Tăng cường phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng vụ xuân
Vụ xuân năm 2024, nhìn chung thời tiết tương đối thuận lợi cho việc xuống giống và chăm sóc cây trồng đầu vụ. Tuy nhiên, thời tiết dự báo diễn biến phức tạp, mưa nhiều, độ ẩm cao, thuận lợi cho sâu bệnh gây hại nếu không được phòng trừ kịp thời. Vì vậy, việc chủ động, tăng cường triển khai các biện pháp phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng cần được các địa phương quan tâm thực hiện.
Theo Chi cục Trồng trọt và Chăn nuôi (TT&CN), vụ xuân 2024, toàn tỉnh phấn đấu gieo trồng hơn 45.000 ha cây trồng các loại. Đến nay, các địa phương gieo cấy 2.476,5 ha lúa, bằng 65% kế hoạch với các loại giống chủ yếu như: GS55, Nhị ưu 838, Nhị ưu 63, Syn 98, GS 9, TH-8, TH 3-3, Thái ưu 28, LP 1601, Đại dương, Khang dân, ĐV 108, Bắc Thơm… hiện đang ở giai đoạn hồi xanh; gieo trồng 22.207,6 ha ngô, bằng 87% kế hoạch gồm các loại giống: CP511, CP811, CP512, CP311, CP111, NK7328, NK6253, NK4300..., hiện đang sinh trưởng ở giai đoạn 5 - 7 lá; 292,3 ha đỗ tương, bằng 56% kế hoạch, hiện đang ở giai đoạn phát triển thân lá…
Theo Trưởng Phòng Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Chi cục TT&CN Đoàn Thị Thuấn, vụ xuân năm nay, thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp dẫn đến sự phát sinh của các loại sâu bệnh hại cây trồng, khó dự báo trước tình hình dịch bệnh, dễ nảy sinh những dịch bệnh lớn. Để chủ động phòng trừ dịch hại cây trồng, hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại do sâu bệnh gây ra, ngay từ đầu vụ, Chi cục TT&CN xây dựng phương án bảo vệ thực vật và triển khai đến các địa phương. Tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo nông dân các biện pháp kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc các loại cây trồng vụ xuân; tổ chức triển khai thực hiện nghiêm quy định về điều tra định kỳ, điều tra bổ sung sinh vật gây hại cây trồng.
Thực hiện tốt công tác dự tính, dự báo tình hình phát sinh, gây hại của các sinh vật trên cây trồng, nắm chắc diễn biến dịch hại, nhận định chính xác khả năng phát sinh, diện phân bố, mức độ gây hại của đối tượng dịch hại chủ yếu nhằm hướng dẫn nông dân phòng trừ kịp thời, hiệu quả khi sâu bệnh mới phát sinh trên diện hẹp; chuẩn bị đầy đủ số lượng và chủng loại thuốc bảo vệ thực vật khi cần thiết phục vụ cho sản xuất. Hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng hiệu quả, kịp thời.
Hiện nay, trên trên các loại cây trồng tuy xuất hiện một số dịch bệnh hại nhưng mức độ gây hại không đáng kể, vẫn nằm trong tầm kiểm soát, chưa ảnh hưởng lớn đến năng suất, sản lượng cây trồng. Trong đó, ốc bươu vàng gây hại trên lúa xuân với mật độ phổ biến 1 con/m2 xuất hiện ở Hòa An, Thành phố, Hà Quảng; trên ngô xuân xuất hiện các loại sâu hại như sâu xám gây hại nhẹ rải rác; sâu keo mùa thu gây hại mật độ phổ biến 1 con/m2, cao 2 - 4 con/m2, diện tích nhiễm 16,5 ha, cao hơn so với cùng kỳ năm 2023; sâu gai gây hại với mật độ phổ biến 20 - 25 con/m2, cao 40 - 50 con/m2, diện tích nhiễm 5 ha; châu chấu gây hại với mật độ phổ biến 2 - 4 con/m2, cao 15 - 20 con/m2, diện tích nhiễm 0,6 ha… Các diện tích bị sâu bệnh hại cơ bản đã triển khai các biện pháp phòng trừ.
Chị Hoàng Thị Ngay, tổ 12, phường Đề Thám (Thành phố) cho biết: Hiện nay, hơn 1.200 m2 lúa của gia đình đang phát triển tốt ở giai đoạn hồi xanh - đẻ nhánh, chưa có dịch bệnh lớn xảy ra. Tuy nhiên, để bảo vệ mùa màng, hằng tuần tôi chủ động thăm đồng, sử dụng biện pháp thủ công để nhặt bỏ ốc bươu vàng và trứng ốc, ngắt bỏ những cây, lá nhiễm bệnh để tránh phát sinh gây hại. Theo dõi tình hình sâu, bệnh để có biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả.
Theo dự báo, thời tiết tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, nắng nóng xen kẽ mưa vừa và mưa to dễ bùng phát các dịch hại cây trồng cục bộ gây ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng toàn vụ. Chi cục TT&CN khuyến cáo bà con cần chú ý theo dõi chặt chẽ một số loại sâu bệnh hại trên các cây trồng theo từng giai đoạn sinh trưởng để phòng trừ. Trong đó, đối với lúa xuân có ốc bươu vàng gây hại mạnh ở lúa xuân giai đoạn mới cấy - hồi xanh vào giữa tháng 3 đến đầu tháng 4, hại nặng ở những ruộng trũng hằng năm thường xuyên xuất hiện ốc bươu vàng và những ruộng không canh tác vụ đông, những ruộng có mương dẫn nước trực tiếp từ ao, hồ chứa, khe suối. Rầy nâu, rầy lưng trắng, sâu cuốn lá nhỏ có khả năng phát sinh gây hại thành dịch vào giữa tháng 3 đến đầu tháng 6, nếu không chủ động phòng trừ một số diện tích sẽ bị cháy rầy cục bộ; sâu đục thân, châu chấu, bọ xít, bệnh đạo ôn, bệnh khô vằn phát sinh gây hại từ giai đoạn lúa đứng cái - trỗ bông.
Trên cây ngô chú ý sâu xám gây hại thời kỳ cây con phát sinh vào giai đoạn ngô mọc đến 4 lá; sâu keo mùa thu phát sinh gây hại từ giai đoạn cây con đến trước trỗ cờ, cao điểm ở giai đoạn ngô 3 lá đến xoáy nõn; sâu đục thân, đục bắp phát sinh vào cuối tháng 3, phát triển mạnh vào giữa tháng 5 đến đầu tháng 6 khi ngô đang giai đoạn trỗ cờ - tạo hạt; sâu gai xuất hiện từ giữa tháng 4, gây hại mạnh trong tháng 5. Chú ý theo dõi những những diện tích đã bị hại từ các vụ trước…
Thời gian tới, người dân chủ động thăm đồng thường xuyên, ngay khi phát hiện sâu bệnh hại cần báo ngay với cơ quan chuyên môn của địa phương để được hướng dẫn chủ động phòng trừ, tránh sâu bệnh hại bùng phát thành dịch lớn, gây ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng cây trồng. Các cơ quan chuyên môn tăng cường theo dõi, phát hiện, cập nhật diễn biến sâu bệnh hại hằng tuần và khuyến cáo các biện pháp phòng trừ dịch hại; hướng dẫn người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học thay thế thuốc hóa học có độ độc cao… Tăng cường tập huấn, tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách nhận biết sâu bệnh hại trên cây trồng, từ đó có biện pháp phòng trừ hiệu quả.