Tăng cường phòng chống dịch bệnh trên cây trồng dịp tết Nguyên đán

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Hiền cho biết, đến nay toàn tỉnh đã gieo cấy được hơn 25.550 ha lúa vụ đông xuân, đạt 100% kế hoạch. Lúa trà đầu đã 3 – 4 lá, sinh trưởng tốt.

 Nông dân huyện Vĩnh Linh chăm sóc, tỉa dặm đối với cây lúa trà đầu - Ảnh: T.Q

Nông dân huyện Vĩnh Linh chăm sóc, tỉa dặm đối với cây lúa trà đầu - Ảnh: T.Q

Các loại cây trồng khác như lạc, ngô, sắn… đã gieo trồng được 50% diện tích. Để chủ động sản xuất, phòng trừ các đối tượng dịch bệnh trên cây trồng trước, trong và sau Tết, Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tập trung hỗ trợ, hướng dẫn nông dân tranh thủ thời tiết thuận lợi để tiến hành bón phân, tỉa dặm các diện tích lúa gieo cấy trà đầu.

Đồng thời đẩy nhanh tiến độ gieo trồng đảm bảo diện tích các cây trồng cạn như sắn, lạc, ngô,... trước tết Nguyên đán để hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh đến năng suất cuối vụ. Theo dõi các bản tin dự báo thời tiết để kịp thời hướng dẫn nông dân các giải pháp canh tác và ứng phó phù hợp, giảm thiểu ảnh hưởng do thời tiết bất thuận xảy ra, nhất là các trà lúa vùng thấp trũng, diện tích hoa màu mới gieo.

Nông dân các địa phương cần thường xuyên thăm đồng, nhất là thời gian trước, trong và sau Tết để có biện pháp chăm sóc và phát hiện, xử lý kịp thời các đối tượng sâu bệnh gây hại. Điều tiết mực nước trên đồng ruộng hợp lý để tạo điều kiện thuận lợi cho lúa đẻ nhánh và giữ ấm khi trời rét. Tiến hành bón phân thúc và tỉa dặm cho cây lúa kịp thời, nhất là giai đoạn sau gieo từ 15 – 20 ngày, khi trời ấm để thúc lúa đẻ nhánh sớm, tập trung. Sử dụng bảng so màu lá lúa để điều chỉnh lượng phân đạm bón thúc phù hợp, tránh bón thừa đạm dễ phát sinh bệnh đạo ôn lá. Chú trọng công tác diệt chuột và ốc bươu vàng; phun thuốc trừ bệnh đạo ôn sớm khi bệnh mới phát sinh để hạn chế bệnh lây lan ra diện rộng.

Bên cạnh đó, cần chú ý sâu xám, sâu keo mùa thu hại ngô, bệnh héo rủ trên cây lạc, bệnh khảm lá, chổi rồng, rệp sáp bột hồng trên cây sắn... để có biện pháp phòng trừ hiệu quả. Tuyệt đối không sử dụng hom sắn từ các vùng bị bệnh khảm lá sắn để làm giống. Đối với cây ăn quả, cây công nghiệp dài ngày cần tiến hành chăm sóc, bón phân kịp thời, cân đối. Đồng thời, chú ý phòng trừ bệnh chết nhanh, chết chậm, thán thư, tuyến trùng,... trên cây hồ tiêu; bệnh gỉ sắt, thán thư, khô cành… trên cây cà phê; bệnh phấn trắng, loét sọc miệng cạo... trên cây cao su.

Thục Quyên

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=82&modid=445&itemid=164514&title=tang-cuong-phong-chong-dich-benh-tren-cay-trong-dip-tet-nguyen-dan