bị bệnh tay chân miệng, chị Trịnh Thị Hiền (ở Phường 8, thành phố Sóc Trăng) cho biết: Lúc đầu phát hiện, cháu có nốt phát ban dạng phỏng nước ở lòng bàn tay. Chị nhanh chóng đưa bé đến cơ sở y tế để thăm khám và được chẩn đoán mắc bệnh tay chân miệng. Khi hay con mắc bệnh, chị rất lo lắng. Nhờ được đưa đến bệnh viện kịp thời, cháu đã nhanh chóng được điều trị khỏi. Để phòng, chống dịch bệnh, chị đã thường xuyên vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, cho con rửa tay bằng xà phòng, đảm bảo ăn chín uống sôi và vệ sinh không gian vui chơi, làm sạch đồ chơi của con...
Huyện Châu Thành hiện là địa phương có ít dịch bệnh nhất trên địa bàn. Ông Yết Keo Ma Ni, Trưởng Trạm Y tế xã Thiện Mỹ cho biết: Nhờ đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền, với phương châm “đến từng nhà, gõ từng cửa”, nhận thức của người dân về phòng, chống các loại dịch bệnh tại địa phương đã thay đổi. Dịch bệnh trên địa bàn được kiểm soát, không có trường hợp mắc bệnh nặng.
Dù vậy, địa phương không lơ là, tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống dịch cả bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng. Theo ông Ma Ni, các cán bộ y tế địa phương đã tuyên truyền vận động, người dân nhận thức được là vào mùa mưa, dịch sốt xuất huyết diễn ra hết sức phức tạp. Vì vậy, người dân cần ý thức được việc phải ngủ mùng cả ngày lẫn đêm; vệ sinh bụi rậm thông thoáng, xúc nước, vệ sinh các vật dụng chứa đựng nước xung quanh nhà...
Theo lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Sóc Trăng, từ đầu năm 2022 đến nay, đơn vị đã tham mưu Sở Y tế nhận định, dự báo tình hình bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng có thể bùng phát trở lại trong năm 2022 và đã có kế hoạch phòng ngừa. Trung tâm tăng cường đưa cán bộ y tế giám sát xử lý ổ dịch; điều tra côn trùng thường xuyên hàng tháng; giám sát chiến dịch diệt bọ gậy; phun hóa chất diệt côn trùng, đảm bảo đủ hóa chất, trang thiết bị để xử lý dịch trong cả năm 2022...
Để công tác phòng, chống dịch trên địa bàn có hiệu quả, lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng đã chỉ đạo các cấp, ngành, chính quyền triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống, ngăn chặn hiệu quả sự bùng phát dịch bệnh; chú trọng triển khai phòng, chống dịch bệnh tại các vùng sâu, vùng khó tiếp cận dịch vụ y tế, vùng có đông đồng bào dân tộc sinh sống, khu vực di biến động về dân cư, có ổ dịch cũ và nơi có tỷ lệ tiêm chủng chưa cao...